Doanh nghiệp du lịch cần làm gì để phát triển bền vững? | Du lịch

>>> Doanh nghiệp du lịch trở lại “đường đua”

Du lịch đang trên đà hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại (Ảnh: Vũ Phường)

Du lịch đang trên đà hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại (Ảnh: Vũ Phường)

Xu hướng mới của du lịch

Nếu như thời điểm dịch bệnh hoành hành, những chuyến du lịch là một thứ vô cùng “xa xỉ”, thì hè năm nay được coi là dấu mốc cho sự trở lại với những trải nghiệm thú vị của du khách.

Mùa du lịch hè năm nay cũng chứng kiến những đổi thay về nhu cầu và xu hướng đi du lịch của du khách trong giai đoạn bình thường mới. Đó cũng chính là định hướng để các doanh nghiệp lữ hành lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thời điểm hiện tại, nhiều khách sạn, home stay, resort, villa, các khu điểm du lịch trên cả nước đều chật kín phòng bởi nhu cầu đi du lịch của người dân đang tăng cao.

Chị Hương (Đông Anh – HN) chia sẻ, thời điểm này, gia đình chị thường lựa chọn những địa điểm vừa là nơi vui chơi, vừa nghỉ dưỡng cho cả gia đình, người già. Do đó, chị quyết định chọn Hạ Long (Quảng Ninh) là điểm đến cho cả gia đình trong dịp du lịch hè này.

Anh S. Minh (Hà Nội) cho biết, việc lựa chọn tour thiên nhiên, tour trải nghiệm cũng là xu hướng lựa chọn mới của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Nếu như trước đây chúng ta đi du lịch là tìm một địa danh đẹp, đặt một phòng trong khách sạn thật đẹp để khi đến nơi chúng ta vừa nghỉ ngơi, thư giãn, vừa để khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực hay con người… thì nay chúng ta đi du lịch trải nghiệm sẽ được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, tự tay tham gia những hoạt động thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo…. Và trong chuyến đi du lịch trải nghiệm của mình, thay vì ở khách sạn, chúng ta có thể ở tại nhà dân. Trong quá trình ở đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về cuộc sống, con người về giá trị văn hóa của các dân tộc, các vùng miền bởi chúng ta được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình chủ nhà trong không khí ấm cúng và thân thiện. Đây là xu hướng mới của những người ưa khám phá.

Hiện nay, nhiều địa phương trong nước đã và đang phát triển loại hình du lịch này, như Bắc Giang, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Điển hình tại Ba Vì (Hà Nội), công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển DOK Việt Nam đã xây dựng nông trại Detrang Farm (nông trại giáo dục) là điểm du lịch trải nghiệm mới theo mô hình Working Farm đầu tiên tại Việt Nam.

Du lịch trải nghiệm và khám phá đang “hút” giới trẻ

Du lịch trải nghiệm và khám phá đang “hút” giới trẻ

Ghi nhận tại công ty CP Du lịch – Thương mại Bình Minh Phú Thọ, anh Đỗ Đức Khánh, Giám đốc công ty, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Phú Thọ cho biết, do nhu cầu của khách đang tăng rất cao khiến công ty phải huy động nhân lực phục vụ. Khách du lịch thời điểm này đặt tour rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình tăng từ 30 – 50%. Các khách sạn là đối tác của công ty thường xuyên trong tình trạng “cháy phòng” nên công ty phải rất khó khăn với tổ chức được một tour du lịch cho khách hàng.

Mùa hè năm nay, tuy dịch bệnh đã dần được kiểm soát nhưng xu hướng đi du lịch cũng khác nhiều so với trước. Nếu như trước đây, khách du lịch thường đặt du lịch đi theo tour tập trung, thì hiện tại, loại hình du lịch đi bằng phương tiện tự túc, nhóm nhỏ gia đình hoặc bạn bè được nhiều người lựa chọn.

Anh Khánh cho biết thêm, hiện tại, du khách cũng quan tâm nhiều tới tour du lịch thu nhỏ, số lượng nhỏ, thường đi theo nhóm gia đình, bạn bè. Đây là yêu cầu mà các doanh nghiệp lữ hành nhận được nhiều từ phía khách hàng. Bên cạnh đó, những yêu cầu về an toàn du lịch cũng được du khách quan tâm.

