Doanh nghiệp điện tử, sản xuất linh kiện đứng trước nguy cơ tụt hậu
–
Thứ sáu, 29/07/2022 17:03 (GMT+7)
Ngành điện tử và sản xuất linh kiện đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0 nên các doanh nghiệp cần những bước đột phá để phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Công nghiệp điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn. Ảnh: NIF
Tăng trưởng khả quan
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng ngành sản xuất điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan, cho thấy tiềm năng phục hồi và phát triển rất lớn.
Theo số liệu thống kê, năm 2010, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ đạt 3,6 tỉ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong suốt giai đoạn 2010 đến 2020, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao. Bình quân cả giai đoạn 2011 – 2020 tăng 28,6%.
Năm 2019, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,3 tỉ USD, trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Đến năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, ước tính giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt 44,6 tỉ USD, tỉ trọng chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất của ngành điện tử sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tăng mạnh là sản xuất linh kiện điện thoại (tăng 43,6%), sản xuất thiết bị điện tử (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020). Trong số 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,4 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỉ trọng 15,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện). Trong giai đoạn cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, với những sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành linh kiện điện tử, các doanh nghiệp trong nước được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến bộ trong sản xuất thời gian tới.
Nguy cơ tụt hậu
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trên, giới chuyên gia nhìn nhận, năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế. Trong đó, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.
Một thách thức nữa là nguy cơ thiếu vật liệu, linh kiện và bộ phận hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.
Số hoá đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Chinhphu.vn
Doanh nghiệp ngành điện tử cũng đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0. Theo nhiều ý kiến chuyên gia tại một diễn đàn kết nối doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu hồi đầu năm, tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử hiện nay còn rất thấp. Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh là điều kiện quan trọng để phát triển, song phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều sử dụng máy vi tính nhưng ở mức độ ứng dụng thông thường trong khi thiếu các ứng dụng mang tính chuyên sâu. Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho số hóa không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu chuỗi đa quốc gia trong lĩnh vực điện – điện tử, đều có các bộ phận công nghệ thông tin chuyên trách xây dựng các nền tảng số, cho phép họ kết nối toàn cầu, xây dựng những hệ cơ sở dữ liệu quản lý và đánh giá các nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Cần những bước đột phá để phát triển
Trước các thách thức trên, đã có các ý kiến khuyến nghị Việt Nam cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc hơn. Ưu tiên vào những lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, bền vững, có sức lan toả với nền kinh tế Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp Việt.
Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các công ty đầu ngành để có thể kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hình thành chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ tầm trung và cao, tránh các công nghệ, máy móc cũ kỹ, lạc hậu.
Mặt khác, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cũng cần tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn. Trong đó, những dạng hỗ trợ như chuyển đổi số, ưu đãi start-up, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sáng tạo… cần được tăng cường và hài hoà hơn.
Số hoá đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ nên Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình số hoá cho các doanh nghiệp. Chuyển đổi số nên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, các lĩnh vực mà khoảng cách chuyển đổi số còn lớn như chức năng nghiệp vụ sản xuất, quản lý chất lượng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp trong nước cần rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI.
Để có thể tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả EVFTA, các doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử EU.