Doanh nghiệp vận tải biển báo lãi cuối năm

Thu Giang

  –  

Thứ sáu, 09/12/2022 19:00 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển đang liên tục báo lãi trong những tháng cuối năm khi lượng hàng hoá thông qua cảng biển tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, khó khăn về chi phí nguyên liệu, chính sách xuất khẩu nghiêm ngặt của một số nước vẫn đang là rào cản lớn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới.

Doanh nghiệp vận tải biển báo lãi cuối năm
Doanh nghiệp vận tải biển báo lãi lớn cuối năm. Ảnh: HUY BẰNG

Doanh nghiệp vận tải biển báo lãi lớn cuối năm. Ảnh: HUY BẰNGDoanh nghiệp vận tải biển báo lãi lớn cuối năm. Ảnh: HUY BẰNGDuy trì tăng trưởng

Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans – PVT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2022 đạt gần 390 tỉ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2021. Theo PVTrans, giá cước tăng theo giá nguyên liệu đã khiến doanh thu dịch vụ vận tải tăng, một số hãng tàu cũng hưởng lợi thêm từ việc khai thác đội tàu mới, ký hợp đồng mới với đối tác nước ngoài.

Tương tự, “anh cả” trong ngành vận tải biển là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – MVN) tuy nhận mức lãi quý III/2022 giảm nhưng lũy kế 9 tháng của doanh nghiệp đã đạt hơn 2.770 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021 và vượt 10% kế hoạch cả năm. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, do nhu cầu phục hồi tốt cùng giá cước neo cao đang là yếu tố chính kéo dài mùa kinh doanh thuận lợi của ngành vận tải biển. Thị trường vận tải biển tuy có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nhìn chung mặt bằng cước vẫn duy trì ở mức tốt.

Dữ liệu từ Freightos – một trong những nền tảng đặt chỗ vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới cũng cho thấy, chỉ số vận tải container toàn cầu quý III/2022 đã hạ từ 6.577 USD về 4.060 USD. Tuy vậy, mức giá này vẫn còn cao gấp 2 – 3 lần so với trung bình 1.800 – 2.000 USD cùng kỳ năm 2020. Nếu so với quý III/2019, chỉ số vận tải container toàn cầu vẫn neo ở mức gấp gần 3 – 5 lần. Trong nước, chỉ số giá vận tải đường biển trong quý III/2022 tăng gần 5% so với cùng kỳ.

Linh hoạt ứng biến, tránh rủi ro

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 670 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển đã vượt khoảng 92% so với kế hoạch. 

Nhờ tăng trưởng của hàng nội địa, một số doanh nghiệp cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất khả quan. Các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải biển đã nhận định, tuy đang duy trì mức tăng trưởng khá nhưng trong thời điểm cuối năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và vận tải biển đều đang phải đối mặt với khó khăn trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát cũng như tác động từ chính sách Zero COVID của Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cần chủ động thay đổi phương thức hoạt động để tránh những thiệt hại, rủi ro trong những tháng cuối năm.

Phân tích về giá cước vận tải quốc tế giai đoạn cuối năm 2022, SSI Research cũng dự đoán chỉ số trên dần bình thường trở lại do nhu cầu giảm và nguồn cung tàu container tăng. Sang năm 2023, giá cước chung có thể giảm mạnh nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại. SSI Research vẫn lưu ý, mức giá vận tải cân bằng sẽ cao hơn trước dịch COVID-19 do các hãng vận chuyển phải chịu chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao hơn nhiều so với trước đây.

Trong khi đó, giá cước vận tải trong nước có thể duy trì ở mức đỉnh trong năm 2023 do thị trường vẫn thiếu nguồn cung, vì phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Đồng thời, phụ phí nhiên liệu cũng đang được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu. Ngoài ra, nhu cầu trên thị trường nội Á vẫn đang tăng mạnh, do khu vực này được hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.