Doanh nghiệp Việt lận đận khi đưa hàng vào siêu thị
Ma trận phí siêu thị
Câu chuyện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây có công văn gửi lãnh đạo siêu thị Big C, đề nghị đơn vị này không tăng chiết khấu trong hợp đồng mới của năm 2016 hiện vẫn chưa có hồi kết. Theo VASEP, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) thủy sản chuyên cung cấp hàng cho các siêu thị. Trong đó, các DN hợp tác với Big C đang phải chịu mức chiết khấu cao, trung bình từ 17 đến 20%, thậm chí, có trường hợp lên đến 25%, nếu tiếp tục duy trì chắc chắn DN sẽ lỗ, không có lãi để tái đầu tư. Do đó, VASEP đề nghị phía Big C chia sẻ và hợp tác lâu dài, không tăng thêm chiết khấu trong năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm mức chiết khấu xuống dưới 15%,…
Ngoài chuyện mức chiết khấu cao, các DN chế biến thực phẩm cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng vào siêu thị. Anh Nguyễn Việt Hùng, đại diện một công ty chuyên cung ứng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội cho biết, muốn “đẩy hàng” vào siêu thị, DN phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chí cũng như bảo đảm chất lượng hàng hóa cùng với nhiều khoản phí “bôi trơn” lên tới hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, từng đó dường như chưa đủ, khi một số siêu thị ngoại thể hiện “đẳng cấp” bằng cách áp mức chiết khấu cao hơn siêu thị nội. Chẳng hạn nhóm hàng công ty cung cấp bị áp mức chiết khấu 9% khi vào Metro, còn vào Big C, Aeon Mall và Lotte Mart dao động khoảng 7 đến 8%, trong khi các siêu thị nội như Co.op mart, VinMart chỉ ở mức 5 đến 6%.
“Các siêu thị ngoại không chỉ điều chỉnh mức chiết khấu theo từng năm mà còn áp mức giá cao hơn các hệ thống phân phối khác. Khi thắc mắc, họ thường nại nhiều lý do như đẩy mạnh doanh thu, mở rộng mặt hàng để đạt được lợi nhuận kỳ vọng,… nhằm “cò quay” DN. Tuy nhiên, muốn tồn tại trong siêu thị bắt buộc công ty phải “thắt lưng buộc bụng” để bù đắp cho mức chiết khấu tăng, còn không, chỉ có cách “bật xới” khỏi hệ thống” – anh Hùng khẳng định.
Trước những khó khăn nêu trên, Giám đốc Công ty Ngọc Động (đơn vị chuyên cung cấp mặt hàng nấm ăn và nấm dược liệu) Nguyễn Xuân Mai cho biết, công ty có hai mặt hàng tươi và khô. Đối với mặt hàng tươi, công ty thường bán đứt cho người mua tự bảo quản, đóng gói, còn mặt hàng khô sẽ khó khăn hơn khi đưa vào siêu thị. Ngoài mức chiết khấu hơn 10%, các siêu thị chỉ cho bán dưới hình thức ký gửi, hằng tháng thanh toán một lần. Thế nhưng, việc thanh toán này thường bị chậm gây nhiều khó khăn cho DN. Trên thực tế, DN rất cần vốn nhưng bị “nợ đọng” như vậy sẽ khó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Tiếp đến, DN phải mất rất nhiều chi phí về đóng gói, thay bao bì mới, quà tặng sinh nhật, hỗ trợ bán hàng, chạy khuyến mãi,… cùng với mức chiết khấu quá cao lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Do đó, bài toán cuối cùng phải “cân đong đo đếm” là mở cho được kênh phân phối của riêng mình chứ không thể trông chờ vào siêu thị để họ ép giá mãi như vậy.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu Nguyễn Đại Thắng khẳng định, do lợi thế mặt hàng của công ty là những sản phẩm hữu cơ, nguồn thực phẩm sạch cho nên đưa hàng hóa vào các siêu thị như Lotte Mart, Aeon Mall… không bị lận đận như các DN khác. Tuy nhiên, do thiếu nguồn hàng cùng với các sản phẩm ở siêu thị bán chậm nên công ty đã không đưa sản phẩm vào hệ thống này nữa.
Thực tế tìm hiểu cho thấy, với những DN mạnh, có lợi thế cạnh tranh sản phẩm bằng chất lượng còn đỡ, các DN nhỏ và vừa, với những mặt hàng mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị. Ngoài các quy định chung, DN còn phải “đội chi” hàng loạt các khoản chi phí khác. Tuy nhiên, việc giải bài toán “bị các siêu thị chiếm dụng vốn” đối với DN lại là điều không dễ dàng. Do muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị, nơi có đông đảo người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng sản phẩm khiến không ít DN “tặc lưỡi cho qua” và chấp nhận tình trạng các siêu thị đưa ra những đòi hỏi, tiêu chí rất cao, thời gian thanh toán cụ thể,… nhưng lại cố tình chậm thanh toán tiền cho các DN.
