Doanh nghiệp khó phát triển bền vững nếu không “hiểu” bản chất của tiền – Báo Đồng Nai điện tử
.
TS Nguyễn Tấn Bình
Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp (DN), TS Nguyễn Tấn Bình nhiều năm qua miệt mài với công tác đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng quản trị tài chính, quản trị dòng tiền cho cộng đồng DN nhỏ và vừa. Ông coi đây là niềm vui, nhiệm vụ quan trọng của mình.
Theo TS Nguyễn Tấn Bình, đa phần các chủ DN hiện nay mải lo đầu tư, phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh mà chưa chú trọng đúng mức đến công tác quản trị, nhất là lĩnh vực tài chính. Vì thế, DN thường gặp các vướng mắc dù phía trên bề mặt, tình hình sản xuất, kinh doanh nhìn có vẻ rất ổn định, tăng trưởng tốt. Để phát triển bền vững, TS Nguyễn Tấn Bình cho rằng DN cần xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản, dự tính trước những vấn đề có thể gặp phải, nhất là trong việc quản trị tài chính.
* Không quản trị tốt dòng tiền, dễ lâm vào thế khó
* Thưa TS Nguyễn Tấn Bình, qua kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy các DN nhỏ và vừa thường gặp những vấn đề nào trong việc quản trị tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh?
– Quản trị dòng tiền và quản lý thanh khoản không chỉ đảm bảo việc kinh doanh được thông suốt và thuận lợi mà còn là cơ sở để vượt lên các đối thủ khi thời cơ đến.
Đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, những lỗi thường gặp trong quản trị tài chính DN là dòng tiền không trôi chảy. Có lợi nhuận nhưng không có tiền đẩy DN đến bờ vực phá sản. Nhiều DN còn hạn chế khi xây dựng kế hoạch dòng tiền trong dài hạn; không nắm được tầm quan trọng của dòng tiền và lợi ích to lớn từ báo cáo dòng tiền; “mơ hồ” về sự khác biệt bản chất của tài sản – lợi nhuận – dòng tiền dẫn đến những quyết định quản trị sai lầm; đối với các startup non trẻ, tiền mặt như “gió vào nhà trống”.
Theo tôi, việc quản trị tiền mặt tốt sẽ kiểm soát, tăng số tiền và tốc độ dòng tiền vào; giảm số tiền và tốc độ dòng tiền ra. Quản trị tốt dòng tiền không chỉ giúp DN phát triển bền vững mà còn là cơ hội vượt lên đối thủ khi có thời cơ.
* Với nhiều DN khởi nghiệp, tình hình kinh doanh rất tốt, khách hàng liên tục tăng trưởng, nhưng cuối cùng không biết là dòng vốn của mình đi đâu, về đâu, mặc dù nguồn thu vào đều đặn. Theo ông, nguyên nhân là gì?
– Các DN nhỏ, đặc biệt DN khởi nghiệp, còn yếu về khâu quản lý dòng tiền. Các thất bại của startup phần lớn đều vướng phải việc cạn vốn, dù mô hình kinh doanh của họ có tiềm năng phát triển.
Để đạt đến thành công, startup cần duy trì nguồn vốn để cầm cự qua giai đoạn khởi nghiệp, mà muốn duy trì nguồn vốn thì nên hoạch định dòng tiền cụ thể cho từng giai đoạn.
Nhưng trên thực tế, giai đoạn khởi nghiệp là giai đoạn mà DN chắc chắn sẽ chi tiêu rất nhiều. Nếu tình hình kinh doanh tốt thì nguồn thu vào ổn định nhưng gặp trục trặc thì dòng tiền luân chuyển vào không bao nhiêu, do vậy cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo trường vốn đến lúc có lời.
Ngay cả khi DN có doanh thu tăng trưởng tốt thì người điều hành vẫn cần người quản lý tài chính để kìm hãm, không chi tiêu quá đà, bởi ẩn phía sau đó là rất nhiều khoản chi mà sổ sách, giấy tờ không thể hiện ra. Nếu không làm tốt, không dự báo những gì sắp xảy ra để có sự chuẩn bị trước, tất yếu sẽ gặp khó khăn và DN cứ mãi quanh quẩn với câu hỏi “không biết nguồn tiền mình ở đâu”.
* Vậy DN cần lưu ý những vấn đề nào, thưa ông?
– Như đã nói, trước khi bắt đầu kế hoạch kinh doanh, người chủ DN cần lập ra kế hoạch chặt chẽ, dự tính trước những vấn đề có thể xảy ra và phương án xử lý. DN dự kiến trước dòng tiền vào và dòng tiền ra trong một thời kỳ nhất định trong tương lai, nhằm xác định số tiền thừa, thiếu và đưa ra những biện pháp nhằm tạo ra sự cân bằng thu, chi.
