“Đỏ mắt” tìm người giúp việc dọn nhà cuối năm: Người về quê, người “hét giá” khủng
Những ngày cuối năm, những người làm dọn dẹp vệ sinh nhà cửa tất bật với công việc của mình. Trên thị trường, dịch vụ dọn nhà Tết Quý Mão bước vào mùa cao điểm, giá tăng chóng mặt, gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Liên hệ với một trung tâm dọn nhà, chúng tôi nhận được báo giá theo tiếng cho những ngày trước Tết là 70.000 đồng/giờ và từ 26-29 Tết giá cả dọn nhà sẽ tăng lên 100.000 đồng – 150.000 đồng/giờ. Thậm chí nhiều ngày đã kín lịch và nếu muốn thuê phải hẹn trước để sắp xếp người làm. Đặc biệt, khi ngỏ ý muốn đặt lịch dọn nhà vào 29-30 Tết thì trung tâm này đã từ chối vì kín lịch, khách đã đặt trước từ nhiều ngày trước.
Những người làm dọn dẹp vệ sinh nhà cửa tất bật với công việc của mình
Bên cạnh đó, do nhu cầu dọn dẹp nhà cửa dịp cuối năm tăng cao nên một số người lao động cũng tranh thủ nhận làm thời vụ mấy ngày này để kiếm thêm thu nhập. Cô Bùi Ngọc (quê Vĩnh Phúc) cho biết, bình thường cô làm nghề thu mua phế liệu nhưng những ngày cuối năm cô tranh thủ đi lau dọn nhà cửa để kiếm thêm tiền.
“Ai thuê thì tôi nhận dọn thôi, nếu khoán thì tùy diện tích căn hộ còn nếu tính theo tiếng thì trung bình là 100.000 đồng/giờ”, cô Ngọc cho biết.
Theo cô Ngọc từ 23 Tết đến 18 Tết đều đã kín lịch, có nhiều hôm cô phải tăng ca làm thêm cả buổi tối đến 23h khuya mới xong việc. “Dọn nhà chỉ đắt khách dịp cuối năm nên có vất vả, mệt nhọc nhưng cũng cố gắng được. Trung bình tôi kiếm được khoảng 1.000.0000 – 1.300.000 đồng (chưa kể thưởng thêm từ gia chủ)”.
Đã có kinh nghiệm khi làm nghề lau dọn, vệ sinh nhà cửa gần 10 năm qua, cô Hằng (Hưng Yên) chia sẻ, do làm nhiều năm và có nhiều gia đình quen nên công việc lau dọn nhà cửa của cô dịp cuối năm cũng không bận rộn hơn quá nhiều. “Những gia đình thuê tôi lau dọn đều đã quen thuộc. Chỉ thêm chút việc lau dọn cửa, vệ sinh rèm… tỉ mỉ hơn nên gia chủ cũng tự động trả thêm và lì xì Tết. Mỗi ngày tôi lau dọn ở 2 gia đình, thu nhập trung bình 1.000.000 đồng/ngày. Những ngày cuối năm công việc mệt nhọc hơn nhưng thu nhập cũng khá hơn so với ngày bình thường. Cũng có thêm nhiều gia đình ngỏ ý thuê dọn dẹp dịp cuối năm nhưng không đủ thời gian để phục vụ hết nên tôi chỉ nhận thêm 2-3 nhà, còn lại đành từ chối”.
Đau đầu tìm giúp việc Tết, người lao động “hét giá” 1.500.000 đồng/ngày
Không chỉ dịch vụ vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa đắt khách mà việc thuê giúp việc ở lại làm việc dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cũng là bài toán nan giải của nhiều gia đình. Dù trả lương cao kèm theo lì xì, thưởng Tết nhưng nhiều chị em vẫn đau đầu khi chưa tuyển được giúp việc thời vụ ưng ý. Trên các hội nhóm tìm giúp việc, rất nhiều người đã đăng tải thông tin tìm người giúp việc 7-10 ngày Tết với mức lương hậu hĩnh từ 650.000 đồng – 1.000.000 đồng/ngày nhưng vẫn ”ế ẩm”.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ với chúng tôi, chị Quỳnh Chi (Hà Nội) cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước nên năm nay chị đã đăng tuyển giúp việc từ đầu tháng 12 Âm lịch. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12 chị vẫn chưa tìm được người phù hợp. “Mình mới sinh lại có thêm 1 bé lớn 4 tuổi, ông bà già yếu không phụ được việc nhà nên dịp cuối năm muốn tuyển thêm giúp việc ở lại dịp Tết nhưng tìm “đỏ mắt” chưa được ai”.
