Doanh nghiệp – Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Liên kết đào tạo và sử dụng lao động

Nếu đào tạo tốt các cá nhân thực tập thì doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nhân viên sau này

Lực lượng lao động giỏi nghề là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động vẫn còn khoảng cách rất lớn. Từ thực tế đó, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là đòi hỏi cấp bách nhằm giúp hai bên tìm được tiếng nói chung. Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Hepza đang từng bước đẩy mạnh công tác làm cầu nối giữa hai bên trong vấn đề này.

 

Sinh viên không còn tự bơi tìm nơi thực tập

 

Trung tâm GTVL Hepza đã tổ chức gặp gỡ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Qua các buổi gặp gỡ, hai bên đã từng bước tiếp cận nhau, tạo những nét mới cho hoạt động đào tạo, cung ứng lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Sau 2 năm triển khai ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, Công ty MTex đã ký kết với trường Trung cấp KTKT Nguyễn Hữu Cảnh; Công ty Juki ký kết với Trường Cao đẳng nghề TPHCM; Công ty Futaba ký kết với Trường Cao đẳng KTKT Phú Lâm. Có thể nói các doanh nghiệp trên là nơi lý tưởng để sinh viên thực tập và là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Trung tâm GTVL Hepza đã tổ chức, làm cầu nối đưa 120 sinh viên ngành cơ khí chuẩn bị tốt nghiệp các trường Trung cấp KTKT Nguyễn Hữu Cảnh; Cao đẳng KTKT Phú Lâm, Cao đẳng nghề TP đến thực tập tại Công ty MTex, Juki. Bên cạnh đó Trường Cao đẳng KTKT Phú Lâm còn cử 2 giảng viên tham gia học tập về công nghệ sản xuất trong lĩnh vực cơ khí và điện tử tại công ty MTex tại KCX Tân Thuận.

 

Cơ hội có việc làm tại doanh nghiệp

 

Việc đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp được các trường ngày càng chú trọng, xem như cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn. Một số trường tranh thủ mọi mối quan hệ với doanh nghiệp, tận dụng các nhu cầu giới thiệu sinh viên tới. Chẳng hạn Khoa Điện tử Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm rất nhanh nhạy, thay vì đưa học viên đi thực tập vào tháng năm, những năm gần đây bắt đầu chuyển hướng thực tập theo mùa doanh nghiệp cần lao động.

 

Ông Nguyễn Mỹ Phi Phụng, Trưởng Khoa Điện tử Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm, giải thích: “Trong quá trình đưa học viên đi thực tập, chúng tôi phát hiện một khuyết điểm: Vào những thời điểm không “vào mùa”, học viên làm việc được chăng hay chớ, có hàng thì làm, không thì ngồi chơi. Chính vì vậy khoa đã liên kết, đưa học viên đi thực tập khi doanh nghiệp cần”.

 

Tuy vậy, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp và nhà trường không phải lúc nào cũng “khớp” với nhau về thời gian và có sự linh động điều chỉnh như vậy, bởi lẽ khi các trường học vào mùa đưa sinh viên thực tập thì doanh nghiệp chưa có nhu cầu hoặc bị áp lực trước doanh thu, số lượng sản phẩm nên không dám nhận sinh viên thực tập vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Một trong những bất cập giữa đào tạo và sử dụng lao động là thiếu thông tin hai chiều giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Kênh thông tin về yêu cầu, nhu cầu lao động và năng lực đào tạo chưa được thiết lập đầy đủ… Từ đó dẫn đến việc đào tạo chưa tương thích với đặc thù doanh nghiệp dù hiện nay lực lượng lao động có tay nghề được xem là rất khan hiếm.

 

Nhiều doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập nhưng không xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng nên không chú trọng hướng dẫn sinh viên thực tập. Thực tế, nếu đào tạo tốt các cá nhân thực tập thì doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nhân viên sau này. Bên cạnh đó, bản thân sinh viên phải chủ động, tranh thủ cơ hội được học tập, thậm chí tham gia cùng giải quyết công việc tại địa điểm thực tập và đó là một trong những cơ hội vàng để thực tập và “ở luôn” tại doanh nghiệp.

 

BẢN TIN HEPZA

 

CÁC TIN BÀI KHÁC: