Doanh nghiệp Việt nên thích ứng với kinh doanh quốc tế trong trạng thái bình thường mới ra sao?

Giữa cuộc suy thoái toàn cầu do tác động của COVID-19, Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, phản ánh qua báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, theo đó, Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng GDP 2,8% trong năm nay nếu tình hình toàn cầu dần cải thiện.

Kết quả hoạt động kinh tế như vậy có thể được coi là hết sức nổi trội trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh thay đổi, do đại dịch và hiệp định thương mại tự do mới với Liên minh châu Âu (EU), cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp Việt.

Tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020 mới đây, các chuyên gia từ Đại học RMIT, công ty luật quốc tế Allens và Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã thảo luận về cách doanh nghiệp Việt nên thích ứng với điều kiện bình thường mới như thế nào nhằm gặt hái và duy trì thành công.

Thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng bị gián đoạn

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Đại học RMIT đồng thời là trưởng ban tổ chức diễn đàn, đã nhấn mạnh vào vấn đề cú sốc cung và cầu.

“Tại bất cứ nơi nào trên thế giới bị dịch bệnh chạm ngõ, hàng triệu người bị mất việc làm, dẫn đến giảm năng lực chi tiêu, khiến nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu cũng thấp hơn. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tuy nhiên đặc biệt tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế như Việt Nam”, Tiến sĩ Trung nhận định.

Chuyên gia RMIT cho rằng hoạt động trong tình trạng cầu thiếu một thời gian dài sẽ thay đổi mạnh mẽ cơ cấu thương mại và dịch vụ xuyên biên giới.