Doanh nghiệp sản xuất là gì? Đặc điểm doanh nghiệp sản xuất?
Doanh nghiệp sản xuất là gì? Đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất? Cách thức để doanh nghiệp sản xuất hoạt động hiệu quả? Quy trình quản lý doanh nghiệp sản xuất?
Doanh nghiệp sản xuất hiện nay được ví giống như một đơn vị kinh tế cơ sở, là tế bào của nền kinh tế quốc dân. Tại các doanh nghiệp sản xuất, diễn ra các hoạt động tạo ra sản phẩm và thực hiện cung cấp các loại sản phẩm đó nhằm để phục vụ nhu cầu xã hội. Vai trò của doanh nghiệp sản xuất trong nền kinh tế thị trường là không thể phủ nhận. Vậy, doanh nghiệp sản xuất là gì? Đặc điểm và quy trình như thế nào?
1. Doanh nghiệp sản xuất là gì?
Sản xuất hay sản xuất của cải vật chất được hiểu cơ bản chính là hoạt động chủ yếu trong các hoạt động kinh tế của con người. Đó là quá trình làm ra sản phẩm để sử dụng, hay để trao đổi trong thương mại. Khái niệm doanh nghiệp sản xuất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn lực, tư liệu sản xuất kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quá trình sản xuất của một doanh nghiệp được hiểu là sự kết hợp giữa ba yếu tố cơ bản: sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động để nhằm mục đích có thể tạo ra sản phẩm. Cụ thể:
– Sức lao động: Được hiểu là khả năng của lao động; là tổng thể việc kết hợp, sử dụng thể lực và trí lực của con người trong quá trình lao động.
– Đối tượng lao động: Được hiểu là bộ phận của giới tự nhiên mà hoạt động lao động của con người tác động vào nhằm biến đổi nó theo mục đích của mình. Đối tượng lao động gồm hai loại: Loại thứ nhất có sẵn trong tự nhiên (ví dụ: khoáng sản, đất, đá, thủy sản…), liên quan đến các ngành công nghiệp khai thác; Loại thứ hai đã qua chế biến – có sự tác động của lao động trước đó (ví dụ: thép, phôi, sợi dệt, bông…), là đối tượng lao động của các ngành công nghiệp chế biến.
– Tư liệu lao động: Được hiểu là một vật hay các vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động, nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người. Trong sản xuất, có hai loại tư liệu lao động cụ thể đó là: bộ phận trực tiếp tác động vào đối tượng lao động theo mục đích của con người, tức là công cụ lao động; bộ phận gián tiếp cho quá trình sản xuất. Trong tư liệu lao động, công cụ lao động giữ vai trò quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp sản xuất trong tiếng Anh là: Manufacturing enterprises.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất:
Đặc điểm chung về hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất bao gồm:
– Quyết định sản xuất của doanh nghiệp dựa trên những vấn đề chính cụ thể như việc đưa ra các câu hỏi sau đây: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Làm thế nào để tối ưu hóa việc sử dụng và khai thác các nguồn lực cần thiết để làm ra sản phẩm?
– Quy trình sản xuất được hiểu là một chuỗi các công việc được thực hiện theo thứ tự để tạo ra sản phẩm trên cơ sở kết hợp: nguyên vật liệu; nhân công; máy móc thiết bị; năng lượng và các yếu tố khác.
– Chi phí sản xuất chính là các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, bao gồm: chi phí nguyên vật liệu; chi phí nhân công; chi phí khấu hao máy móc nhà xưởng; chi phí năng lượng; chi phí điều hành và phục vụ sản xuất.
– Chi phí sản xuất gồm: chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp (nếu phân theo quan hệ sản phẩm); chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung (nếu phân theo các khoản mục).
– Giá thành sản phẩm là toàn bộ chi phí sản xuất tạo ra lượng sản phẩm hoàn thành (thành phẩm) trong một khoảng thời gian nhất định.
Từ những đặc điểm được nêu trên của doanh nghiệp sản xuất, đòi hỏi đặt ra yêu cầu đối với một phần mềm kế toán cho doanh nghiệp sản xuất cụ thể như sau:
– Về nghiệp vụ của doanh nghiệp sản xuất:
+ Đối với việc quản lý quy trình sản xuất:
Yêu cầu sản xuất: Có thể nhập mới hoặc tạo tự động từ Đơn hàng bán hoặc từ kế hoạch sản xuất.
Lệnh sản xuất: Có thể nhập mới hoặc tạo tự động từ Yêu cầu sản xuất.
Xuất nguyên liệu ra sản xuất.
Nhập kho thành phẩm, bán thành phẩm.
Nhập phế liệu thu hồi.
Tính giá thành.
+ Quản lý chi phí sản xuất và tính giá thành:
Quản lý chi phí:Phân tích chi phí theo phân loại: Định phí, biến phí; Chi phí trực tiếp, gián tiếp, Chi phí NVL, Nhân công, nhà xưởng, thiết bị; Phân tích chi phí theo đối tượng tính giá thành: Nhóm sản phẩm, sản phẩm, bán thành phẩm; Công trình, dự án, hợp đồng
Tính giá thành: Tập hợp chi phí và tính giá thành theo đối tượng tính giá thành người dùng tự định nghĩa (Lệnh sản xuất, thành phẩm, bán thành phẩm, công đoạn, công trình, hạng mục, …); Tiêu thức phân bổ chi phí chung linh hoạt, do người dùng tự định nghĩa: Theo chi phí NVL, định mức giờ công, hệ số cố định; Phân tích cơ cấu giá thành; Phân tích biến động giá thành qua các kỳ; So sánh giá thành thực tế và giá thành định mức
– Các yêu cầu khác:
+ Giao diện đơn giản, dễ sử dụng.
