Doanh nghiệp điện tử: Xu hướng phát triển và nhận diện rủi ro

Trong nền kinh tế số, mô hình doanh nghiệp điện tử (e-enterprise) tuy còn mới mẻ nhưng đang không ngừng phát triển. Từ đó đặt ra hàng loạt thách thức trong việc xây dựng các hành lang pháp lý điều chỉnh mô hình doanh nghiệp này. Bài viết phân tích thực trạng của doanh nghiệp điện tử cũng như pháp luật thực định, từ đó chỉ ra những rủi ro pháp lý có thể phát sinh từ mô hình mới mẻ này, qua đó đề xuất về mặt pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển tốt hơn và an toàn hơn.

Khái niệm doanh nghiệp điện tử

Trên thế giới, khái niệm doanh nghiệp điện tử đã ra đời từ hơn 1 thập kỷ trước. Từ các phát minh trong lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và Internet of things, những nền tảng của thương mại điện tử (e-commerce)[1] được thiết lập. Về điểm này, kinh doanh điện tử và thương mại điện tử phải hiểu ở các góc độ khác nhau, trong đó khái niệm doanh nghiệp điện tử là một thành tố của kinh doanh điện tử, chứ không phải thương mại điện tử. Nhà nghiên cứu König đã làm rõ sự khác biệt này, đồng thời đưa ra khái niệm doanh nghiệp điện tử như sau: “Kinh doanh điện tử bao gồm các giao dịch kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận mà trong đó các bên tham gia tương tác với nhau bằng phương tiện điện tử. Khác biệt với thương mại điện tử vốn chỉ tập trung chủ yếu vào các mối quan hệ với khách hàng theo kiểu doanh nghiệp đến người tiêu dùng (Business-to-Consumer – B2C), và theo cách tiếp cận đó, doanh nghiệp điện tử bao gồm tất cả các tương tác điện tử trong nội bộ một doanh nghiệp hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau”[2]. Trong bài viết này, khái niệm doanh nghiệp điện tử được hiểu theo nghĩa như vậy.

Trong một phân tích khác, F. Hoque đã chứng minh rằng doanh nghiệp điện tử là hình thái e-everything ra đời muộn màng nhất trong môi trường kinh doanh. Nếu như những tiếp cận ban đầu của thương mại điện tử đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, thì các hình thái của doanh nghiệp điện tử chỉ xuất hiện từ những năm 2000. Doanh nghiệp điện tử, ngày nay được hiểu là các doanh nghiệp áp dụng công nghệ điện tử, từ việc thành lập, tổ chức kinh doanh, quản trị nhân sự hay tương tác giữa các bộ máy quản trị hoàn toàn bằng các thông điệp dữ liệu, gặp gỡ, ký kết hợp đồng với các đối tác cũng bằng hình thức điện tử[3]. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp điện tử vốn không mới trong thực tiễn kinh doanh, nhưng khái niệm vẫn còn rất mơ hồ trong bối cảnh định nghĩa pháp lý, hay nói cách khác khung pháp lý của nó vẫn còn là một khoảng trống.

Những rủi ro trong mô hình doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam hiện nay

Hãy bắt đầu từ khái niệm khởi nghiệp điện tử, vốn được hiểu một cách đơn giản là khởi sự kinh doanh hoàn toàn trên môi trường điện tử, toàn bộ các quá trình triển khai các ý tưởng kinh doanh cho đến thành lập cơ sở kinh doanh đều dựa trên các tương tác kỹ thuật số. Theo Kollmann: “Khởi nghiệp điện tử là việc thiết lập một công ty mới dựa trên những ý tưởng kinh doanh được hiện thực hóa trong nền kinh tế số, mà ở đó, tất cả các vấn đề từ cơ sở dữ liệu, cung cấp hàng hóa dịch vụ cho đến quản trị công ty đều dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và phụ thuộc vào kết quả của cách mạng công nghệ  thông tin”[4].

Hẳn nhiên, công nghệ thực tế ảo cũng như nền tảng pháp lý hiện nay chưa cho phép hình thành những công ty ảo, và hoàn toàn ảo, nghĩa là không có gì là thật. Công ty bản thân nó là một cấu trúc phức tạp đi kèm với những ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Vấn đề là có thể ảo đến đâu? Trong giới hạn nào? Để có thể tránh nguy cơ hình thành những công ty ma với “tư cách pháp nhân ma”, các nhà làm luật không thể bỏ qua sự hình thành của những công ty số vì trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người khai thác các tiện ích của công nghệ thông tin để tối ưu hóa lợi nhuận của họ. Những công ty số sẽ là lựa chọn tốt cho các nhà khởi nghiệp của thời đại công nghệ 4.0, tuy nhiên kèm theo đó là không ít rủi ro.

