Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi bị đóng mã số thuế? | Luật Hùng Thắng

Trong quá trình hoạt động, có thể vì một vài lý do nào đó mà dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị đóng mã số thuế. Vậy khi bị đóng mã số thuế thì doanh nghiệp cần phải lưu ý những vấn đề gì? Căn cứ theo Thông tư 80/2012/TT-BTC Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế; Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành về hóa đơn bán hàng, dịch vụ và Thông tư số 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

1. Đóng mã số thuế là gì?

Đóng mã số thuế là trạng thái mã số thuế của doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế bị khóa, bị đóng buộc công ty bị phải ngừng hoạt động, không thể thực hiện các công việc liên quan đến mã số thuế như: nộp tờ khai, nộp thuế, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh….

2. Các trường hợp doanh nghiệp bị đóng mã số thuế

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 80/2012/TT-BTC Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế Đối với người nộp thuế ngừng khai thuế, nộp thuế nhưng không khai báo với cơ quan thuế

“Quá thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế, sau ba lần gửi Thông báo yêu cầu người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, nếu không có phản hồi từ phía người nộp thuế thì cơ quan thuế liên hệ với chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin, tình hình thực tế về sự tồn tại của người nộp thuế.”

Đối tượng nộp thuế bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế (đóng mã số thuế) khi vi phạm các hành vi sau:

  • Người nộp thuế ngừng khai thuế, nộp thuế mà không thông báo với cơ quan thuế;
  • Quá thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế, cơ quan thuế gửi công văn thông báo mà không có phản hồi từ phía người nộp thuế;
  • Khi cơ quan thuế kiểm tra không thấy người nộp thuế hoạt động tại cơ sở đã đăng ký với cơ quan thuế;
  • Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;
  • Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất).

Như vậy, Các trường hợp đóng mã số thuế trên thực tế thường là do công ty đăng ký hoạt động một nơi nhưng lại hoạt động ở nơi khác; các chủ doanh nghiệp thành lập công ty rồi chưa nắm rõ các quy định về thuế và kế toán dẫn tới không nộp thuế hoặc không kê khai đúng hạn khi đã có thông báo của chi cục thuế hoặc không nhận được thông báo của chi cục thuế dẫn tới làm sai quy định về thuế.

>> Mẫu đơn xin mở lại mã số thuế bị đóng

3. Những điều doanh nghiệp không được làm khi bị đóng mã số thuế

Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC có quy định về hóa đơn bất hợp pháp là:

“Hoá đơn hết giá trị sử dụng là hoá đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hoá đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hoá đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế)”.

Theo quy định trên, khi bị đóng mã số thuế, nếu doanh nghiệp tiếp tục sửa dụng hóa đơn, thì hóa đơn đó là hóa đơn bất hợp pháp. Ngoài ra, khi bị đóng mã số thuế thì doanh nghiệp không được thực hiện các công việc sau:

  • Không nộp được tờ khai thuế;
  • Không nộp được báo cáo sử dụng hóa đơn;
  • Không nộp được các loại thuế theo hình thức nộp qua mạng;
  • Bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

4. Cách khôi phục mã số thuế khi doanh nghiệp bị đóng mã số thuế

Doanh nghiệp chỉ có thể khôi phục được mã số thuế trong trường hợp doanh nghiệp ở tình trạng cơ quan thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục mã số thuế và cam kết thanh toán các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Các bước để khôi phục mã số thuế như sau:

Bước 1: Gửi công văn xin mở mã số thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp

Doanh nghiệp nộp Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế (theo mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC).

Bước 2: Khắc phục các hành vi vi phạm dẫn đến bị đóng mã số thuế.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế của doanh nghiệp, cơ quan thuế lập danh sách các hồ sơ khai thuế còn thiếu, tình hình sử dụng hoá đơn, số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) và thực hiện xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hoá đơn theo quy định.

Đồng thời, cơ quan thuế thực hiện xác minh thực tế tại địa chỉ trụ sở kinh doanh của doanh nghiệp và lập Biên bản xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký theo hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế của doanh nghiệp (doanh nghiệp phải ký xác nhận vào Biên bản). Khi đó, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Khôi phục lai mã số thuế

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn, nộp đủ số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có), cơ quan thuế lập Thông báo khôi phục mã số thuế cho doanh, gửi doanh nghiệp, đồng thời thực hiện cập nhật trạng thái mã số thuế của người nộp thuế trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Trên đây là những điều doanh nghiệp cần phải biết khi bị đóng mã số thuế. Nếu bạn còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc cần tư vấn khi doanh nghiệp bị đóng mã số thuế, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ.

>>Xem thêm: Thủ tục mở lại mã số thuế doanh nghiệp bị đóng