Doanh nghiệp nhà nước là gì? Khái niệm, đặc điểm, phân loại?

Khái niệm doanh nghiệp nhà nước là gì? Đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước? Phân loại doanh nghiệp nhà nước?

Nói đến Doanh nghiệp Nhà nước thì có thể hiểu ngày rằng đây là loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước theo như quy định của pháp luật hiện hành. Trong thời buổi kinh tế đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở nước ta nên sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân, có phần vốn góp do các cá nhan đông ý góp vốn vào công ty. Doanh nghiệp Nhà nước thường là các ngành kinh doanh chủ chốt của đất nước như: dầu khí, viễn thông, điện lực, xăng dầu, hàng không,…. Vậy, pháp luật doanh nghiệp hiện hành đã có quy định về khái niệm doanh nghiệp nhà nước là gì? Đặc điểm và phân loại doanh nghiệp nhà nước có nội dung ra sao?

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

Cơ sở pháp lý:

– Luật Doanh nghiệp năm 2020

1. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước là gì?

Ngoài Việt nam thì trên thế giới cũng có rất nhiều quốc gia quy định về loại hình Doanh nghiệp nhà nước, chính vì vậy mà quy định về khái niệm của doanh nghiệp nhà nước cũng được mỗi quốc gia hiểu theo cách khác nhau. Trong đó, phải kể đến đầu tiên là việc định nghĩa doanh nghiệp nhà nước của Liên hợp quốc định nghĩa là: “xí nghiệp quốc doanh là những xí nghiệp do nhà nước nắm toàn bộ hoặc một phần sở hữu và nhà nước kiểm soát tới một mức độ nhất định quả trình ra quyết định của xí nghiệp’’. Từ định nghĩa này có thể thấy rằng việc Liên hợp quốc rất chú trọng đến vấn đề sở hữu và quyền kiểm soát của nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước.

Song song với đó thì theo như quy định của Ngân hàng thế giới về định nghĩa của Doanh nghiệp Nhà nước lại cho rằng: “Doanh nghiệp nhà nước là các thực thể kinh tế thuộc sở hữu hay thuộc quyền kiểm soát của chinh phủ mà phần lớn thu nhập của họ được tạo ra thông qua việc bán các hàng hoá và dịch vụ”. Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới, định nghĩa về doanh nghiệp nhà nước được hiểu theo cách đơn giản nhất là việc các đơn vị thực hiện các hoạt động kinh doanh, không bao gồm các đơn vị, các ngành thuộc sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh …

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp nhà nước của New Zealand năm 1986, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều là công ty TNHH mà nhà nước là chủ sở hữu duy nhất và hai bộ trưởng thay mặt nhà nước thực hiện quyền sở hữu này.

Như vậy, mặc dù các quốc gia trên thế giới đều đưa ra các quy định về định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước của mình là khác nhau  nhưng các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới đều thống nhất và đi đến một quyết định chung về việc định nghĩa nội dung của Doanh nghiệp nhà nước là: Doanh nghiệp nhà nước là những cơ sở sản xuất kinh doanh do nhà nước sở hữu toàn bộ hay phần lớn vốn trong doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này thuộc quyền sở hữu của nhà nước hay chủ yếu thuộc quyền sở hữu của nhà nước, do đó chính phủ có thể gây ảnh hưởng có tính chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp đối với doanh nghiệp.

Dựa trên các cách quy định và định nghĩa về doanh nghiệp Nhà nước nêu trên thì ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước một bộ phận của kinh tế nhà nước và luôn được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, quan niệm về doanh nghiệp nhà nước trong các văn bản pháp luật ở nước ta có sự thay đổi theo thời gian. Theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”.

Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối được tổ chức dưới hình thức công ti Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp một chủ trong trường hợp nhà nước  sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (tức sở hữu 100%). Doanh nghiệp nhà nước nhiều chủ sở hữu  trong trường hợp có cổ phần, vốn góp chi phối có tỉ lệ trên 50% và dưới 100%.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước:

– Chủ đầu tư: là Nhà nước hoặc Nhà nước cùng với các  tổ chức, cá nhân khác. Với tư cách là chủ đầu tư duy nhất vào doanh nghiệp, nhà nước có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến sự tồn tại và hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Nhà nước có quyền quyết định về hình thành, tổ chức lại và định đoạt; quyết định mục tiêu, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính; quyết định mô hình tổ chức quản lý, quyết định giải thể; kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp…..

