Đoàn Khối Các Cơ Quan Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang

Hoạt động về nguồn của Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang tại tỉnh An Giang

Số lần đọc: 402


Hoạt động về nguồn là hoạt động đoàn thể thiết thực với mục đích ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc; tìm hiểu, khám phá nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền tổ quốc; giao lưu, học tập kinh nghiệm trong công tác chuyên môn cũng như hoạt động đoàn thể; gắn kết tình đồng chí, đồng đội với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Hưởng ứng tinh thần thiêng liêng của hoạt động về nguồn và triển khai Chương trình Công tác đoàn và Phong trào thanh niên của Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kiên Giang năm 2018, ngày 07/4/2018 Chi đoàn Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hoạt động nguồn cho các đoàn viên của Chi đoàn tại tỉnh An Giang. Nhân dịp này, Chi đoàn Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã kết hợp giao lưu với Chi đoàn Sở KH&CN tỉnh An Giang. Đoàn viên Chi đoàn Sở KH&CN Kiên Giang do đồng chí Phạm Văn Phúc, Bí thư Chi đoàn chủ trì với sự góp mặt của đồng chí Trần Trung Trọng, nguyên Phó Bí thư Chi đoàn Sở, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Kiên Giang và gần 20 đoàn viên tham dự.

Sau hơn 01 giờ xuất phát, Đoàn của Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã có mặt tại Hội trường Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh An Giang. Tại đây, Chi đoàn Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã được Chi đoàn Sở KH&CN tỉnh An Giang tiếp đón nồng hậu. Hai Chi đoàn đã có buổi họp trao đổi ngắn một số thông tin về hoạt động của 02 Chi đoàn như số lượng đoàn viên, cơ cấu Ban Chấp hành Chi đoàn; trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động sinh hoạt, hoạt động tạo nguồn thu cho Chi đoàn, hoạt động văn nghệ và tặng quà lưu niệm nhân ngày kỷ niệm giao lưu của 02 Chi đoàn.

Sau buổi họp ngắn, 02 Chi đoàn đã tổ chức cho các đoàn viên đi tham quan Bảo tàng tỉnh An Giang.Tại đây, các bạn đoàn viên thanh niên của cả 02 Chi đoàn đã được trải nghiệm với nhiều nét văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và các di chỉ khảo cổ của tỉnh An Giang. 

Trước tiên, Đoàn tham quan các gian hàng bày bán quà, bánh ngày Tết; gian hàng trưng bày các vật dụng làm các loại bánh dùng trong ngày Tết, các loại bánh truyền thống của người dân An Giang (tại tầng Trệt) như bánh chưng, bánh tét, bánh in, bánh bông lan, bánh khọt, bánh xèo,… như cối xay bột bằng đá, chày cối giã gạo, nồi gang, các loại khay đổ bánh đủ hình dáng,…; các bạn đoàn viên đã rất ngạc nhiên vì những vật dụng được trưng bày, tuy đã cũ nhưng đã giúp cho các bạn hiểu và biết thêm về những hoạt động văn hóa ngày Tết của người dân An Giang, một trong những vùng đất có nền văn hóa ngày Tết tiêu biểu, đặc trưng của người dân Nam Bộ. 

Rời gót khỏi các gian hàng trưng bày các loại quà, bánh, vật dụng làm bánh, Đoàn đã tham quan khu trưng bày các di tích Óc Eo An Giang như di tích bằng đá cổ, vàng cổ khai quật từ di tích Óc Eo Ba Thê, Vọng Thê Thoại Sơn; di tích khai quật trong các ngôi mộ hỏa táng của người theo đạo Bà La Môn; di tích tháp cổ An Lợi; một số di tích cổ Giồng Xoài; phòng trưng bày các tư liệu nghiên cứu khoa học về các di tích Óc Eo An Giang; một số hình ảnh, hiện vật nói về hoạt động sinh sống hàng ngày của người dân An Giang;… Đa số các bạn đoàn viên trẻ chưa có dịp để chiêm ngưỡng những nét đẹp hoang sơ, công dụng của các vật dụng gắn liền với hoạt động sinh hoạt, lao động của người dân xưa thì tại đây các bạn đã được hướng dẫn viên trình bày, giải thích cặn kẽ; qua đó các bạn đã hiểu và thêm yêu hơn cuộc sống đồng quê dân giã của cha ông ta trước đây.