Để đáp ứng yêu cầu của du khách trong dịp hè này, các địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn để không chỉ khách trong nước trở lại nhiều lần, mà còn tạo nền tảng để thu hút khách quốc tế. Nhiều địa phương đã tổ chức chương trình lễ hội, xây dựng các sản phẩm để kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành đã nhanh chóng tăng cường thêm ngày khởi hành cho toàn bộ hành trình khởi hành trong tháng 7, 8. Đồng thời, xây dựng thêm nhiều chương trình trải nghiệm tại điểm đến để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Cần xóa sổ “con sâu làm rầu nồi canh” trong du lịch

Ngành du lịch đang dần hồi sinh với những nỗ lực hành động và thích ứng linh hoạt, không để lỡ nhịp phục hồi, phát triển du lịch. Tuy nhiên, cũng đã có không ít bất cập xảy ra, đó là, mặc dù lượng khách du lịch tăng, tuy nhiên các doanh nghiệp đã phải đương đầu với “cú sốc” về giá xăng, kéo theo chi phí đầu vào tất cả các dịch vụ tăng cao khiến doanh thu bị hạn chế. Thêm vào đó, tình trạng trễ chuyến, hủy chuyến bay, tình trạng “chặt chém”, mập mờ về giá cả, quy trình phục vụ giao thông còn hạn chế vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến lòng tin của du khách.

Những vấn nạn “chặt chém”, mập mờ về giá cả cần được “xóa sổ”

Những vấn nạn “chặt chém”, mập mờ về giá cả cần được “xóa sổ”

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua, tình trạng “chặt chém” tại các điểm du lịch đã được đưa lên mạng xã hội nhiều, hay chất lượng những hàng hóa, sản phẩm lưu niệm bán ra không được tốt. Thậm chí, có những trường hợp đặt dịch vụ rồi, nhưng khi du khách đến thì không còn dịch vụ đó gây ra nhiều bức xúc, mất niềm tin cho du khách khiến du khách không “tự tin” tiêu tiền, từ đó, các điểm đến không khai thác được tối đa doanh thu từ du khách.

Lấy lý do giá xăng dầu leo thang, nhiều nơi tự đẩy giá dịch vụ lên cao. Các doanh nghiệp muốn tối đa doanh thu, các đơn vị quản lý muốn tối đa lượng khách để tạo hình ảnh. Do đó, cần phải có quy chế để cảnh báo điểm đến cho du khách.

Theo ông Hoan, du lịch được xác định là ngành kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Điều này được thể hiện ở 2 yếu tố: bền vững ở giá trị điểm đến, giá trị cảnh quan và bền vững ở sự thiện cảm của du khách. Do đó, đối với các địa phương đang là điểm “hot” của du lịch phải cân nhắc về việc đánh giá công suất điểm đến, có những biện pháp để cảnh báo kịp thời cho du khách. Đồng thời, phải tính toán đến việc hoàn thiện hạ tầng du lịch, đảm bảo công suất tối đa phục vụ khách (công suất nhà hàng, công suất đội xe, hạ tầng giao thông,…).

Các doanh nghiệp và địa phương cần phải tính toán đến việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao công suất phục vụ để phát triển bền vững

Các doanh nghiệp và địa phương cần phải tính toán đến việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao công suất phục vụ để phát triển bền vững

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình, để phát triển ngành du lịch nói chung, du lịch tại các địa phương nói riêng được bền vững cần nhiều giải pháp khác nhau. Bên cạnh việc cơ quan nhà nước tổ chức quản lý tốt hoạt động du lịch trên địa bàn, nghiên cứu phát triển tài nguyên du lịch đồng bộ, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Từ công tác truyền thông sẽ nâng cao được ý thức đi du lịch, tâm lý và phong cách đi du lịch của du khách; đồng thời, sẽ cảnh báo được với du khách những địa điểm kinh doanh không phù hợp, kinh doanh không lành mạnh, không đúng quy định pháp luật.

Đối với các du khách, nên là những người tiêu dùng thông minh, cần chủ động trong những chuyến du lịch về thời gian, địa điểm, chi phí, lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín để tránh tình trạng chặt chém, kín phòng, hủy phòng, chất lượng dịch vụ kém…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa, gấp hơn 1,5 lần lượng khách nội địa cả năm 2021. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5 và 6/2022, lượng khách đã tăng cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây, lần lượt là 12 triệu và 12,2 triệu lượt khách.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.