Doanh nghiệp vận tải ô tô muốn được tiếp tục cơ cấu nợ, giãn nợ

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải ô tô.

Theo đó, vận tải ô tô là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ hết sức khó khăn. Đến nay, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại, đây là cơ hội để ngành vận tải ô tô hồi phục.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khiến giá xăng dầu liên tục tăng cao; vận tải hành khách diễn biến phức tạp, tình trạng xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình chưa được kiểm soát đã khiến cho thị trường vận tải suy giảm, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã lại gặp phải những khó khăn mới.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng các khoản nợ thời hạn giãn nợ theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN tối đa đến 31/12/2021, nhưng trên thực tế thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không phục hồi kịp, doanh thu không đủ để thanh toán cho các khoản nợ đến hạn, dẫn đến hệ lụy hàng loạt các doanh nghiệp bị chuyển sang nợ quá hạn nhóm 5 kể từ sau ngày 31/12/2021. Đồng thời, vì có nợ quá hạn nên doanh nghiệp không vay được vốn mới để phục hồi hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách cho phép tiếp tục cơ cấu nợ, giãn nợ, không nhảy nhóm đối với tất cả những khoản nợ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà đến nay khách hàng vẫn chưa trả được nợ. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho doanh nghiệp được vay vốn để tái đầu tư, phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có phương án kinh doanh khả thi, kể cả trường hợp doanh nghiệp đang có những khoản nợ bị quá hạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Liên quan đến vấn đề nộp thuế, Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 cho phép gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tất cả các khoản được gia hạn đều phải nộp trước ngày 31/12/2022. 

“Nhưng do bối cảnh thị trường suy giảm mạnh khiến các doanh nghiệp không có khả năng nộp hết được số thuế nợ dồn về cuối năm, dẫn đến hiện nay hàng loạt doanh nghiệp đã bị ngành thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng, phong tỏa hóa đơn, doanh nghiệp lâm vào tình trạng vô cùng bi đát”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.

Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục cho doanh nghiệp được giãn nộp thuế trong năm 2023, trong đó cho phép giãn thời hạn nộp đến ngày 30/9/2023 đối với các khoản thuế đến hạn nộp trong tháng 12/2023; tiếp tục giữ nguyên mức thuế giá trị gia tăng 8% như Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP để kích cầu tiêu dùng đến hết năm 2023.

Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị giảm thuế trước bạ xuống 2% cho các doanh nghiệp vận tải đầu tư mới phương tiện để mở rộng kinh doanh.

Một khó khăn nữa mà Hiệp hội Vận tải ô tô nêu đó là tình trạng thị trường suy giảm mạnh nên doanh nghiệp không có nguồn thu hoặc nguồn thu không đủ bù đắp chi phí dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội rất nhiều. 

Bởi lẽ, theo quy định hiện nay, nếu doanh nghiệp nào còn nợ đọng bảo hiểm xã hội thì người lao động của doanh nghiệp đó không được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Hệ quả của chính sách này là có nhiều người lao động bị ốm phải vào viện nhưng không được hưởng chính sách bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn tới đời sống người lao động và chính sách an sinh xã hội.

Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho phép gia hạn các khoản bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp còn nợ đọng đến 31/12/2022 được gia hạn đến ngày 30/6/2023 doanh nghiệp mới phải nộp (doanh nghiệp không phải chịu lãi chậm trả).

Trong trường hợp doanh nghiệp đang còn nợ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì để đảm bảo đời sống cho người lao động, Hiệp hội Vận tải ô tô đề xuất doanh nghiệp chỉ cần nộp khoản nợ bảo hiểm y tế là người lao động của doanh nghiệp đó sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế khi bị ốm đau.

Hiệp hội cũng đề xuất Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xóa tiền lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp vận tải trong thời gian từ tháng 3/2020 đến 31/12/2022.