Đồ cũ cuối năm, cho đi và nhận lại…
Tặng đồ cũ cuối năm – Ảnh minh họa: D.T. – Freecycle Saigon
Nhà mình phần lớn là đồ cũ trẻ em nhiều. Chúng lớn nhanh như thổi nên quần áo mau chật chứ không rách hay sờn gì. Mình giặt giũ sạch sẽ cẩn thận, rồi gấp ngăn nắp vào giỏ, cất vào tủ quần áo, đợi xem nhà ai có con nhỏ thì ngỏ lời cho.
Mình tặng quà đồ cũ, người nhận cũng vui
Người nhận bao giờ cũng vui, vì sau những năm tháng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, đời sống khó khăn hơn nhiều. Những chiếc áo, cái quần, nón len, đôi vớ hay một chiếc áo ấm, dây đai nịt con nhỏ ngồi trên xe máy đều là những vật dụng cần thiết, và rất tốn kém đó đều làm nhiều bậc cha mẹ phải tính toán và giữ thật cẩn thận để xài cho bền. Giá mỗi chiếc gần bằng đồ của người lớn.
Chòm xóm mình có người dặn trước là có đồ cũ của hai nhóc sanh đôi bốn tuổi, hay của cô gái lớn đang học tiểu học, thì cho họ. Vì họ quan sát quanh năm tụi nó luôn sạch sẽ, tươm tất và đồ dùng luôn bền. Họ xin cũng vì một sự mê tín là xin vía của những đứa trẻ khỏe mạnh, lanh lẹ, hoạt bát về cho con mình. Và cũng vì những đồ dùng ấy đã được “trải nghiệm” để không bị gây dị ứng da bởi phẩm màu nhuộm, vừa dáng dấp con họ nhiều hơn, đôi khi cũng hơi rộng một chút…
Mình cũng đi xin đồ cũ, gửi quà cảm ơn, duy trì cái nếp từ thời ông bà
Mình cũng là người quanh năm đi xin đồ cũ cho các con. Mình cũng dặn những anh em trong họ hàng của cả hai bên nội ngoại là có đồ cũ thì để dành cho mình, vì mình cũng quan sát những đứa trẻ ấy cũng phát triển. Có những vật dụng là đồ chơi mà mình được các hãng sữa tặng khuyến mãi, hay món ăn phù hợp như những trái cây trồng xung quanh mình, như mít, cam, ổi nữ hoàng, ổi Đài Loan, măng cụt…, mình mang đến cho lại như một sự trả ơn.
Dù cuộc sống có sung túc, hay chưa từng có cơn đại dịch COVID-19 vừa qua, mình cũng duy trì cái nếp ấy từ cha mẹ mình. Dạy các con biết quý trọng cái mình may mắn hơn người khác. Tập cho các con tính quan sát, giao lưu và giữ những mối thâm tình ấy – đó là những tình cảm dòng họ, chòm xóm. Cũng như việc cho đi là nhận lại đức tính thương người, thương mình trong mọi hoàn cảnh.
Những dịp này, mình cũng tập cho các con biết gửi quà, lì xì đến những người đã phục vụ mình, như các cô chú làm vệ sinh cộng đồng. Mình hiểu rõ điều ông bà lúc còn sống đã dạy: cho con hành vi, lối sống lành mạnh, chia sẻ, yêu thương thì quý hơn để mọi tài sản vật chất nào. Điều ấy cũng giúp các con tránh được mọi rủi ro, cạm bẫy trong cuộc sống. Bởi chúng đã được rèn giũa cách nhìn thật về một con người, một hiện tượng.
Văn hóa từ ‘chiếc nôi’ gia đình: Ai cũng mưu cầu hạnh phúc