Doanh nghiệp đồ uống Việt tính chuyện khai thác thị trường ngách
Sức hút của thị trường đồ uống
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện trung bình người Việt chỉ tiêu thụ 23 lít nước giải khát/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 40 lít/năm của người tiêu dùng thế giới.
Đại diện Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh Quốc) thông tin, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15 – 54 chiếm gần 62,2% nên có nhu cầu cao về các loại nước giải khát. Trong giai đoạn 2017 – 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát Việt Nam lên đến 6 – 7%/năm, trong khi các nước như Pháp, Nhật Bản… chỉ khoảng 2% năm.
Dự báo, đến năm 2025 doanh thu ngành nước giải khát Việt Nam đạt gần 6 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 6,3%/năm nên có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Người tiêu dùng mua sản phẩm nước tươi Oh Fresh tại siêu thị
Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nước giải khát, với tham vọng chiếm lĩnh thị trường, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đổ tiền đầu tư sản xuất trực tiếp, hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.
Cuối năm 2017, ThaiBev (công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan) đã chi 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Thông qua việc mua cổ phần Sabeco, người Thái gián tiếp chi phối hơn 1/3 thị trường bia Việt Nam.
Tương tự Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco với sản phẩm sữa đậu nành, sau một thời gian liên doanh với Uni – President (Đài Loan) đã liên tục thua lỗ nên phải bán 43,6% cổ phần cho đối tác liên doanh.
Trước đó năm 2001, thông qua hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt, Coca Cola đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tương tự năm 2002 Pepsi Việt Nam cũng mua lại toàn bộ cổ phần của Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC). Thông qua hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt tham gia liên doanh, hiện sản phẩm của Coca Cola chiếm lĩnh trên 41% thị phần, PepsiCo chiếm 22,7%.
Nói về lý do thị phần nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt nêu rõ, đa phần là doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực tài chính nên có đến 52% sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, 38% trung bình, 10% hiện đại, chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất nước giải khát.
“Không chỉ có vậy doanh nghiệp Việt thiếu liên kết, nặng về mối quan hệ, dựa dẫm, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA… Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài lấn sân tại thị trường Việt Nam” – ông Nguyễn Văn Việt phân tích.
Chú trọng khai thác thị trường ngách
Mặc dù thị trường nước giải khát đang bị doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh, tuy nhiên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Trần Hoàng cho rằng, hiện người tiêu dùng Việt đang giảm sử dụng nước uống có gas, dần chuyển sang sử dụng nước giải khát nguồn gốc hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Vì vậy doanh nghiệp Việt nên sản xuất các loại nước ép trái cây đặc thù của Việt Nam như trà thảo mộc không gas. “Đây là là thị trường ngách cho doanh nghiệp Việt phát triển nếu biết cách khai thác thị trường này” – ông Trần Hoàng khẳng định.
Người tiêu dùng mua sản phẩm nước táo của Vinamilk tại siêu thị
Để khai thác thị trường ngách, một số doanh nghiệp Việt đã đưa ra thị trường sản phẩm thiên nhiên. Vừa qua Công ty CP Traphaco đưa ra sản phẩm trà thảo dược Traphaco Boganic. Đại diện Traphaco cho biết, hiện loại nước giải khát này không chỉ được bầy bán tại 20.000 nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc mà còn xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Việt Nam là nước có truyền thống về nông nghiệp, đủ điều kiện cung ứng các nguồn nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất, chế biến đồ uống không có gas như nước ép trái cây, sữa trái cây, trà thảo mộc… Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác sản xuất sản phẩm đồ uống đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Phó chủ tịch VAB Chu Thị Vân Anh
Tương tự, cuối năm 2021 Công ty Vibev (liên doanh giữa Vinamilk và Công ty CP Tập đoàn Kinh Đô) chính thức ra mắt 2 sản phẩm nước uống thương hiệu Oh Fresh trên thị trường Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm & Đồ uống Vibev Mai Xuân Trầm chia sẻ, doanh nghiệp đặt mục tiêu sau 5 năm vận hành sẽ nắm giữ vị trí số 1 về thị phần ngành đồ uống tươi với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng).
Thực tế cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp Việt đã tung ra nhiều sản phẩm thiên nhiên, chỉ tính riêng trà đã có hàng chục loại, từ trà xanh đến trà sữa, trà hoa cúc, trà đào, trà râu ngô, trà chanh dây, trà dâu, trà bí đao, trà hồng sâm, hồng trà vị táo… Thậm chí một số thực phẩm lúc trước chỉ được chế biến thủ công, bán ở quán cóc vỉa hè thì nay cũng được nâng cấp lên thành nước uống đóng chai, như nước thạch rau câu, nước dừa tươi, cam ép…
Nói về phương thức phát triển sản phẩm nước giải khát Việt đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, Phó Chủ tịch VAB Chu Thị Vân Anh nêu rõ, doanh nghiệp Việt phải nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, qua đó xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh linh hoạt với biến động trên thị trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành nước giải khát.
“Hiện mức thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng, doanh nghiệp đồ uống cần chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm cao cấp có lợi cho sức khỏe để đón đầu thị trường tiêu thụ thuộc phân khúc này” – bà Chu Thị Vân Anh gợi ý.
Ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý cho thấy để giữ vững thị phần nước giải khát đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đưa ra sản phẩm phù hợp. Đẩy mạnh kết nối hệ thống sản xuất và phân phối, giảm bớt khâu trung gian qua đó giảm giá thành sản phẩm.