Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Cải thiện về số lượng và chất lượng – Bộ KH&CN

Thời gian vừa qua đã có nhiều chính sách và nội dung hỗ trợ được ban hành kịp thời trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tạo thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2004-2005, với việc hình thành một số doanh nghiệp KNST (DNKNST) trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến. Sau gần 15 năm hình thành và phát triển đến nay, Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện, với đầy đủ các thành tố quan trọng như: Các DNKNST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở/đơn vị hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu… thuộc cả khối tư nhân và Nhà nước.

Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DNKNST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 DN). Khoảng 40 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước. Về hoạt động tài chính, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.

Nghiên cứu của Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen, Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung thực hiện trong năm 2017 cũng cho thấy, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp. Cụ thể, 91% người Việt Nam được khảo sát cho biết, họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước, 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Tỷ lệ người Việt có thái độ thích cực với khởi nghiệp cao hơn mức trung bình thế giới, vốn chỉ dừng lại ở 77%. Bên cạnh đó, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng, họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt muốn khởi nghiệp “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình”… Những con số trên cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của DNKNST trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam trong thời gian gần đây.

Nhiều hoạt động đầu tư và hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo

Trong đó, tiêu biểu là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)- ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Minh chứng cho sự phát triển hệ sinh thái KNST, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), cho biết: “Năm 2018, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự gia tăng về số lượng và chất lượng so với năm 2016, hiện nay số lượng các không gian làm việc tăng hơn 50% với khoảng 70 khu. Có khoảng 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước, cũng như gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam.”.

Ông Quất cũng nhấn mạnh sự cải thiện rõ rệt về chất lượng các doanh nghiệp KNST, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu đô la Mỹ, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường KNST Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Một số mối liên kết ban đầu khác cũng đã hình thành giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia… nhằm hỗ trợ KNST Việt Nam.

Về cơ chế chính sách, Đề án 844 đã đóng góp tích cực trong việc đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành những hành lang pháp lý đặc thù đầu tiên cho hoạt động KNST, hoạt động đầu tư và hỗ trợ cho KNST, ví dụ như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017), Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho KNST, quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía nhà nước cho DNKNST…

Theo Giám đốc Văn phòng Đề án 844 Phạm Dũng Nam, thời gian vừa qua đã có nhiều chính sách được ban hành kịp thời trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tạo lập môi trường thể chế chính sách thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 quy định tổ chức quản lý Đề án 844; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho KNST tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa KNST.

Bộ KH&CN đã tham gia xây dựng nội dung về hỗ trợ KNST và đầu tư KNST từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước tại Công văn số 666/BKHCN-PTTTDN ngày 19/3/2018;…

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Văn phòng Đề án 844 đã tuyển chọn và hướng dẫn các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp như Đại học Quốc gia Hà Nội; Vietnam Silicon Valley Accelerator; Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), Công ty cổ phần phát triển UP (UP); Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), v.v. thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án, đem lại những kết quả về đào tạo, liên kết, truyền thông phục vụ có hiệu quả cho hệ sinh thái.

Ngoài ra, Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia www.startup.gov.vn đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tương đối đồ sộ về nhiều nội dung phục vụ KNST. Hàng năm, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia do Bộ KH&CN tổ chức đã thu hút được hàng trăm chuyên gia và nhà đầu tư (với hơn 40% là người nước ngoài); Tổng giá trị kết nối đầu tư từ sự kiện qua các năm lên đến cả chục triệu đô la Mỹ; Số lượng startup tham dự tăng đáng kể (năm 2018 có tới 600 startup tham dự các chương trình).

PV (T/h)