Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đưa hàng hóa vào Nhật Bản | Doanh nghiệp | Vietnam+ (VietnamPlus)
Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trao đổi thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Chiều 15/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu Osaka (Nhật Bản) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản.
Bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka cho biết, hiện tại thị trường Nhật Bản đang có xu hướng tìm nguồn cung cấp thay thế rất nhiều sản phẩm mà trước đến nay họ chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Khu vực mà các nhập khẩu Nhật Bản hướng đến là các nước Đông Nam Á; trong đó trọng tâm là Việt Nam.
Nhóm sản phẩm mà Nhật Bản có nhu cầu khá đa dạng, có thể kể đến một số các sản phẩm Việt Nam đang có rất tiềm năng như thực phẩm chế biến, nông sản, trái cây, các sản phẩm từ bún gạo, thủy sản. Các doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các nguồn cung về các sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng đựng thực phẩm và các sản phẩm bán trong cửa hàng tạp hóa.
Theo bà Quyền Thì Thúy Hà, có khá nhiều sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, tuy nhiên chỉ mới chủ yếu phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Nhật mà chưa mở rộng được đến các kênh phân phối lớn như hệ thống siêu thị để tiếp cận người Nhật bản địa.
Trong khi đó, với hàng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn là khả năng cạnh tranh về giá. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc có bề dày kinh nghiệm về sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ thì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư nhà máy thời gian ngắn, tỷ lệ khấu hao tài sản cao, ít lợi thế về nhân công nên giá thành cao hơn.
[Hàng Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản ngày càng đa dạng về chủng loại]
“Nếu doanh nghiệp xuất khẩu chỉ hướng tới nhóm khách hàng là người Việt tại Nhật Bản thì rất nhanh chóng đạt đến độ bão hòa và khó nâng cao giá trị xuất khẩu. Thêm vào đó, theo tập quán thương mại, các hệ thống phân phối tại Nhật Bản thường không nhập khẩu trực tiếp từ nhà xuất khẩu mà thông qua 2 tầng đại lý và yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập sâu hơn, đưa nhiều sản phẩm Việt vào Nhật Bản, thời gian tới Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các chi nhánh thương vụ sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Việt Nam rộng rãi hơn đến các kênh phân phối dành cho người dân Nhật Bản,” bà Quyền Thị Thúy Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trao đổi thương mại đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm giữa các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sang Nhật Bản vẫn còn khá hạn chế.
Nguyên nhân là do Nhật Bản có những yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cũng như quy chuẩn kỹ thuật mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được. Phần khác xuất phát từ tập quán thương mại, hầu hết nhà nhập khẩu Nhật Bản chỉ ưu tiên nhập sản phẩm và phân phối dưới tên thương hiệu Nhật Bản. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không quảng bá được thương hiệu riêng và giá trị lợi nhuận trên sản phẩm thấp.
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, thế mạnh của hàng thực phẩm Việt Nam hiện nay tại Nhật vẫn là rau quả và thuỷ sản. Để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt khác, doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, xây dựng được thương hiệu mạnh và chủ động tìm kiếm thị trường, kiếm khách hàng phù hợp.
Đại diện một doanh nghiệp rau quả sấy tham gia kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ, qua tìm hiểu các tiêu chuẩn mà đối tác Nhật Bản đặt ra cao hơn so với các thị trường khác. Với hàng thực phẩm chế biến dùng để ăn trực tiếp người Nhật Bản quan tâm nhiều đến nguồn gốc nguyên liệu, chỉ tiêu vi sinh, bao bì đóng gói.
Tuy nhiên, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản thì doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính khác, cơ hội xuất khẩu cũng sẽ rộng mở hơn, vì vậy doanh nghiệp sẽ cố gắng để hoàn thiện sản phẩm trong thời gian tới.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa 2 nước luôn giữ tốc độ tăng trưởng đều đặn qua các năm. Năm 2021, bất chấp đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam-Nhật Bản trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 35,69 tỷ USD tăng 15% so với cùng kỳ 2021; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 17,84 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021./.