Doanh nghiệp thương mại điện tử “đỏ mắt” tìm nhân sự
Smart OSC- một doanh nghiệp chuyên làm gia công, cung cấp giải pháp hỗ trợ các nền tảng thương mại điện tử với quy mô 1.000 nhân sự. Trong kế hoạch phát triển, doanh nghiệp này sẽ tăng số nhân sự trong thời gian tới lên mức 5.000 người. Hàng năm, số lượng nhân sự mới vào công ty cần khoảng 500 người nhưng doanh nghiệp rất khó tuyển dụng. Bộ phận tuyển dụng của công ty đã “gõ cửa” các trường đại học nhưng khó có thể tuyển dụng được đủ về số lượng cũng như đáp ứng yêu cầu làm việc ngay.
Nội Dung Chính
NHÂN SỰ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ THIẾU HỤT TRẦM TRỌNG
Câu chuyện của Smart OSC đã cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành thương mại điện tử hiện nay là rất lớn.
Ông Lê Mai Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Smart OSC, khẳng định nhu cầu nhân sự là rất lớn, doanh nghiệp rất muốn tuyển dụng ở Việt Nam nhưng số lượng không đáp ứng đủ. Đây là bài toán khó của doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực đầu vào cho thương mại điện tử đang rất thiếu và phải lấy từ nhiều ngành khác nhau liên quan đến công nghệ, kinh tế, xuất nhập khẩu…Quan trọng hơn là các sinh viên đang thiếu những kỹ năng thực chiến để có thể làm việc được ngay trong môi trường doanh nghiệp.
Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra những nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực để lĩnh vực này tiếp tục cất cánh trong thời gian tới. Việt Nam có gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng đó, gần 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Trong hai năm Covid có hơn 5,5 triệu người tiêu dùng trực tuyến tham gia thị trường chủ yếu ở nông thôn và ngoại thành. Điều này đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn đáp ứng cho phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực thương mại điện tử là rất lớn. Nguồn nhân lực cho thương mại điện tử hiện nay đang và sẽ thiếu hụt trầm trọng.
Chia sẻ quan điểm, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại của Lazada, cho biết nhu cầu nhân lực có kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử đang tăng rất nhanh và nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu. Đó là lý do các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử khi tuyển dụng không chỉ tập trung vào sinh viên có kiến thức chuyên ngành thương mại điện tử mà phải linh hoạt mở rộng ra nhiều ngành khác liên quan như quản trị kinh doanh, marketing…để vận hành doanh nghiệp.
Theo ông Trần Mạnh Cường, chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Sapo, nguồn nhân lực đầu vào cho thương mại điện tử đang rất thiếu và phải lấy từ nhiều ngành khác nhau liên quan đến công nghệ, kinh tế, xuất nhập khẩu… Điều quan trọng hơn là các sinh viên đang thiếu những kỹ năng thực chiến để có thể làm việc được ngay trong môi trường doanh nghiệp thương mại điện tử. Các kiến thức kỹ năng làm việc thực tế, tương tác xã hội của sinh viên còn hạn chế nên các doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ phải đào tạo lại.
ĐÀO TẠO KINH NGHIỆM THỰC CHIẾN
Thương mại là trụ cột của phát triển kinh tế số. Trước đây khi đào tạo thương mại điện tử chủ yếu hướng đến kinh doanh thương mại, quản trị kinh doanh, marketing, thương mại quốc tế… Nhân lực đào tạo giai đoạn đó khác hoàn toàn so với hiện nay. Trong bối cảnh 4.0, với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, kinh tế số như hiện nay, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo cần có những bước điều chỉnh cho phù hợp.
Tại hội thảo đào tạo thương mại điện tử 2022 vừa diễn ra, các ý kiến cho rằng nếu các trường đã đào tạo mà doanh nghiệp tuyển dụng phải tái đào tạo là sự lãng phí. Vậy các doanh nghiệp có thể tham gia cùng các trường hỗ trợ đào tạo thế nào để các sinh viên có những kỹ năng thực chiến?
