Doanh nghiệp cấp tập tuyển lao động sau Tết, công nhân kiếm việc lại thưa vắng

Khác với thời điểm cuối năm 2022 khi các doanh nghiệp phải cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng lao động với công nhân do tình hình sản xuất khó khăn, những ngày đầu năm 2023, nhiều công ty tăng cường tuyển dụng nhân công. Tuy nhiên, tình hình người đến xin việc lại khá thưa vắng.


Một doanh nghiệp cần tuyển gấp lao động nhưng người xin việc thưa thớt – Ảnh: X.A

Ghi nhận của PV VietNamNet vào những ngày đầu năm mới tại khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều treo biển thông báo tuyển dụng số lượng lớn công nhân.

Tại khu công nghiệp Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một), nhiều doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực điện tử, may mặc,… đều thông báo tuyển gấp người lao động. Trong đó, Công ty TNHH công nghiệp Hungder dán bảng thông báo tuyển hơn 200 lao động phổ thông, phỏng vấn hôm trước hôm sau đi làm ngay với mức thu nhập từ 7 – 14 triệu/tháng.

Doanh nghiệp này cũng thông báo chế độ làm việc kèm theo như “môi trường làm việc máy lạnh, ngồi làm” để dễ dàng tuyển dụng hơn. Tuy vậy, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến tìm hiểu thông tin để nộp hồ sơ phỏng vấn.

Chị Nguyễn Tuyết Mai (SN 1992, quê Tiền Giang) cho biết, trước đây chị làm cho một công ty ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) nhưng bị thất nghiệp nên đành phải về quê nghỉ Tết sớm. Cách đây 2 ngày chị trở lại Bình Dương để xin việc mới do có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Xin việc vào thời điểm này cũng thuận lợi và nhiều lựa chọn hơn.

Còn tại KCN VSIP 1 (TP Thuận An, Bình Dương), nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng thông báo tuyển dụng từ vài trăm đến vài nghìn lao động phổ thông trong các ngành nghề sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, điện tử, may mặc.

Cũng với tình cảnh tương tự, dù doanh nghiệp trong khu công nghiệp này cấp tập tuyển dụng nhưng người đến xin việc vẫn khá vắng bóng. Trước cổng các công ty có dán thông báo tuyển lao động nhưng cũng rất ít người quan tâm.

Bên cạnh việc dán thông báo tuyển dụng, các doanh nghiệp còn liên kết với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương (thuộc Sở LĐ-TB&XH) để đa dạng hóa hình thức tuyển người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất.


Công ty TNHH giày Kim Xương VN đưa bảng tuyển dụng ra sát lề đường nhưng vắng bóng người xin việc – Ảnh: X.A

Theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, trong quý I năm nay, các doanh nghiệp cần tuyển khoảng 10 nghìn lao động. Trong số này, có khoảng 35% là tuyển mới để mở rộng sản xuất, số còn lại là bù đắp vào lực lượng lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Các ngành nghề cần tuyển dụng chủ yếu là may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, ngũ kim và một số ngành dịch vụ.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động.

Các đơn vị sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm với định kỳ 2 phiên/tháng trên sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nghỉ việc. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn – giới thiệu việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm.

Đây là một trong những tín hiệu tích cực với thị trường lao động ở Bình Dương, cho thấy tình hình sản xuất đã được khôi phục, tăng cường. 

Người lao động bị mất việc làm được hỗ trợ mức cao nhất 3 triệu đồng

Người lao động bị mất việc làm được hỗ trợ mức cao nhất 3 triệu đồng

Hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ được tổ chức công đoàn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản với mức 1 – 3 triệu đồng/người.