Doanh nghiệp dệt may ngoại vẫn chọn Việt Nam
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong quý I/2017, đã có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư đăng ký mới và tăng vốn tại Bình Dương. Trong đó, Đài Loan dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 513,2 triệu USD, chiếm 38% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Những dự án tăng vốn lớn đều rơi vào lĩnh công nghiệp phụ trợ, dệt may, sợi… như Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 485,8 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu USD (tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng).
Hiện nay, Đài Loan là quốc gia có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất tại Bình Dương với 748 dự án, tổng số vốn đăng ký là 5 tỷ 699 triệu USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn tỉnh. Trong số gần 600 DN ngành dệt may hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương, có đến 460 DN FDI chuyên sản xuất sợi, vải dệt…
Tại tỉnh Tây Ninh, là địa phương đã được Bộ Công Thương phê duyệt nằm trong vùng phát triển ngành công nghiệp dệt may của cả nước. Vì vậy, thời gian qua tỉnh đã hình thành hai phân khu dệt may tại các Khu công nghiệp Phước Đông, Thành Thành Công để thu hút một lượng lớn DN FDI trong lĩnh vực dệt may đến đầu tư.
Các phân khu dệt may tại hai khu công nghiệp này hiện nay đã có gần 15 dự án đầu tư với diện tích thuê trên 80%, chủ yếu là DN dệt may, da giày của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Một số địa phương khác ở phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An thời gian qua cũng là điểm đến đầu tư của DN dệt may FDI. Cụ thể, như Tập đoàn sản xuất giày dép Pou Chen Group và Feng Tay của Đài Loan đầu tư mở rộng hàng loạt nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên Dệt công nghệ cao Yu Yuang Việt Nam, 100% vốn của Đài Loan đầu tư nhà máy sản xuất sợi, vải dệt thoi, vải dệt kim, vải đan móc, vải không dệt và hoàn thiện sản phẩm dệt. Hay Công ty Huafa Hồng Kông đang sản xuất sợi và nhuộm bông cung cấp cho ngành công nghiệp dệt may tại tỉnh Long An…
Ông Eric Hu, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Tân thế kỷ Viễn Đông (Far Eastern New Century – FENC) của Đài Loan cho biết, mặc dù xem việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thời gian qua (mới nhất là nhà máy tại tỉnh Bình Dương, có công suất sản xuất 6.000 tấn vải dệt kim/năm 2017) là để đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định tự do thương mại (FTA) như TPP.
Và mặc dù TPP không thành hiện thực, thì những FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, Việt Nam – Úc, New Zealand hay Liên minh kinh tế Á – Âu cũng là những cơ hội lớn để DN sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của mình từ Việt Nam. DN đánh giá, Việt Nam thị trường cung cấp lao động lớn có tay nghề, giá rẻ hơn một số quốc gia khác.
Vì vậy trong thời gian tới, Công ty FENC dự kiến tăng gấp đôi số lượng dây chuyền sản xuất ở các nhà máy may ở Việt Nam và sản lượng vải nhuộm đầu ra, với dự tính tăng trưởng sản lượng hơn 300%/năm.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), phần lớn DN dệt may da giày Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc đầu tư phát triển sản xuất tại Việt Nam ngoài đón đầu cơ hội từ các FTA, họ còn là những DN chuyên gia công hàng cho những thương hiệu lớn hàng đầu thế giới như Công ty FENC là nhà cung ứng nguyên liệu cho một loạt các thương hiệu Nike, Under Armour, Adidas, H&M, Columbia, Fast Retailing…
Hay Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan) chuyên gia công cho thương hiệu Nike, Adidas… nên có hệ thống hàng chục công ty con, sản xuất gia công giày dép, túi xách hàng may mặc tại Việt Nam, với doanh thu xuất khẩu lên đến 1,5 tỷ USD/năm.
Tập đoàn Pou Chen hiện có các công ty trực thuộc như PouYuen (tại TP. Hồ Chí Minh), PouHung, PouLi (tại Tây Ninh), PouChen, PouSung (Đồng Nai), Duy Khang (Long An). Mỗi DN này có quy mô hàng chục ngàn lao động và đang lấn lướt các DN nội địa trong sản xuất giày dép xuất khẩu.
Đầu năm 2017, một công ty con của Pou Chen Group là Công ty PouSung Vina tại Đồng Nai đã tuyển dụng liên tiếp hàng ngàn lao động, làm việc tại các xưởng may ở Đồng Nai để mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu. Quy mô lao động của Công ty PouSung Vina hiện gần 22.000 người cho thấy, nếu TPP không thực thi thì môi trường Việt Nam vẫn là lựa chọn số một của nhiều DN dệt may FDI.