Doanh nghiệp ở Thanh Hóa cần tuyển 50.000 lao động, ưu tiên người từ vùng dịch về
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam ở Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa có việc làm ổn định giữa mùa dịch COVID-19. Hiện nay doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng lao động – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo Sở Lao động – thương binh và xã hội Thanh Hóa, tỉnh này có trên 330.000 lao động đi làm ăn xa, làm nghề tự do, làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da…
Số lao động tập trung tại TP Hà Nội khoảng 77.500 người, TP.HCM 43.000 người, Bình Dương 48.000 người, Bắc Ninh 25.000 người, Đồng Nai 12.500 người… Dự kiến, một phần số lao động này về quê sẽ ngày càng tăng, dẫn đến dư thừa lao động ở nơi nguồn cung lao động lớn.
Để giải quyết lao động từ vùng có dịch COVID-19 trở về (gọi tắt là vùng dịch), Sở Lao động – thương binh và xã hội phối hợp với các địa phương đã và đang khảo sát, phân loại người lao động có nhu cầu việc làm, học nghề, vay vốn tự tạo việc làm.
Đến ngày 11-10, tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là gần 27.000 lao động. Trong đó chủ yếu là nhu cầu việc làm như: may mặc, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn, xây dựng, nhôm kính, điện dân dụng…
Công nhân Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hồng Đức, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa sản xuất hàng hóa an toàn giữa mùa dịch COVID-19 – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Thời gian qua, Thanh Hóa đã hỗ trợ, tạo việc làm cho hơn 19.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở thành phố, thị xã, cụm công nghiệp cấp huyện, chủ yếu là nghề may mặc, giày da với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Thanh Hóa là khoảng 50.000 lao động, chủ yếu tập trung vào sản xuất giày da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn, làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu công nghiệp Lễ Môn, cụm công nghiệp ở các huyện.
Công ty cổ phần khoáng sản Đại Dương ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Sáng 11-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đầu Thanh Tùng – phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – cho biết hiện nay các ngành chức năng của tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người lao động ở vùng dịch yên tâm ở lại, tiếp tục làm việc tại nơi sản xuất cũ trong tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và khi doanh nghiệp ở các thành phố lớn trở lại hoạt động.
Ngành lao động – thương binh và xã hội cùng các địa phương tuyên truyền đến người lao động trở về từ vùng dịch ổn định cuộc sống, tiếp cận với thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp, với phương châm “ly nông bất ly hương”.
“UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm. Tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ưu tiên người lao động trở về từ vùng dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách – xã hội để tự tạo việc làm.
Trường hợp các địa phương không còn nguồn vốn cho vay, Ngân hàng Chính sách – xã hội tỉnh bổ sung nguồn vốn từ nguồn ủy thác của UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc từ nguồn huy động khác để đảm bảo cho người lao động trở về từ vùng dịch được vay vốn theo quy định” – ông Đầu Thanh Tùng cho biết thêm.