– Sở hữu vốn: Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (100%) hoặc sở hữu phần vốn góp chi phối (trên 50% nhưng dưới 100% vốn điều lệ).

– Hình thức tồn tại: doanh nghiệp nhà nước có nhiều hình thức tồn tại. Nếu doanh nghiệp nhà nước  do nhà nước  sở hữu 100% vốn điều lệ thì có các loại hình doanh nghiệp như: công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước. Nếu doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì có thể tồn tại dưới các loại hình doanh nghiệp sau: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn

­- Trách nhiệm tài sản: doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

– Tư cách pháp lý: doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân.

– Luật áp dụng:  các công ty nhà nước đã thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp. Các loại doanh nghiệp nhà nước khác tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

3. Phân loại doanh nghiệp nhà nước:

– Dựa vào hình thức tổ chức doanh nghiệp nhà nước có năm loại, gồm:

Thứ nhất, công ty nhà nước: là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ thành lập, tổ chức quản lý và tồn tại dưới hình thức công ty Nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.

Thứ hai,  công ty cổ phần nhà nước: là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước  hoặc tổ chức được nhà nước ủy quyền góp vốn. Tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005.

Thứ ba, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ. Tổ chức quản lí và đăng ký theo Luật doanh nghiệp năm 2005.

Thứ tư, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có từ hai thành viên trở lên: là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó có tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước, thành viên được ủy quyền góp vốn. Được tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Thứ năm, doanh nghiệp cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước: là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ. Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp.

– Dựa theo nguồn vốn: có hai loại

Thứ nhất, Doanh nghiệp nhà nước do nhà nước sở hữu 100% vốn, gồm: công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên.

Thứ hai, Doanh nghiệp do nhà nước có cổ, vốn góp chi phối, gồm: công ty cổ phần nhà nước  mà nhà nước chiếm trên 50% cổ phiếu, công ty trách nhiệm hữu hạn mà nhà nước chiếm trên 50% vốn góp.

– Dựa theo mô hình tổ chức quản lý: có hai loại

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước có hội đồng quản trị: hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước, chịu trách nhiệm trước nhà nước.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước không có hội đồng quản trị: giám đốc doanh nghiệp được nhà nước bổ nhiệm hoặc thuê để điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

4. Tư vấn trường hợp cụ thể về doanh nghiệp nhà nước:

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào Luật sư Dương Gia. Tôi có 1 câu hỏi như sau: Công ty tôi là công ty TNHH một thành viên có 100% vốn của công ty mẹ. Công ty mẹ có 51% vốn của tổng công ty, 49% vốn cổ phần. Tổng công ty có 87% vốn nhà nước, 13% vốn cổ phần. Vậy công ty tôi có là công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu hay không ? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn là công ty TNHH một thành viên có 100% vốn của công ty mẹ. Công ty mẹ có 51% vốn của tổng công ty và 49% vốn cổ phẩn. Trong đó tổng công ty có 87 % vốn Nhà nước và 13 % vốn cổ phần.

Theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”.

Như vậy, theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này. Đây là một quy định khác so với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 trước đây. Tại khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:

“Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”

Với quy định này trước đây, Nhà nước phải nắm giữ 100% vốn điều lệ của một doanh nghiệp thì sẽ được coi là một doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Nhà nước chỉ cần nắm giữ 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp thì đó mới được coi là doanh nghiệp Nhà nước.

Với trường hợp của công ty bạn, do tổng công ty đã có 87% vốn Nhà nước và 13% vốn cổ phần, đã đáp ứng được điều kiện tại khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Vì vậy, tổng công ty bạn được xác định là doanh nghiệp Nhà nước. Tiếp đó, công ty mẹ có có 51% vốn của tổng công ty và 49% vốn cổ phẩn, do tổng công ty theo như quy định của pháp luật hiện hành là doanh nghiệp Nhà nước, vì vậy công ty mẹ cũng được xác định là doanh nghiệp Nhà nước. Và dẫn đến, công ty TNHH một thành viên có 100% vốn công ty mẹ là doanh nghiệp Nhà nước, vì vậy công ty này được xác định là doanh nghiệp Nhà nước.