Để giúp các sinh viên có kiến thức thực tế, một trường đại học cho biết đã đưa chuyên gia của doanh nghiệp hoặc một bộ phận chức năng của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo, đề cương môn học, đưa một phần (khoảng 20%) đào tạo của doanh nghiệp vào một số học phần.
Nhu cầu nhân lực đào tạo cho thương mại điện tử là rất lớn. Đào tạo gì khi xây dựng kế hoạch, phương pháp đào tạo để mang lại giá trị thực chất cho sinh viên là một trăn trở của nhiều trường. Trong đào tạo, một số trường chú trọng lý thuyết hàn lâm học thuật, để gây dựng nguồn nhân lực quản lý, dẫn dắt sự phát triển của ngành. Nhưng cũng có nhiều trường xác định mục tiêu hướng đến đào tạo thực hành ứng dụng cho sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành cần đồng hành cùng các trường đại học trong đào tạo sinh viên gắn với thực tiễn nhu cầu, để các doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo lại cho sinh viên khi ra trường.
Riêng với Trường đại học Đại Nam tiếp cận theo hướng thực hành thực chiến, trải nghiệm. Trong các môn chuyên ngành, nhà trường đưa những đơn vị học phần là các chức danh nghề nghiệp của thị trường lao động, doanh nghiệp thương mại điện tử vào chương trình đào tạo.
TS. Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số, chia sẻ trong mỗi đơn vị học phần, trường mời các chuyên gia ở các trung tâm đào tạo chuyên ngành, là các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào giảng dạy. Khoảng 1/3 chương trình đào tạo lý thuyết, còn 2/3 chương trình thực hành sẽ do các giảng viên thực chiến giảng dạy. Các sinh viên sẽ lập nhóm, tham gia vào các dự án nghiên cứu của những giảng viên thực chiến, làm ra sản phẩm để thể hiện năng lực, tư duy sáng tạo của mình. Đây sẽ là kinh nghiệm thực chiến thương mại điện tử khi sinh viên ra trường đi xin việc.
Đặc biệt, khi xảy ra dịch Covid-19, nhà trường đã có phương pháp đào tạo ngược, tập trung đào tạo ngay những môn chuyên ngành từ năm đầu, những môn sinh viên có thể tiếp cận và làm việc được ngay.
Quan điểm này có thể không phù hợp với triết lý đào tạo học thuật. Tuy nhiên, TS. Tài cho rằng đào tạo cử nhân thực hành cần phải có chuẩn kỹ năng, có kiến thức thực hành trải nghiệm để có thể làm được việc ngay, tạo giá trị thực chất cho sinh viên, có sản phẩm trong từng đơn vị học phần.
Để đạt được yêu cầu số lượng và chất lượng nhân lực trong tương lai, không thể thiếu sự phối hợp giữa các trường đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội. Các ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành cần đồng hành cùng các trường đại học trong đào tạo sinh viên gắn với thực tiễn nhu cầu, để các doanh nghiệp không phải mất thời gian đào tạo lại cho sinh viên khi ra trường.
TS. Vũ Xuân Nam, Trưởng Khoa hệ thống thông tin kinh tế, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), mong muốn doanh nghiệp dấn thân mạnh hơn, đồng hành, chia sẻ thực tiễn sâu hơn, phối hợp, tạo sự gắn kết chặt chẽ với các trường trong đào tạo nhân lực.
Về phía doanh nghiệp như Smart OSC sẵn sàng kết hợp, cử chuyên gia sang các trường dạy những kiến thức doanh nghiệp cần cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực có thể làm việc ngay mà không cần phải đào tạo lại.
Theo chia sẻ của một số trường, thương mại điện tử rất rộng, có nhiều mảng nên nhu cầu kỹ năng nhân sự đòi hỏi sẽ khác nhau. Hiện nay mỗi trường đều có định vị riêng trong đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử. Với tốc độ mở ngành, chuyên ngành của các trường như hiện nay, các chuyên gia kỳ vọng, đến năm 2025 có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tổng thể, đáp ứng được đủ nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp trong ngành.