Doanh nghiệp đổi mới công nghệ: “Chìa khóa” cải tiến năng suất – TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỈNH CÀ MAU
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và củng cố thương hiệu trên thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo.
Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau đã quyết định đầu tư 110 tỷ đồng để đổi mới, cải tiến dây chuyền công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm phân bón và tạo sản phẩm mới chất lượng cao. Công ty Cổ phần Mỹ Lan tỉnh Trà Vinh đã đầu tư nghiên cứu làm chủ và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm chất lượng cao với kinh phí gần 70 tỷ đồng. Tập Đoàn Sao Mai (An Giang) cũng đã dành khoảng 70 tỷ đồng cho đổi mới công nghệ trong hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến dầu ăn cao cấp từ mỡ cá tra. Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đầu tư trên 60 tỷ đồng cho nghiên cứu, phát triển các giống lúa đặc sản chất lượng cao và đổi mới công nghệ chế biến nông sản. Hay, Công ty Dược Hậu Giang dành hơn 30 tỷ đồng để cải tiến công nghệ sản xuất các loại dược phẩm. Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đầu tư khoảng 90 tỷ đồng cho đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu…
Đầu tư cho KH&CN đem lại lợi ích lớn
Đây là những minh chứng cho thấy ngày càng có nhiều DN đầu tư cho KH&CN cũng như coi đây là “chìa khóa” để vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19, đồng thời, tận dụng những cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – nhận định, việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do khiến các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại thông qua các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại phi thuế quan… Do đó, tăng cường ứng dụng KH&CN, áp dụng nghiêm túc tiêu chuẩn quốc tế trong quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt và quyết định đến việc vượt qua các rào cản bảo hộ để thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, xu hướng tự động hóa, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng hàng hóa ngày càng phổ biến với sự dẫn dắt của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu. “Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử kéo theo những nhu cầu tất yếu về hạ tầng thông tin, nền tảng khoa học và chuyển giao công nghệ” – ông Vũ Bá Phú chia sẻ.
Theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, doanh nghiệp đang nhìn nhận vai trò của KH&CN rất khác so với trước đây. Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội để hướng tới thành công.
Số liệu của Bộ KH&CN cho thấy, nếu như thời gian trước, tỷ lệ đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo là 70-30 (tức là 70% đến từ nhà nước và 30% đến từ DN), thì nay con số này nâng lên thành 50-50, và chắc chắn trong thời gian tới, vai trò chủ đạo đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo sẽ là DN. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong tổng thể năng lực sáng tạo quốc gia, giúp thăng hạng đổi mới sáng tạo.
Để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, KH & CN và đổi mới sáng tạo là mấu chốt giúp nâng cao năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Quỳnh Nga congthuong.vn thực hiện