Doanh nghiệp vừa và nhỏ là trung tâm của đổi mới công nghệ
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN (Ảnh: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ).
Hiện nay có tới 90% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn tới thực trạng tiềm lực đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) vẫn còn hạn chế, cũng như gặp nhiều khó khăn, rào cản. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của các doanh nghiệp này trong công tác ĐMST.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là trung tâm của đổi mới công nghệ
Theo ông Dũng, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là đối tượng quan trọng nhất của nền kinh tế tại Việt Nam nói chung và hệ thống ĐMST nói riêng do chiếm số lượng lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất, đóng góp chủ yếu cho GDP.
“Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc hàng ngày phải đối diện với những khó khăn, thách thức cho sự tồn tại, lại ít có điều kiện tiếp cận đến các cơ chế, chính sách của nhà nước thì việc giúp họ hiểu được bản chất và cơ hội do ĐMST đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp của họ là rất quan trọng”, Cục trưởng Dũng chia sẻ.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong thời gian qua (Ảnh: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ).
Ngoài ra, Cục trưởng cũng cho rằng ĐMST trong doanh nghiệp về cơ bản là tập trung vào các nội dung gồm đổi mới sản phẩm, quy trình, công nghệ, cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Trong đó, ĐMST có thể mang cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ nhưng trong đó công nghệ vẫn là cái gốc của sự ĐMST và tùy theo mức độ tác động mà công nghệ sẽ đóng vai trò trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình đó, ông nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, có thể thấy nhiều chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia đã được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư.
Có thể nói thông qua các văn bản và hoạt động thiết thực của Nhà nước trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hành lang, pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST.
Tiếp tục huy động nguồn lực tăng cường quản lý về đổi mới sáng tạo
Vẫn với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm của ĐMST, thời gian qua, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ KH&CN triển khai đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y – dược… nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của ông Lê Việt Dũng, thông qua Chương trình, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu của các doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước.
Nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá Tra của Tập đoàn Sao Mai (Ảnh: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ).
“Những kết quả đạt được trong thời gian qua của Chương trình đã có những đóng góp đáng kể trong việc tạo lập nền tảng quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ”, ông Lê Việt Dũng khẳng định.
“Ngoài ra, Chương trình còn nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực và góp phần hình thành một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường phù hợp với định hướng phát triển của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 – 2020”.
Trong giai đoạn tới Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ dễ dàng, thuận tiện hơn.