Rủi ro từ văn phòng ảo đến vốn ảo

Luật Doanh nghiệp 2014 của Việt Nam không yêu cầu cụ thể về diện tích tối thiểu, hay các trang thiết bị cần thiết mà một trụ sở doanh nghiệp phải có, mà chỉ quy định tại trụ sở phải có gắn bảng tên doanh nghiệp[5]. Dứt khoát đó phải là địa chỉ có thật, dù trên thực tế nhiều doanh nghiệp sử dụng địa chỉ không tồn tại để đăng ký mà cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn không thể phát hiện được. Việc tiếp nhận một ngày lên đến cả ngàn hồ sơ đăng ký kinh doanh, như tại TP Hồ Chí Minh, thì kiểm soát sự tồn tại của trụ sở doanh nghiệp là không thể, ngay cả khi nghi ngờ địa chỉ ma thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng không có quyền bắt đương sự phải chứng minh[6].

Địa chỉ trụ sở không thể là một e-mail, một hộp thư bưu điện, mà phải là một địa chỉ có thật và cụ thể. Do vậy, người khởi nghiệp, để tiết kiệm chi phí, có thể sử dụng dịch vụ thuê văn phòng ảo (i-office) đang nở rộ hiện nay. Với văn phòng ảo, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp sẽ xuất hiện hoành tráng tại một cao ốc nào đấy, và đội ngũ công ty dịch vụ sẽ làm luôn các công việc của doanh nghiệp như tiếp khách, trực điện thoại và chuyển phát thư tín. Gọi là ảo, vì thật ra chẳng có đại diện doanh nghiệp nào làm việc thường trực ở đó mà họ ủy thác mọi thứ giao dịch đơn giản cho công ty dịch vụ, và mỗi khi cần tiếp khách, họ chỉ cần thuê những phòng tiếp khách được sử dụng chung. Và như thế, chỉ vài trăm ngàn/tháng, các cá nhân có thể sở hữu một địa chỉ doanh nghiệp “hoành tráng”, dù chỉ là mang tính biểu tượng, nhưng quan trọng nhất là luật không cấm.

Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là, Luật Doanh nghiệp 2014 hoàn toàn không xác định sự tồn tại của loại hình i-office kiểu như thế. Trong quan hệ giao thương, khách hàng, đối tác của doanh nghiệp thường mặc định rằng những ai tiếp đón họ ở văn phòng ảo ấy đều là người có thẩm quyền của công ty. Nếu những người này thực hiện một giao dịch gây thiệt hại cho khách hàng mà không có ủy quyền của doanh nghiệp, thì họ có phải chịu trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho khách hàng không? Phân định trách nhiệm giữa hai bên trong hoạt động của doanh nghiệp thế nào? Các công ty dịch vụ có chịu trách nhiệm gì không khi cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp ma (những đối tượng chỉ dùng tư cách pháp nhân để lừa đảo, rửa tiền hoặc buôn lậu)?

Ở một khía cạnh khác, vốn ảo (e-capital)[7] được hiểu là người khởi nghiệp bỏ vốn đầu tư cũng như huy động vốn góp từ các loại tài sản ảo, mà đặc biệt là tiền ảo (ví dụ như Bitcoin), hay các tài sản khác trong thế giới mạng như một tài khoản facebook hay một kênh youtube. Vì đều có thể được định giá bằng tiền, có thể quy ra tiền, tài sản ảo được hiểu một cách chung nhất là những thứ do tài nguyên mạng máy tính mang lại, có thể được định giá bằng tiền, có thể là đối tượng chuyển giao trong các hợp đồng dân sự[8].

 Tài sản là ảo nhưng sự tồn tại của nó là thật, giá trị của nó là thật, và nó cũng là đối tượng của rất nhiều tranh chấp trong thời gian gần đây. Pháp luật của các nước bắt đầu tìm kiếm các mô hình pháp lý điều chỉnh các quan hệ xoay quanh đối tượng này. Tiếc rằng, sau nhiều tranh luận, Bộ luật Dân sự 2015 vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề này. Tuy nhiên, do nhận thức được tầm quan trọng của việc phải luật hóa lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác[9], Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính hai nhiệm vụ, một là chỉ đạo không cho thực hiện các hoạt động tài chính liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; hai là nghiên cứu đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).