Sau đó, Đoàn đã đến với các gian trưng bày về nét đẹp văn hóa của một số dân tộc chính sinh sống tại An Giang như dân tộc Khmer, đồng bào người Hoa định cư lâu đời tại An Giang, dân tộc Chăm. Tôi có ấn tượng nhất về gian trưng bày về nét đẹp văn hóa của người Chăm, về các dụng cụ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, về các vật dụng dùng trong ngày cưới, đủ màu sắc rực rỡ, đa dạng hoa văn,…

Đặc biệt, cùng thời điểm tham quan của Đoàn, tại Bảo tàng tỉnh An Giang cũng đã tiếp đoàn rất đông của các em học sinh tiểu học đến để tham quan, học tập. Qua trao đổi, thì đây là hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của các em học sinh tiểu học và nhà trường của các em đã tổ chức cho các em tham quan Bảo tàng tỉnh để biết thêm về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhìn khuôn mặt đầy mồ hôi của các em trong ngày nắng nóng, oi bức nhưng em nào cũng nở nụ cười, đôi mắt tròn xoe, mở to vì ngạc nhiên, vẻ mặt hứng khởi khi nghe và thấy những điều mà trước đây các em chưa từng được tiếp xúc. Thiết nghĩ, đây là hoạt động giáo dục rất hay, rất hiệu quả mà tỉnh Kiên Giang cần học tập kinh nghiệm để triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục học sinh tiểu học tại địa phương.

Kết thúc phần tham quan Bảo tàng tỉnh An Giang, Đoàn đã dời chân đến Trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN trực thuộc Sở KH&CN tỉnh An Giang tại huyện Châu Thành. Tại đây, các bạn đoàn viên Chi đoàn Sở KH&CN Kiên Giang đã được anh Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Trung tâm hướng dẫn tham quan cơ sở sản xuất của Trại (các nhà trồng nấm; hệ thống nhà lưới, nhà kín công nghệ cao để sản xuất rau sạch; khu chế biến, đóng gói các sản phẩm của Trại như nấm, trà,…; hệ thống ao, bể phục vụ sản xuất giống thủy sản;…). Trong dịp này anh Cường cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác chuyên môn, một số điểm cần lưu ý trong quá trình hoạt động, dự kiến một số hoạt động sản xuất sắp tới của Trại. Qua đó, Đoàn cũng đã có những gợi ý hợp tác trong công tác chuyên môn trong thời gian tới. 

 

Sau cùng, các bạn đoàn viên Chi đoàn của 02 Sở đã giao lưu với nhau qua một số trò chơi dân gian như: cột chân đổ nước vào chai, đá bóng bằng quả mướp, xì bóng đổ ly. Các bạn đoàn viên đã rất hào hứng và nhiệt tình tham gia thể hiện tinh thần và sự sung sức của tuổi trẻ. Sau đó các bạn đã ngồi lại với nhau dùng bữa cơm thân mật, tuy đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng đội.

Thông qua chuyến đi, Đoàn viên hai Chi đoàn đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhau, là tiền đề quan trọng để giao lưu, học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức đoàn thể cũng như công tác chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hoạt động về nguồn này cũng đã tạo điều kiện để đoàn viên có dịp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của các dân tộc anh em, nét đẹp văn hóa của các tỉnh bạn. Các bạn đoàn viên cũng mong muốn trong thời gian tới, Chi đoàn của Sở sẽ tổ chức nhiều chuyến đi về nguồn có ý nghĩa hơn nữa./.

Ánh Nguyệt