“Bản thân công ty được ưu đãi thanh toán một tháng hai lần nhưng cũng không ăn thua, bởi tiền hàng, tiền vốn bị đọng lại ở những siêu thị này quá nhiều. Chỉ cần chậm vài ngày là DN đã bị mất khoản tiền hàng tỷ đồng để tái đầu tư khiến DN hoạt động rất khó khăn. Do vậy, không còn cách nào khác, DN phải mở được hệ thống phân phối sản phẩm riêng của mình. Lúc đó, mới không bị “ăn chặn” và đẩy mạnh phát triển bền vững được” – Tổng Giám đốc Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Lựa chọn kênh phân phối phù hợp
Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà cung ứng sản phẩm khiến các siêu thị thường đưa ra các “rào cản” kỹ thuật, trong đó bao gồm cả “phần cứng lẫn phần mềm” để lựa chọn đối tác, khách hàng. Từ nhu cầu siêu thị muốn chọn nhà cung ứng tốt còn DN muốn siêu thị lớn, đông khách để đẩy hàng vào đã dẫn đến tình trạng DN bị ép giá, tăng mức chiết khấu, dây dưa công nợ,… ngày một tăng. Nếu như trước kia DN muốn đưa hàng mới vào siêu thị chỉ cần đóng phí tạo mã hàng thì nay còn phải đóng cả phí nhà cung cấp. Theo phản ánh của các DN, việc đóng phí mã hàng mới cũng rất đa dạng, tùy từng siêu thị nhưng thường ở mức 300 nghìn đồng/mã hàng đến 2 triệu đồng/mã hàng, có siêu thị đưa mức phí này lên tới 15 triệu đồng/mã hàng,… Tiếp đến là hàng loạt các dịch vụ cộng thêm như hỗ trợ khai trương, hỗ trợ thẻ thành viên,… hầu như siêu thị nào cũng buộc DN phải tham gia, chi phí cho mỗi đợt này khá cao, có khi lên tới cả trăm triệu đồng, khiến nhiều DN hoạt động không có lãi, bắt buộc phải rút hàng ra khỏi siêu thị.
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ nhà phân phối, đại diện của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, việc quy định về chiết khấu khi đưa hàng vào siêu thị được xem xét theo nhóm hàng và doanh số bán hàng, đồng thời chi phí này được sử dụng cho công tác trưng bày, quảng bá sản phẩm tại điểm bán và các hoạt động tiếp thị bên ngoài nhằm thu hút người tiêu dùng. Việc bán hàng ở các kênh truyền thống như chợ không tốn chi phí trong khi siêu thị phải quảng bá, in ấn ca-ta-lô, ma-két-tinh…, mục đích là hỗ trợ tối đa cho việc bán hàng được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Khi phối hợp thực hiện chương trình khuyến mãi cho khách hàng, Saigon Co.op giảm lãi từ 10% đến 20% cùng với nhà cung cấp để thực hiện khuyến mãi sản phẩm của nhà cung cấp tới khách hàng,…
Bên cạnh đó, vì số lượng quầy, kệ có hạn nên không phải tất cả các mặt hàng trên thị trường đều có mặt trên kệ của hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Đồng thời, Saigon Co.op cũng không thể tùy tiện thay thế những sản phẩm đang ổn định về chất lượng, số lượng và doanh số bằng một nhãn hàng cùng chủng loại vừa được chào hàng. Do đó, để công tác bán hàng hiệu quả cũng như có thể từng bước khẳng định thương hiệu, bên cạnh công tác liên tục cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, các DN trong nước tùy theo quy mô sản xuất, năng lực cung ứng chủng loại hàng hóa lựa chọn kênh phân phối cho phù hợp.
Đánh giá về việc các DN hiện đang phải “cõng” nhiều loại chi phí, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, vấn đề chiết khấu luôn là cuộc đua của các siêu thị. Hiện nay, các nhà bán lẻ còn có điều kiện tung hoành, giấu tỷ lệ chiết khấu, điều này trái ngược so với các quốc gia khác trên thế giới khi các con số này rất rõ ràng và DN có quyền chọn nhà phân phối phù hợp. Do đó, các DN nên xem lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí để có thể cạnh tranh tốt nhất trên thị trường. Ông Phú cũng cho biết, không chỉ siêu thị ngoại mà siêu thị nội cũng yêu cầu các mức phí rất cao, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, cần phải có sự đối xử công bằng, chúng ta phải công khai các bảng giá, kê khai các loại phí vào siêu thị để DN xem xét và đưa hàng như thế nào cho hợp lý. Thậm chí, cần phải có Hiệp hội các nhà cung ứng hàng hóa bán lẻ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các DN, qua đó, hướng tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Chung quan điểm, TS Nguyễn Hữu Cung (Trường đại học Hùng Vương, Phú Thọ) cho biết, việc đòi hỏi chiết khấu cao đã thể hiện sự thiếu bình đẳng trong mối quan hệ giữa một số siêu thị với nhà cung ứng hàng hóa. Đó là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá hàng hóa lên cao, khiến DN khó cạnh tranh. Khi đó, hệ lụy đặt ra là người tiêu dùng bị thiệt thòi trong khi nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa cũng chẳng được hưởng lợi nhuận hợp lý. Chính vì vậy, cần phải có sự đối xử công bằng với những mức giá, phí minh bạch, khách quan để DN nghiên cứu, lựa chọn các siêu thị hợp lý. Ngoài ra, các siêu thị đều đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng cho DN muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng hệ thống triển khai ở phía sau lại không hoàn toàn “mở” như vậy. Thậm chí, không ít siêu thị ngoại tồn tại tình trạng người Việt làm khó lẫn nhau với những khoản phí “bôi trơn” hoặc “lót tay” không đáng có. Còn việc đẩy mức chiết khấu lên cao cũng có thể là những “chiêu trò” nhằm đẩy hàng của DN ra khỏi siêu thị.
Để hỗ trợ các DN, Tập đoàn Vingroup vừa ký hợp tác với gần 250 DN Việt Nam tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Trong đó, các đơn vị thành viên sẽ triển khai các gói giải pháp tổng thể bao gồm: Ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của DN trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Vingroup. Đồng thời, bán hộ không lãi, cam kết trả cho đối tác doanh thu theo đúng mức giá công bố thông thường. Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được VinMart và VinMart+ hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để DN tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm,…