Doanh nghiệp lo mất đơn hàng, thu hẹp quy mô
Phát sinh hàng trăm tỉ mỗi tháng
Thông tin trên được ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty Jabil Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM) cho biết tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP diễn ra hôm qua (20.8). Jabil VN là DN của Mỹ, chuyên lĩnh vực công nghiệp điện tử, hiện nhà máy đặt tại khu công nghệ cao với 8.600 lao động, kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD mỗi năm.
Hơn 1 tháng qua, công ty tổ chức sản xuất theo phương án “2 địa điểm – 1 cung đường” đạt 30% công suất với 2.500 lao động. Chi phí cho việc tổ chức phương án này từ thuê khách sạn, đưa đón, ăn ở… trung bình mỗi ngày hết 4 tỉ đồng, 1 tháng công ty đã phát sinh chi phí 120 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Bình, vấn đề không phải là phát sinh chi phí, mà nguy cơ bị mất khách hàng quá lớn.
“Trong 1 tháng qua, từ khi chuyển đổi phương án sản xuất và giảm công suất đến 70%, không thể giao hàng đúng tiến độ nên rất nhiều đơn hàng của công ty bị đối tác hủy, chuyển sang các nhà máy ở Trung Quốc , Mexico, Ấn Độ… Số đơn hàng bị mất có giá trị khoảng 200 triệu USD. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sẽ dẫn đến rủi ro là công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động tại VN”, ông Bình thông tin.
Tương tự, đại diện Intel Việt Nam, DN đóng góp 30% giá trị xuất khẩu cho TP.HCM và 64% kim ngạch xuất khẩu tại Khu công nghệ cao TP.HCM, cũng cho hay chỉ trong 1 tháng, từ ngày 15.7 – 15.8, chi phí phát sinh của công ty để triển khai sản xuất theo mô hình “2 địa điểm – 1 cung đường” cho 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp, các nhà thầu… lên đến 140 tỉ đồng.
Dự báo tình hình này nếu tiếp tục kéo dài đến 15.9, con số phát sinh chi phí không chỉ gấp đôi mà còn hơn nữa.
“Sau ngày 15.9, TP.HCM sẽ dừng giãn cách thì tình hình sản xuất kinh doanh của DN đến lúc đó đã bị ảnh hưởng quá lớn. VN đã rất thành công trong 30 năm thu hút vốn FDI và có những thành tựu quan trọng, nhưng mùa dịch này khiến lãnh đạo Intel lo lắng lớn khi dòng vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu TP cứ kéo dài thời gian giãn cách”, đại diện Intel VN chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty Datalogic VN, cho biết doanh nghiệp có 831 nhân viên, nhưng đến ngày 20.8 chỉ có 502 người đang làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “2 địa điểm – 1 cung đường”, lao động trực tiếp còn 440 người. Doanh số công ty đã sụt giảm 7,5 triệu USD, từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống 11 triệu USD trong tháng 7.
Ông nói: “Số lượng nhân lực lao động của DN nay giảm còn 70% và doanh số giảm 60% so với trước. Đây là sự sụt giảm không theo nguyên tắc sản xuất vì những lao động bị thiếu là công nhân có tay nghề cao, dây chuyền sản xuất không thể dễ dàng đưa người khác vào trong thời gian ngắn. Do người có kinh nghiệm thường là người có gia đình và họ không thể rời bỏ cha mẹ già, con nhỏ để vào nhà máy làm việc theo mô hình “3T”. Đây là giải pháp tốt, nhưng ảnh hưởng lớn đến người lao động . Nếu người lao động không tham gia “3 tại chỗ” sẽ nghỉ không lương, nếu quá 14 ngày, theo luật công ty không thể đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Việc thực hiện lâu dài “3T” gây khó khăn cho người lao động và họ có thể về quê, nếu lực lượng này về quê, khi hoạt động lại, DN rất khó tìm được lao động có tay nghề…”.
Kiến nghị hộ chiếu vắc xin cho người lao động
Đại diện Công ty Jabil VN kiến nghị có chính sách về vắc xin linh hoạt hơn. Chẳng hạn, có cơ chế cho DN trả tiền hay tiếp nhận vắc xin hỗ trợ từ công ty mẹ để tiêm cho công nhân sớm nhất có thể. TP nên xem xét hộ chiếu vắc xin cho người lao động để mức độ rủi ro lây nhiễm thấp hơn. Công ty đã có 200 lao động đã tiêm 2 mũi vẫn đi làm bằng mô hình “2 địa điểm – 1 cung đường” là chưa thỏa đáng.
Chủ trương TP là tiêm vắc xin cho 85% người lao động tại các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Các đề xuất của các DN nếu vượt quá thẩm quyền của TP, TP.HCM sẽ tổng hợp đề xuất gửi đến Thủ tướng. TP cam kết đeo bám những vấn đề đã đề xuất để tháo gỡ cho các DN trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thành Phong
Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị hạn chế tối đa các thủ tục với sản phẩm phục vụ phòng chống dịch. Cụ thể, nhằm tăng an toàn cho người lao động, Jabil VN đã nhập khẩu 500.000 khẩu trang để phát cho nhân viên, nhưng hơn cả tháng vẫn chưa nhận được do qua quá nhiều cửa kiểm tra khác nhau. Hay thay đổi phương án sản xuất, công ty phải trình lên ban quản lý khu công nghệ cao, HCDC, công an, sở y tế… mất 2 – 3 tuần.
Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài duy nhất tham dự hội nghị là Tập đoàn Aeon VN cũng lo ngại về vấn nạn thiếu nhân lực do người lao động sống trong vùng cách ly, bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 . Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon VN, kiến nghị TP tiếp tục hỗ trợ ưu tiên phân bổ và tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động đang làm việc tại các hệ thống bán lẻ phân phối hàng hóa thiết yếu và giảm giá dịch vụ xét nghiệm cho nhân viên, nhằm giảm áp lực chi phí cho DN.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Amcham VN, kêu gọi Chính phủ tập trung phân phối vắc xin đến các tâm điểm bùng phát dịch hiện nay như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận – các địa điểm có nhiều hoạt động sản xuất hàng hóa giá trị cao của VN.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, tham dự trong vai trò Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ: “Các mô hình chỉ thích ứng đối với một bộ phận DN có quy mô lao động vừa phải, nên DN nào vừa sản xuất vừa bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ sản xuất cũng như các hợp đồng đã ký kết, TP hoàn toàn ủng hộ”. Ông Phong cũng khuyến khích các hiệp hội DN nước ngoài đề xuất thêm mô hình tổ chức sản xuất an toàn , đảm bảo các quy định về chống dịch, tiếp tục đồng hành cùng lãnh đạo TP trong phòng chống dịch.