Doanh nghiệp Nhà nước – Hiểu thế nào cho đúng?
Ảnh Internet
(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với một số điểm sửa đổi liên quan đến nhóm doanh nghiệp nhà nước sẽ tác động không nhỏ đến đại bộ phận doanh nghiệp thuộc nhóm này.
Sự thay đổi về định nghĩa doanh nghiệp nhà nước qua các thời kỳ
Khoản 22, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005 định nghĩa: Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước “sở hữu” trên 50% vốn điều lệ.
Đến Luật Doanh nghiệp 2014, theo khoản 8, Điều 4, doanh nghiệp nhà nước được định nghĩa là những doanh nghiệp do Nhà nước “nắm giữ” 100% vốn điều lệ. Theo đó, những doanh nghiệp do Nhà nước “nắm giữ” từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, thì sẽ không bị coi là doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, khoản 11, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã định nghĩa lại như sau: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”
Dẫn chiếu đến Điều 88, Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp nhà nước bao gồm hai nhóm công ty sau đây:
– Một là nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
– Hai là nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
“Sở hữu” và “Nắm giữ”?
Luật Doanh nghiệp năm 2020 sử dụng cụm từ “nhà nước nắm giữ” thay thế cho cụm từ “nhà nước sở hữu” nêu tại Luật Doanh nghiệp năm 2005. Sự thay thế này đã dẫn đến hai cách hiểu khác nhau về cụm từ “nhà nước nắm giữ”, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ chưa có hướng dẫn chi tiết nội dung này.
Cách hiểu thứ nhất: “nhà nước nắm giữ” tức là Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây là cách hiểu phổ biến từ trước tới nay khi xác định một doanh nghiệp có hay không có vốn nhà nước. Cách hiểu này dựa trên những quy định về sở hữu tài sản tại Bộ luật Dân sự năm 2015, một số quy định đề cập tới việc nắm giữ như là sở hữu nêu tại Điều 116, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 6, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước năm 2014.
Cách hiểu thứ hai: “nhà nước nắm giữ” tức là Nhà nước có quyền chi phối, kiểm soát trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây là cách hiểu ít phổ biến nhưng lại là cách hiểu rộng, bảo vệ tốt hơn cho nguồn vốn nhà nước, tài sản nhà nước.
Vì vậy, trên thực tế, nếu có rủi ro phát sinh trách nhiệm có liên quan đến tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất có thể sẽ hiểu và diễn giải theo cách hiểu thứ hai dựa trên cơ sở như sau:
Theo khoản 1, Điều 179 về “Khái niệm chiếm hữu”, Bộ luật Dân sự năm 2015, chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
Theo Điều 186 về “Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu”, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Với những quy định này, việc trực tiếp nắm giữ hay không trực tiếp nắm giữ nhưng lại có quyền chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản đều được xác định là đang chiếm hữu tài sản.
Xét dưới góc độ thực tiễn kinh doanh, “người chủ thực sự” có thể không phải là chủ thể trực tiếp đứng tên sở hữu cổ phần, phần vốn góp mà có thể thông qua một chủ thể khác để có quyền kiểm soát được doanh nghiệp. Cho nên, việc “nắm giữ” có thể được hiểu với nghĩa rất rộng là có quyền kiểm soát, chi phối một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chứ không chỉ dừng lại với ý nghĩa sở hữu vốn điều lệ như cách hiểu thứ nhất.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 tuy chỉ thay đổi một vài chữ trong định nghĩa về doanh nghiệp nhà nước nhưng nếu không có quy định hướng dẫn rõ ràng từ Chính phủ, thì chắc chắn điều khoản này sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc khoanh vùng doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước, giới hạn trách nhiệm của những người làm đại diện phần vốn của doanh nghiệp và những người quản lý của công ty.
Trong bối cảnh chưa có giải thích rõ ràng từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cách hiểu quy định mới nêu trên, để hạn chế rủi ro pháp lý phát sinh đối với những doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước, việc quản lý và sử dụng vốn của những doanh nghiệp này cần bám sát các quy định của pháp luật áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, với tài sản nhà nước và đặc biệt lưu ý đến những quy định của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong từng dự án, giao dịch có giá trị lớn.