+ Chi phí hợp lý.
+ Cập nhật và kiểm soát liên tục thông tin chính xác…
3. Cách thức để doanh nghiệp sản xuất hoạt động hiệu quả:
Cách để doanh nghiệp sản xuất hoạt động hiệu quả:
– Năng suất: Cân bằng hiệu quả với năng suất chuyển thành lợi nhuận. Năng suất thấp cũng sẽ có nghĩa là chi phí cao hơn, do lãng phí nhân lực và chi phí hoạt động. Hiểu và cân bằng tỷ lệ lý tưởng giữa chi phí lao động, chi phí chung, vật liệu và nhu cầu là rất quan trọng đối với bất kỳ nhà sản xuất nào. Đây có lẽ chính là điểm thể hiện rõ ràng nhất đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất.
– Kiểm soát chất lượng: Nếu sản phẩm không được sản xuất với chất lượng phù hợp, một công ty có thể không tồn tại. Trải nghiệm của khách hàng phải tích cực trên tất cả các sản phẩm có thương hiệu. Ví dụ, Galaxy Note của Samsung có thể là một thảm họa đối với Samsung khi pin của hãng nổi tiếng bốc cháy, khiến các hãng hàng không cấm sản phẩm được sử dụng trên máy bay.
– Thiết kế tốt: Các chủ thể là những nhà sản xuất phải đảm bảo sản phẩm của họ được thiết kế tốt, để sản phẩm của họ có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Khi được thiết kế với chất lượng và sự đổi mới, một sản phẩm nổi bật giữa đám đông. Chính sự thay đổi trong ngành công nghiệp, thiết kế chất lượng cao và đổi mới đã đưa Apple trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
– Hiệu quả chi phí: Từ phân bổ lao động đến hỗ trợ robot thông qua chất lượng vật liệu và giá cả trên mỗi đơn vị, có nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả chi phí trong sản xuất. Nếu không có hiệu quả về chi phí, một sản phẩm được sản xuất cũng sẽ thất bại và gây nguy hiểm cho lợi nhuận của toàn bộ công ty.
4. Quy trình sản xuất và quy trình quản lý doanh nghiệp sản xuất:
Ta hiểu về quy trình sản xuất như sau:
Quy trình sản xuất được hiểu là một quá trình để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh có thể sử dụng được trên thị trường. Trong đó các doanh nghiệp sản xuất đóng vai trò hoàn thiện các sản phẩm này để cung cấp cho người tiêu dùng.
Có 2 loại quy trình sản xuất thông dụng hiện nay đó là:
– Sản xuất tập trung vào sản phẩm: chỉ tốt khi sản xuất hàng hóa có số lượng ít và đã được chuẩn hóa
– Sản xuất tập trung vào quy trình: sản xuất nhiều loại hàng hóa có số lượng vừa và nhỏ.
Với mỗi loại hàng hóa khác nhau đều có quy trình sản xuất khác nhau. Các quy trình sản xuất này phụ thuộc chủ yếu vào từng loại mặt hàng với chi phí nguyên vật liệu, nhân công hoàn toàn riêng biệt.
Quy trình quản lý doanh nghiệp sản xuất:
Hoạt động quản lý trong doanh nghiệp sản xuất (Quản lý quy trình sản xuất) có sự tham gia của tất cả các bộ phận tại nhà máy (ban giám đốc nhà máy và các phòng ban, bộ phận trực thuộc), với các công việc tuần tự cụ thể sau:
– Bộ phận sản xuất kế thừa kế hoạch sản xuất từ bộ phận kinh doanh và xây dựng các kế hoạch sản xuất chi tiết theo các công đoạn sản xuất.
– Doanh nghiệp sản xuất sẽ dựa trên kế hoạch sản xuất, tồn kho nguyên liệu khả dụng sẽ tiến hành dự trù nguyên liệu phục vụ sản xuất.
– Bộ phận sản xuất sẽ kiểm tra và theo dõi thời gian dừng máy để dự trù vật tư sửa chữa, bảo dưỡng.
– Lập các đề nghị mua vật tư, đề nghị xuất/lĩnh vật tư chuyển bộ phận kỹ thuật kiểm tra và gửi về phòng mua hàng.
– Dựa trên kế hoạch và nguồn lực phù hợp tiến hành lập các “lệnh sản xuất” chuyển tới các phân xưởng, công đoạn sản xuất trong nhà máy để tiến hành quá trình sản xuất.
– Theo dõi tiến độ, thống kê sản xuất chi tiết theo các kế hoạch sản xuất.
– Phối kết hợp, kiểm tra đánh giá chất lượng thành phẩm hoàn thành.
Doanh nghiệp sản xuất là những doanh nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cung cấp hàng hóa trên thị trường tiêu dùng. Đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân.