Doanh nghiệp lữ hành: Khó chồng thêm khó

Ngay từ đầu năm 2020, ngành du lịch Việt nói chung và các DN lữ hành nói riêng đã phải chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát. Khi cơ bản khống chế được dịch vào cuối tháng 4/2020, nhiều chương trình kích cầu du lịch đã mang lại nhiều cơ hội cho DN lữ hành có thể hồi phục và phát triển. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lại mới đây tại một số địa phương lại một lần nữa giáng đòn mạnh vào ngành du lịch và các DN lữ hành.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8/2020 đạt 16,3 nghìn lượt, tăng 16,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 3.774.700 lượt, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tháng 8/2020 đạt 974 tỷ đồng, giảm 61,8% so với tháng trước và giảm 74,4% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính của sự sa sút này là do dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại làm cho nhiều khách du lịch hủy tour, nhiều sự kiện lễ hội, văn hóa, du lịch bị hủy, một số địa điểm du lịch phải đóng cửa trở lại.

Thực tế này khiến doanh thu của doanh nghiệp lữ hành giảm mạnh so với cùng kỳ. Đại diện Công ty du lịch An Thái cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khách hàng đã đồng loạt hủy tour đến nhiều điểm du lịch khác như Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Quảng Ninh… Điều này thực sự làm khó các doanh nghiệp bởi hầu hết các dịch vụ đều đã thanh toán hoặc đặt cọc từ 30 – 80% chi phí cho đối tác.

Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Sở sẽ có sự điều chỉnh kế hoạch kích cầu du lịch cho phù hợp với tình hình mới. Ngay trong dịp Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội cũng gấp rút yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố cần thực hiện đúng quy định đã ban hành để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn ra. Đối với các khu, điểm tham quan du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành để điều phối các đoàn khách tham quan, tránh tập trung đông người tại cùng một thời điểm.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã có văn bản gửi Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố vận động doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, điểm đến… có chính sách hoàn tiền đặt cọc giúp các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội, qua đó hoàn tiền cho khách hủy tour do dịch Covid-19. Sở cũng đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để kích cầu du lịch, tham mưu tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tăng cường tuyên truyền quảng bá kết nối phát triển du lịch tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19. 

Trước những khó khăn chung đó, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ ngành du lịch, như cho phép gia hạn thời gian nộp thuế, hoặc miễn thuế đối với một số dịch vụ; hỗ trợ giảm giá điện, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch; thực hiện giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay với các chuyến bay nội địa; giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành đang phải chịu nhiều sức ép bởi thị trường du lịch dự báo thời gian tới vẫn còn ảm đạm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020 khiến lượng khách đặt tour giảm mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó hiện nay rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước  tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành duy trì được hoạt động và chờ cơ hội tái khởi động  kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.