Ba nguyên tắc vàng giúp các nhà khởi nghiệp quản lý dòng tiền hiệu quả là: chọn đúng khách hàng và đối tác; tối ưu quy trình quản lý hàng hóa thành phẩm và hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền; dự báo dòng tiền một cách chính xác.
* Hạnh phúc với công việc chia sẻ kinh nghiệm cho DN
* Đội ngũ kế toán, những người quản trị tài chính đóng vai trò như thế nào trong DN, thưa TS?
– Thực ra lâu nay, các DN và ngay cả những đơn vị đào tạo vẫn có những tiếp cận chưa hợp lý đối với đội ngũ tài chính kế toán.
Việc ghi chép sổ sách là nhiệm vụ, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Nghề kế toán là một trong những nghề mà có thể biến mất trong tương lai bởi vì các số liệu chúng ta có thể áp dụng công nghệ, máy móc để tính toán.
Điều quan trọng là người kế toán phải hiểu rõ được bản chất của số liệu và trở thành người tham mưu cho giám đốc chứ không phải là chuyện ghi chép. Vì thế, chúng tôi đề cao tư duy mới là kế toán – quản trị, thay vì kế toán tài chính như xưa nay, tức là kế toán phục vụ cho các nhà quản trị DN, giúp DN định hướng dài hơi cho sự phát triển.
Điểm yếu của nhiều chủ doanh nghiệp là mải lo đầu tư sản xuất mà chưa chú trọng đúng mức nhiệm vụ quản trị tài chính, quản trị dòng tiền khiến doanh nghiệp gặp khó khăn
* Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, thường đi đào tạo cho các DN về vấn đề này, với ông việc đi giảng dạy mang lại cho mình điều gì?
– Tôi thích công việc hiện tại của mình. Thực ra, cũng có những đơn vị muốn mình về làm việc với họ song điều mà tôi tâm huyết là muốn đưa được những kinh nghiệm của mình đến với các chủ DN, nhất là đội ngũ DN nhỏ và vừa. Đây chính là tương lai sau này của nền kinh tế, nếu không có được những kiến thức về quản trị, không chuẩn bị tốt thì sẽ lỡ cơ hội phát triển. Chính vì thế, tôi coi việc truyền đạt lại những vấn đề về quản trị tài chính, quản trị dòng tiền thông qua các chương trình đào tạo là nhiệm vụ của mình.
* Ông đánh giá như thế nào về văn hóa đọc trong DN? Đây phải chăng cũng là một giải pháp và trách nhiệm để người chủ DN nhìn nhận lại mình?
– Tôi nghĩ rằng sách, tài liệu, kiến thức mà mình đọc được hay thậm chí viết ra được thì đó không phải là của mình mà của tiền nhân, của xã hội đúc kết lại, bây giờ mình hiểu, viết ra. Viết sách cũng vậy, những cuốn sách về quản trị tài chính, thì tôi coi đó là làm bạn với tương lai. Sau này những người đàn em, đàn cháu mình xem được, trong sách giấy hay trên mạng thì lại tiếp tục đúc rút thêm kinh nghiệm. Sách như là sứ giá kết nối các thế hệ lại với nhau.
Đối với việc đọc sách trong DN, tôi cho rằng rất quan trọng, ở Việt Nam vấn đề này chưa được đề cập nhiều. Có rất nhiều chủ đề đọc rất khác nhau, điều quan trọng là người chủ DN cần là gương và khơi gợi sự tích cực của nhân viên. Trên thế giới không ít các doanh nhân nổi tiếng đọc và viết ra những cuốn sách rất hay, được nhiều người đón nhận là vì vậy.
* Xin cảm ơn TS Nguyễn Tấn Bình!
TS Nguyễn Tấn Bình là giảng viên thỉnh giảng Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright. Ông có nhiều năm kinh nghiệm làm giám đốc, kế toán trưởng các DN và nhiều năm kinh nghiệm về giảng dạy ngành tài chính, kế toán, quản lý dự án. TS Nguyễn Tấn Bình nổi tiếng trong giới giảng viên, doanh nhân là người có khả năng truyền đạt kiến thức quản trị tài chính, kế toán vốn rất khó khăn bằng ngôn ngữ “bình dân” và rất dễ hiểu. Ông cũng là tác giả nhiều sách bán chạy về tài chính, kế toán, quản lý dự án.
Văn Gia (thực hiện)