Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Và Những Điểm Cần Lưu Ý

Năm 2018 được đánh giá là một năm vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Với mong muốn hỗ trợ tốt nhất hành lang pháp lý, thủ tục cũng như cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi muốn chia sẻ với quý bạn đọc một vài thông tin cần lưu ý khi là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau đây.
 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

 


 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một loại hình doanh nghiệp bắt đầu phát triển tại nước ta từ thời kỳ cải cách mở cửa và phát triển cho đến ngày nay. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp được các công ty nước ngoài thành lập để đầu tư phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam hoặc là các doanh nghiệp trong nước được mua lại và sát nhập vào các công ty nước ngoài.

Các yếu tố cơ bản cần thiết để được xem đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

 


 

Thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

– Doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ 51% giá trị vốn điều lệ trở lên của một doanh nghiệp hoặc một tổ chức kinh tế thì được coi là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Một tổ chức nước ngoài nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
– Một tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

– Phải là các tổ chức, công ty (hoạt động từ 1 năm trở lên).
– Cá nhân nước ngoài có nhu cầu đầu tư theo hình thức thành lập công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty TNHH 1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên tại Việt Nam.
– Phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký hoặc phải thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước.
– Cần phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án phù hợp quy hoạch phát triển trên địa phương.
– Báo cáo năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư.
– Đảm bảo các điều kiện về môi trường, an ninh cũng như trật tự xã hội.
– Chỉ được đăng ký các ngành dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập WTO 2016.

Quyền lợi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền thực hiện điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư.
– Được phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm và trụ sở kinh doanh mà không cần phải có dự án đầu tư. Hồ sơ và các loại giấy tờ tương ứng với loại hình tổ chức kinh tế.
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tiến hành góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp thì có thể thực hiện thay đổi thành viên công ty, cổ đông tại các cơ quan nhà nước theo đúng quy định.
– Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bảo trợ theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu tuân thủ đúng những yêu cầu về mặt pháp lý trong công việc làm ăn kinh doanh.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

 


 

Quy trình thực hiện

– Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
– Sau khi Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để theo dõi tình hình xử lý hồ sơ.
– Cơ quan đăng ký đầu tư sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ đăng ký đầu tư, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ và cấp mã số cho dự án đầu tư.

Hồ sơ nhà đầu tư nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư bao gồm

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư.
– Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
– Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính.
– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Thời hạn giải quyết hồ sơ

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
+ Mã số dự án đầu tư.
+ Tên, địa chỉ của nhà đầu tư.
+ Tên dự án đầu tư.
+ Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng.
+ Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.
+ Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
+ Thời hạn hoạt động của dự án.
+ Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.
+ Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
+ Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư

– Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:
+ Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
+ Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
– Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm:
+ Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
+ Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về các vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hy vọng qua bài viết này quý bạn sẽ nắm và biết cách vận dụng chính xác, hợp lý và có hiệu quả cho doanh nghiệp của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục và thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài để quý bạn theo dõi. Chúc các bạn sức khỏe và thành công!