Doanh nghiệp phá sản vì không xuất được hàng
‘Từ chủ một doanh nghiệp may xuất khẩu ăn nên làm ra, cậu tôi phải tuyên bố phá sản khi thị trường châu Âu ở bờ vực suy thoái’.
Trong báo cáo mới công bố hôm 15/9, Ngân hàng Thế giới ước tính GDP toàn cầu năm tới chỉ tăng 0,5%. Nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Trên lý thuyết, theo quan điểm của tổ chức này, đây là suy thoái toàn cầu. Trong khi đó, cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương đang ngày càng đẩy thế giới đến gần bờ vực suy thoái hơn. Một số nhà kinh tế lo ngại rằng, việc các ngân hàng trung ương vội vàng tăng lãi suất, nhiều quốc gia thắt chặt tín dụng cùng lúc có thể bóp nghẹt tăng trưởng toàn cầu.
Trực tiếp trải nghiệm tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, độc giả Trương Quang Nhật chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Năm 2005, tôi vào Sài Gòn. Khi đó, cậu của tôi là chủ một doanh nghiệp may chuyên xuất khẩu sang Châu Âu, tự tin nói rằng ‘chỉ vài bữa nữa là mua ôtô’ (lúc đó mua được ôtô là ghê lắm chứ không đơn giản như bây giờ). Thế rồi, đột nhiên vài năm sau, công ty cậu phá sản, vì quá phụ thuộc vào thị trường phương Tây – nơi dần bước vào suy thoái kinh tế thế giới. Bên mua chấp nhận mất cọc chứ không nhận hàng, nhiều container đã chuẩn bị xuất đi phải xổ ra bán tống bán tháo.
Sau 15 năm, không ngờ bây giờ mọi việc lại đang diễn ra một cách rất tương tự, khi Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu. Nói đi cũng phải nói lại, do các nước bạn có thu nhập bình quân cao, bán cho họ, chúng ta sẽ thu được nhiều tiền hơn bán trong nước. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, dân số Việt Nam cũng xấp xỉ 100 triệu người, nên doanh nghiệp nào phục vụ được cho số người Việt này chắc cũng đủ tồn tại qua cơn đại nạn kinh tế”.
Đồng cảm với câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu lao đao vì thị trường phương Tây khó khăn, bạn đọc Ricky Mai chia sẻ: “Nhà máy của công ty tôi sản xuất và xuất khẩu nội thất gỗ, đến nay cũng đã đóng cửa gần hai tháng rồi. Dự kiến, nhà máy sẽ còn đóng cửa tới hết tháng 10 vì không có đơn hàng từ nước ngoài để sản xuất. Nợ ngân hàng cuối tháng chín là tới hạn phải trả, trong khi chúng tôi có bất kỳ gói giải cứu nào hết. Khả năng phá sản của công ty vì thế là rất lớn, đồng thời kéo theo một chuỗi hệ lụy như nợ xấu ngân hàng tăng cao, không thanh toán được cho các nhà cung cấp khác…”.
“Nhìn ngay trước mắt, các công ty ngành gỗ, ngành may xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và các nước châu Âu đang chết từ từ. Từ tháng bảy đến giờ, nhiều doanh nghiệp phải không tăng ca, nghỉ thứ bảy, nghỉ phép năm 2022, nghỉ mượn phép năm 2023, tuần làm bốn ngày, tổng lương công nhân giảm 60% khiến người lao động bỏ về quê. Đến khi có việc lại, doanh nghiệp cũng không chắc tuyển nổi công nhân”, độc giả Son Tran Thach nói thêm.
>> Doanh nghiệp tôi bốn tháng loay hoay tìm đường sống
Nhìn rộng ra bài toán logistic khi bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu tới gần, bạn đọc Songbien nêu quan điểm: “Cứ nhìn các công ty thiếu (ít) đơn hàng xuất khẩu, công nhân không còn tăng ca, có nhiều nơi ‘bữa làm bữa nghỉ’ để giữ chân người lao động… là đủ biết nền kinh tế thế giới cũng đang khó khăn ở mức nào? Trong thời gian dịch và hậu đại dịch, rất nhiều công ty đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng cao khiến không sản xuất được. Giờ cộng thêm suy thoái đầu ra sản phẩm, sức tiêu thụ quá chậm, tương lai nhiều doanh nghiệp Việt sẽ còn bị đóng cửa khi nợ ngân hàng đáo hạn.
Việt Nam trước giờ chỉ lợi thế nhân công rẻ, lực lượng lao động dồi dào, nên những mặt hàng mang tính thủ công như dệt may, giày da mới cạnh tranh được. Đây sẽ là một bài toán đặt ra cho những người làm kinh tế trong nước”.
Ngày càng nhiều cơ sở cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang lớn dần, và Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực do quá phụ thuộc vào thị trường phương Tây:
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.