Doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa sẽ tốn các khoản chi phí nào? Có thể cổ phần hóa doanh nghiệp theo các hình thức nào?


Doanh nghiệp nhà nước nếu muốn cổ phần hóa doanh nghiệp thì có thể thực hiện theo các hình thức nào? Khi tiến hành cổ phần hóa thì doanh nghiệp sẽ tốn những khoản chi phí nào? Những đối tượng nào có thể mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa? Câu hỏi của chị Phúc từ TP.HCM

Doanh nghiệp nhà nước có thể tiến hành cổ phần hóa theo các hình thức nào?

Căn cứ Điều 5 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp nhà nước có thể tiến hành cổ phần hóa theo các hình thức như:

(1) Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

(2) Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

(3) Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa sẽ tốn các khoản chi phí nào?

Căn cứ Điều 8 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy đinh về chi phí thực hiện cổ phần hóa như sau:

Chi phí thực hiện cổ phần hóa

1. Chi phí cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Các khoản chi phí cổ phần hóa phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Chi phí cổ phần hóa bao gồm:

a) Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp:

– Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp;

– Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản;

– Chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ;

– Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa;

– Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về doanh nghiệp;

– Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần;

– Chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần;

– Chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu.

b) Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa (tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định. Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.

c) Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc:

– Mức thù lao hàng tháng cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tối đa không quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ.

– Thời gian thanh toán thù lao cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc theo thực tế nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.

d) Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa sẽ tốn các khoản chi phí như sau:

+ Chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp;

+ Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa;

+ Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc;

+ Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa sẽ tốn các khoản chi phí nào?

Doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa sẽ tốn các khoản chi phí nào? (Hình từ Internet)

Những đối tượng nào có thể mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa?

Căn cứ Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) quy định về đối tượng có thể mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa như sau:

Đối tượng và điều kiện mua cổ phần

1. Nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa với số lượng không hạn chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.

Nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá mua cổ phần, phần vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Nhà đầu tư chiến lược:

a) Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có đủ các điều kiện sau:

– Có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;

– Có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 02 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế;

– Có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa về những nội dung sau:

+ Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Đối với các doanh nghiệp đã nằm trong danh sách doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thời gian nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa.

+ Không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

+ Phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong việc chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

+ Các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường xác định theo thiệt hại thực tế và quyền định đoạt của Nhà nước đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược mua khi vi phạm các cam kết đã ký.

Từ quy định trên thì những đối tương có thể mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược.