Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước những khó khăn, thách thức

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.061 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là xây dựng cơ bản, giao thông, thủy lợi, sản xuất, chế biến nông lâm sản, khoáng sản.

Chế biến gỗ đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vì Bắc Kạn có vùng nguyên liệu lớn

Chế biến gỗ đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vì Bắc Kạn có vùng nguyên liệu lớn.

Xét theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ thì quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; khoảng 60% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản.

Trong các năm 2020 – 2021, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và hoạt động xuất, nhập khẩu; một số sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được do các đại lý và nhà phân phối tạm dừng hoạt động, nhiều nhà hàng, quán ăn, khu du lịch đóng cửa… Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Thông tin tư vấn pháp lý; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chi nhánh tổ chức tín dụng áp dụng quy trình, thủ tục đơn giản trong công tác tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật…

Lĩnh vực sản xuất vật liệu tại cũng được nhiều DN quan tâm đầu tư

Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Anh Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ: Đối với doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay cơ bản là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp, tài sản trong mỗi doanh nghiệp như nhà đất, phương tiện, máy móc thiết bị còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân thiếu chính là thiếu nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp phát triển chậm, doanh thu thấp, dẫn đến lợi nhuận đạt thấp, năng lực yếu nên yếu tố cạnh tranh bị hạn chế. Theo luật thì năng lực của một doanh nghiệp là yếu tố cần thiết để cạnh tranh gồm năng lực tài chính, năng lực nguồn nhân lực, năng lực về kinh nghiệm, quy mô công trình đã thực hiện. Để hội tụ đủ những điều này, doanh nghiệp cần có công việc ổn định hằng năm, nhưng doanh nghiệp nhỏ khó có thể thắng thầu trong đấu thầu đối với mảng thi công công trình giao thông và xây dựng dân dụng. Đối với việc chỉ thầu thì doanh nghiệp nhỏ rất cần thông tin, nhiều doanh nghiệp khi nắm bắt được thông thì không có đủ thời gian để chuẩn bị các thủ tục cần thiết.

Các cơ sở, HTX, doanh nghiệp nhỏ lựa chọn chế biến nông sản

Các cơ sở, HTX, doanh nghiệp nhỏ lựa chọn chế biến nông sản 

Anh Lê Thanh Hải- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: DNNVV là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp này đã tận dụng và khai thác tốt nguồn lực tại chỗ, sử dụng lực lượng sản xuất lao động phi nông nghiệp. Ngoài ra, DNNVV còn sử dụng nguồn tài chính của dân cư trong vùng, nguồn nguyên liệu trong vùng để sản xuất, kinh doanh… Đây chính là đòn bẩy trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ tạo việc làm cho người dân từ khâu tạo vùng nguyên liệu, tham gia chuỗi sản xuất chế biến. Từ những sản phẩm chế biến ra, một chuỗi các cửa hàng, đơn vị vận chuyển có việc làm ổn định, mang lại nguồn thu nhập theo chuỗi sản xuất và bao tiêu.

Hạn chế của DNNVV là tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản yếu nên khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, khu vực doanh nghiệp này càng gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, tập trung vào một số lĩnh vực như: Xây dựng, chế biến, vận tải. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, những doanh nghiệp này đứng trước những thách thức không nhỏ như: Sản xuất chế biến thành hàng hóa nhưng không thể đưa ra thị trường, sức mua giảm, vận tải dừng giãn dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ, cùng với đó là đọng vốn dẫn đến việc thanh khoản với ngân hàng gặp khó và không có khả năng trả nợ đúng hạn, dẫn đến nguy cơ xếp loại nợ xấu, nợ quá hạn, khó vay vốn những lần tiếp theo.

Do vậy, để duy trì và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh. Đối với các thủ tục đầu tư cần tiếp tục được rút gọn về thủ tục, thời gian, hướng dẫn cụ thể, xác định việc thực hiện các thủ tục được hoàn tất trong thời gian nhất định, áp dụng công nghệ để trao đổi giải quyết từ xa, nếu chậm thủ tục đầu tư thì đây là nút thắt khó gỡ cho chuỗi những công việc tiếp theo trong đầu tư. Ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, các biện pháp hỗ trợ thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp cũng rất cần thiết để giúp DNNVV vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ổn định…/.

Trần Tuyến