Trên thực tế, không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà tiền ảo và tài sản ảo mang lại, đặc biệt trong bối cảnh khởi nghiệp 4.0, nhất là với hoạt động huy động vốn qua ICO. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng start-up gọi vốn qua ICO đã tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng đến nguồn vốn đầu tư quốc tế với con số gọi vốn cho các start-up blockchain có thể lên đến hàng chục triệu USD trong một thời gian ngắn[10]. Trong Chỉ thị 10/CT-TTg nêu trên, Chính phủ cũng đã thống nhất giao cho Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất xây dựng khung pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo cho thấy tín hiệu lạc quan trong một tương lai gần vấn đề này sẽ được luật hóa.

Số hóa các hoạt động quản trị: chứng cứ điện tử liệu có đủ độ tin cậy?

Hình dung rằng mức độ số hóa các hoạt động quản trị sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thứ chi phí, chẳng cần máy móc in ấn tốn kém, cũng không cần những trụ sở công ty mà mỗi vị quản lý phải có một khu vực làm việc riêng. Khi số hóa quản trị, các chủ sở hữu có thể thực hiện quyền của mình theo hình thức trực tuyến, các chức vụ quản lý khác cũng có thể xử lý toàn bộ công việc ở nhà khi mà môi trường mạng là không gian làm việc chính.

Theo đó, các văn bản quan trọng của công ty, như nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hay hội đồng quản trị, hoặc hội đồng thành viên có thể được lưu trữ như ở dạng tài liệu điện tử, Điều 146 khoản 1 Luật Doanh nghiệp quy định: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác”, trên nguyên tắc “thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”[11]. Phải nói rằng Luật Doanh nghiệp hiện nay đã thông thoáng, mở đường cho việc số hóa các cuộc họp kiểu như vậy. Doanh nghiệp điện tử sẽ không cần thuê những khuôn viên đắt tiền để tổ chức các cuộc họp đại hội đồng cổ đông hoành tráng và tốn kém, khi mà các cổ đông hoàn toàn có thể “tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác”[12]. Họp có thể ảo, biên bản cho đến nghị quyết của cuộc họp có thể là tài liệu điện tử, nhưng trách nhiệm hữu hạn của các cổ đông, trách nhiệm cá nhân của các thành viên hội đồng quản trị, trách nhiệm pháp lý của công ty trước các cổ đông cũng như đối tác trong hoạt động quản lý của mình, là thật. Hiển nhiên là, giám đốc hay người quản lý có thể điện tử hóa toàn bộ hoạt động của mình, nhưng một công ty không thể thuê một robot làm công việc của một giám đốc, không một hệ thống pháp luật nào trên thế giới cho phép điều đó.

Vậy thì liệu các đối tác, các khách hàng có đủ tin cậy vào một công ty mà thậm chí chưa một lần được thấy mặt ông giám đốc? Thái độ của nhà nước và thái độ của xã hội thế nào trong cái ranh giới mong manh giữa công ty ảo và công ty ma? Luật pháp thừa nhận giao dịch điện tử, giấy tờ điện tử có giá trị như giao dịch trực tiếp hay giấy tờ bản cứng, thì địa vị lẫn trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp điện tử cũng chẳng khác gì doanh nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, làm cách nào để truy trách nhiệm của một doanh nghiệp điện tử, một người quản lý trong doanh nghiệp điện tử từ những tài liệu điện tử hay giao dịch điện tử? Các tòa án liệu có sẵn lòng xem xét xử lý một yêu cầu hủy bỏ hoặc công nhận một nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, khi mà nó là kết quả của một cuộc họp trực tuyến và xác nhận bằng một loạt chữ ký số?

Kết luận và một số gợi ý chính sách

Doanh nghiệp điện tử cũng như thương mại điện tử thực tế phát sinh nhiều rủi ro, và vấn đề là pháp luật kiểm soát rủi ro ấy như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, công tác lập pháp cần chú ý giải quyết các nội dung sau đây:

Thứ nhất, khuyến khích mô hình doanh nghiệp điện tử tạo sinh thái tốt cho khởi nghiệp, nhưng phải kiểm soát nguy cơ hình thành những công ty ma. Như trên đã nêu, ranh giới công ty ma và công ty ảo rất mong manh, việc kiểm soát nguy cơ này đòi hỏi cả thủ tục tiền kiểm lẫn hậu kiểm. Thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn phải thông thoáng để không cản trở tự do kinh doanh, nhưng cần phải có cơ chế kiểm soát tính pháp lý của văn phòng ảo đang nở rộ hiện nay, làm rõ trách nhiệm của các bên thuê và cho thuê văn phòng ảo, vốn là khoảng trống trong luật pháp hiện hành. Tương tự, nghĩa vụ công bố thông tin hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với trường hợp là công bố thông tin trên cổng thông tin quốc gia. Nên chăng trong thời gian tới, Luật cần bổ sung các quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đăng tải thông tin công khai trên website mọi vấn đề từ thông tin người đại diện theo pháp luật đến biên bản các cuộc họp hội đồng cổ đông (trường hợp công ty đại chúng). Minh bạch, tạo điều kiện cho sự giám sát của công chúng vẫn là phương thức hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng thành lập công ty ảo để lừa đảo.

Thứ hai, cần xem xét cẩn trọng trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp điện tử. Để hạn chế rủi ro mà doanh nghiệp điện tử có thể mang lại cho đối tác, khách hàng, hoặc chính chủ sở hữu của nó, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp điện tử cần được xem xét cẩn trọng. Thương mại điện tử có những rủi ro đặc trưng, thì doanh nghiệp điện tử cũng vậy, điều này gây nên tâm lý nghi ngại của xã hội đối với mô hình này. Mặc dù về nguyên tắc thì trách nhiệm pháp lý áp dụng cho các doanh nghiệp không phân biệt nó là điện tử hay không, vì như trên đã nêu, trách nhiệm của người quản lý là thật, của hội đồng quản trị là thật. Tuy nhiên, cơ chế truy cứu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra xung đột hay tranh chấp lại phụ thuộc vào chứng cứ điện tử, mà vốn không được xem là nguồn chứng cứ đáng tin cậy, nó mong manh và dễ bị can thiệp. Về vấn đề này, pháp luật cần hướng đến điều chỉnh vai trò của bên thứ ba trong việc xác nhận các giao dịch điện tử, như một phương thức phân chia rủi ro cho các đối tượng này. Chẳng hạn, vai trò liên đới của cơ quan hay tổ chức xác nhận chữ ký số trong các giao dịch của người có thẩm quyền của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ văn phòng ảo (i-office) và hóa đơn chứng từ điện tử. Một tập hợp các tổ chức, cơ quan có khả năng, điều kiện về công nghệ để thẩm định tài liệu điện tử phải có trách nhiệm hỗ trợ cho tòa án hay cơ quan điều tra trong việc giải quyết tranh chấp hay truy cứu trách nhiệm dựa trên chứng cứ điện tử. Có vậy, doanh nghiệp điện tử mới có điều kiện để được phát triển hơn, trên cơ sở minh bạch và tin cậy.

 


[1]Theo Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử, bất kỳ loại thông tin dưới dạng của một thông điệp dữ liệu được sử dụng trong các hoạt động thương  mại nào thì được coi là thương mại điện tử.

[2]W. König, T. Weitzel (2005), “Towards the E-Enterprise: standards, networks and co-operation strategies”, The Practical Real-Time Enterprise, pp.359-384.

[3]F. Hoque (2000), e-Enterprise: business models, architecture, and components, 2, Cambridge University Press, p.4.

[4]T. Kollmann (2006), “What is e-entrepreneurship?-fundamentals of company founding in the net economy”, International Journal of Technology Management, 33(4), pp.322-340.

[5]Điều 38, 40, 41, 43 Luật Doanh nghiệp 2014.

[6]https://vietnammoi.vn/tp-hcm-nhieu-doanh-nghiep-dung-dia-chi-ma-de-buon-lau-12107.html (truy cập ngày 28/09/2018).

[7]E. Brynjolfsson, L.M. Hitt, S. Yang (2002), “Intangible assets: Computers and organizational capital”, Brookings papers on economic activity, pp.137-181.

[8]Trần Lê Hồng (2007), “Tài sản ảo – Từ nhận thức đến bảo hộ”, Tạp chí Luật học, 7.

[9]https://luatvietnam.vn/tai-chinh/chi-thi-10-ct-ttg-2018-quan-ly-hoat-dong-lien-quan-toi-bitcoin-va-cac-loai-tien-ao-161676-d1.html.

[10]https://baodautu.vn/huy-dong-von-bang-tien-ao-de-khoi-nghiep-de-co-trieu-usd-nhung-kho-nuot-d78294.html.

[11]Điều 11 Luật Giao dịch điện tử 2005.

[12]Điểm c, Khoản 2, Điều 140 Luật Doanh nghiệp.