Doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh hay không? – Công ty Luật Quốc tế DSP

Doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh hay không?

Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn sa sút, phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, thậm chí phá sản, giải thể. Vì vậy, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là một trong những phương án mà doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn để có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình phù hợp với điều kiện, tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh hay không? Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cùng bạn đọc làm rõ vấn đề này.

1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì?

1.1. Hợp đồng lao động là gì?

Hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Theo đó, hợp đồng lao động là sự bắt đầu mối quan hệ lao động, kể từ đây, người lao động và người sử dụng lao động có các quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định của mỗi bên trong mối quan hệ này.

1.2. Chấm dứt hợp đồng lao động là gì?

Nếu hợp đồng lao động mở ra mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động là sự kết thúc mối quan hệ này. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, các bên cũng chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật quy định bên có nghĩa vụ phải hoàn thành nghĩa vụ của mình.

1.3. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là việc chấm dứt quan hệ lao động theo ý chí của một bên mà không cần sự đồng ý của bên còn lại theo quy định của pháp luật.

Bởi việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên còn lại nên pháp luật đã có quy định rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể những trường hợp mà người lao động, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc,…

Vậy nên, khi dịch bệnh nguy hiểm xảy ra thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2.1. Thế nào là dịch bệnh nguy hiểm?

Về yếu tố dịch bệnh, hiện nay, pháp luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể như thế nào là dịch bệnh. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 tại khoản 1 và khoản 13 Điều 2, khoản 1 Điều 3 có quy định:

– Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

– Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

– Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:

+ Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

+ Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

+ Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Từ quy định của pháp luật có thể hiểu dịch bệnh nguy hiểm là sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.

Theo đó, trên thế giới, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu.

Ở Việt Nam, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu (theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020 về việc công bố dịch Covid-19).

Ngoài Covid-19 thì ở nước ta cũng đã ghi nhận những loại dịch bệnh nguy hiểm khác như dịch tả, đại dịch cúm, sốt rét, sốt phát ban, sởi, quai bị, bệnh do vi rút Zika,…

2.2. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do dịch bệnh của doanh nghiệp

Như đã trình bày ở phần trên thì dịch bệnh nguy hiểm được xem là một trong những trường hợp doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp lựa chọn phương án này cũng cần phải cân nhắc, đáp ứng đầy đủ điều kiện để áp dụng như sau:

(1) Phải có dịch bệnh xảy ra;

(2) Mức độ của dịch bệnh phải ở cấp nguy hiểm;

(3) Doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

Từ quy định trên có thể thấy, để đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì dịch bệnh thì doanh nghiệp cần phải đảm bảo là đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc. Tuy nhiên, pháp luật lao động hiện nay của nước ta lại không có quy định cụ thể để lý giải như thế nào là doanh nghiệp “đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, do đó việc vận dụng trên thực tế có thể không đồng nhất và gặp nhiều rủi ro. Bởi nếu vận dụng không khéo, không đúng thì doanh nghiệp có thể bị Tòa án xác định là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật khi các bên có tranh chấp phát sinh. Theo đó, người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Ngoài ra, doanh nghiệp khi lựa chọn phương án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng cần chú ý đến những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019. Bởi nếu xuất hiện những trường hợp này thì dù có vì lý do dịch bệnh thì doanh nghiệp cũng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2.3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh

Dù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì dịch bệnh những doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo hoàn thành các nghĩa vụ của mình, cụ thể:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần tuân thủ thời hạn báo trước với người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019:

– Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

– Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động;

– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, đã có quy định bổ sung về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như sau:

Ngành, nghề, công việc đặc thù gồm:

– Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;

– Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

– Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;

– Trường hợp khác do pháp luật quy định.

Khi người lao động làm ngành, nghề, công việc đặc thù này mà người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước như sau:

– Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;

– Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Thứ hai, doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019. 

Theo đó, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp vì dịch bệnh thì có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Như vậy, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia vào mối quan hệ lao động. Tuy nhiên để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là của người lao động – vốn là bên yếu thế hơn vì họ chịu sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp, thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp cần phải đảm bảo có căn cứ, đúng trình tự mà pháp luật quy định. Do đó, để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn những phương án khác như thỏa thuận giảm giờ làm việc, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương hoặc trả lương ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chuyển lao động tạm thời,… thay vì lựa chọn việc chấm dứt hợp đồng lao động ngay từ đầu. Chỉ khi doanh nghiệp đã thử vận dụng các phương án này mà vẫn không thể khắc phục được thì mới đi đến lựa chọn đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động. Điều này có ý nghĩa đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, thể hiện sự chia sẻ, giúp đỡ của các bên trong việc duy trì mối quan hệ lao động tốt đẹp, từ đó tạo nên sức mạnh tổng thể vững chắc để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp và có thể kéo dài trong tương lai.

3. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Lao động năm 2019.

– Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động.

– Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020 về việc công bố dịch Covid-19.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về việc doanh nghiệp có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do dịch bệnh hay không. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: [email protected]

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam 

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!