Theo chị Chi, chị đưa ra yêu cầu không quá cao khi chỉ muốn tìm một người giúp việc có kinh nghiệm dọn dẹp, có sức khỏe và biết sử dụng đồ hiện đại. Bên cạnh đó, công việc chính chỉ là lau chùi, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. ”Mình đưa ra mức lương 300.000 đồng/ngày, từ 25 Tết – mùng 6 Tết là 900.000 đồng/ngày có thưởng thêm nhưng chưa được. Mình không muốn tuyển dụng qua trung tâm vì phí môi giới khá cao. Nhưng tình hình này chắc vẫn phải liên hệ qua trung tâm môi giới”, chị Chi than thở.
Tương tự, chị Minh Trang (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng làm bác sĩ nên những ngày Tết đều phải đi trực ở bệnh viện. Do vậy muốn tìm giúp việc ở lại dịp Tết để lo cơm nước, dọn nhà cửa và trông 2 con từ 26 Tết đến mùng 5 Tết.
“Nhà mình có giúp việc nhưng 24 Tết cô ấy đã xin nghỉ để về quê ăn Tết với gia đình. Sau khi cô giúp việc xin nghỉ là mọi việc trong nhà đều xáo trộn. Vì đặc thù công việc phải chia ca trực nên hai vợ chồng không xoay sở được việc nhà.
Mình đã đã đăng tuyển, nhờ bạn bè tìm giúp một người giúp việc ở lại Tết nhưng khó quá. Những cô đồng ý ở lại đều hét giá khá cao khoảng 1.500.000 đồng/ngày chưa kể lì xì. Đa phần những mọi người chỉ nhận giúp việc ban ngày chứ không đồng ý ở lại dịp Tết nên việc thuê người cũng khá khó. Hai vợ chồng đang tính sẽ phải nói khó với ông bà ngoại lên hỗ trợ vài hôm Tết và sẽ thuê dọn nhà theo giờ để đỡ đần ông bà”, chị Trang chia sẻ.
Sau khi tham khảo giá cả thuê giúp việc Tết khiến không ít gia đình choáng váng, thậm chí hai vợ chồng bàn nhau cố gắng khắc phục, thay nhau làm việc nhà, trông con cái để tiết kiệm chi phí. Không ít gia đình chấp nhận gửi con hai bên nội, ngoại và tự khắc phục khó khăn để giảm chi phí.
Tâm lí chung của nhiều người lao động xa quê, cả năm làm việc vất vả nên những ngày Tết Nguyên đán dù được trả lương cao nhưng họ đều lắc đầu từ chối để về sum họp bên gia đình. Cô Đinh Huệ (Hải Dương) cho biết, ngày bình thường cô vẫn đi dọn dẹp theo giờ cho một số gia đình. Ngày cuối năm nhiều gia chủ cũng ngỏ ý muốn cô ở lại giúp việc xuyên Tết với mức lương cao nhưng cô đều từ chối.
“Năm 2021 dịch bệnh không thể về quê nên cô có ở lại trông nhà cho gia chủ 1 năm. Tuy nhiên, năm nay thì cô quyết định về quê vào 29 Tết. Vất vả cả năm rồi nên dù kiếm được bao nhiêu cũng không bằng bữa cơm quây quần bên gia đình trong ngày đầu năm mới. Ở trên này thấy nhà người ta sum vầy, cũng tủi lắm”, cô Huệ chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Huệ cho biết, nhiều người lao động sinh sống ở ngoại thành Hà Nội vẫn nhận giúp việc dịp Tết tuy nhiên họ từ chối ở lại qua đêm hoặc nếu ở lại giá sẽ khá cao. “Có người tuyên bố nếu lương 1.5 triệu/ngày thì mới nhận giúp vuệc xuyên Tết. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn, nên nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng, cân đối chi tiêu nên đều tự làm, tự trông người nhà đau ốm thay vì phải bỏ ra cả chục triệu thuê giúp việc Tết. Nhiều gia đình vì hoàn cảnh bắt buộc, cực chẳng đã vẫn chấp nhận thuê người với giá cao”.