Định nghĩa Pháp nhân và Tư cách pháp nhân của doanh nghiệp

Trong quá trình tư vấn thành lập doanh nghiệp, Luật Gia Cát thường xuyên phải giải thích cho khách hàng hiểu tư cách pháp nhân là gì, điều kiện để có tư cách pháp nhân, tại sao doanh nghiệp tư nhân lại không có tư cách pháp nhân,… Nhận thấy đây là một khái niệm phổ biến trong luật nhiều người quan tâm nên chúng tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình trong bài viết này để làm rõ khái niệm pháp nhân và ý nghĩa, vai trò của nó trong các mối quan hệ pháp luật.

Khái niệm pháp nhân

Pháp luật Việt Nam và kể cả trên thế giới cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất định nghĩa về Pháp Nhân. Trong Bộ luật dân sự (BLDS) của Việt Nam (Điều 74) chỉ có quy định về những đặc điểm để 1 tổ chức được công nhận là pháp nhân như sau:

  1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật;
  2. Có cơ quan điều hành (hoặc cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật). Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
  3. Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  4. Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Dưới góc nhìn của phần lớn các luật gia thì có thể hiểu khái niệm về pháp nhân như sau:

Pháp nhân được tạo thành bởi 2 từ Pháp (trong pháp luật) và Nhân (trong nhân cách con người). Pháp nhân là tổ chức được thừa nhận là có nhân cách con người, tức là có đầy đủ đời sống pháp lý và có thể tham gia vào các mối quan hệ pháp luật giống như con người.

Ví dụ về pháp nhân: Trường học, bệnh viện, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,…

Đặc điểm của một Pháp nhân

Dựa trên khái niệm về pháp nhân và quy định trong Bộ luật dân sự về những đặc điểm để 1 tổ chức được công nhận là pháp nhân, chúng ta cùng làm rõ những đặc điểm này như sau:

1. Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật

  • Pháp nhân được thành lập theo mong muốn của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai, bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.
  • Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt. Tên phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
  • Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.
  • Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.
  • Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Trường hợp thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải công bố công khai.

2. Có cơ quan điều hành, cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Pháp nhân phải có điều lệ hoạt động rõ ràng. Điều lệ của pháp nhân do các sáng lập viên xây dựng, nếu pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều lệ do cơ quan nhà nước đã thành lập chuẩn y.

Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể, phân công chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

3. Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với tài sản của mình

Pháp nhân có tài sản độc lập được pháp luật công nhận và bảo vệ. Do đó pháp nhân có toàn quyền sử dụng những tài sản này mà không chịu sự chi phối, kiểm soát của bất kỳ ai. Tài sản này hoàn toàn tách biệt với tài sản của các thành viên.

Chính bởi có sự phân tách rõ ràng này nên tài sản của pháp nhân độc lập và được bảo vệ trước những khoản nợ của các chủ sở hữu. Đồng thời, tài sản các chủ sở hữu cũng độc lập và được bảo vệ trước các khoản nợ của pháp nhân. Đây là đặc điểm rõ ràng nhất để phân biệt giữa pháp nhân với thể nhân (cá nhân).

4. Có quyền nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật để nhân danh (thay mặt, đại diện) pháp nhân tham gia các quan hệ pháp luật. Người đại diện này do các sáng lập viên bầu chọn (chỉ định trong điều lệ), nếu pháp nhân được thành lập bởi cơ quan nhà nước thì do cơ quan nhà nước chỉ định, bổ nhiệm. Trong một số trường hợp như tố tụng tại Tòa án thì người đại diện có thể do Tòa án chỉ định.

Nếu người đại diện theo pháp luật bị bắt giam, bị bỏ tù, bị chết hoặc không còn đủ khả năng đại diện nữa thì pháp nhân đó có quyền bầu ra người đại diện theo pháp luật mới để tiếp tục hoạt động. Điều này thể hiện tính độc lập của pháp nhân rất rõ, pháp nhân không bị phụ thuộc vào bất cứ một cá nhân nào.

Pháp nhân có con dấu riêng do người đại diện quản lý và sử dụng. Con dấu pháp nhân có giá trị xác nhận tính pháp lý của văn bản, tài liệu do pháp nhân ban hành.

Phân loại pháp nhân

Theo luật một số nước trên thế giới: Theo truyền thống, các nước thường phân biệt giữa pháp nhân công pháp và pháp nhân tư pháp để áp dụng luật công và luật tư tương ứng. Việc phân biệt như vậy dẫn đến hàng loạt các hệ quả khác nhau trong việc quy định về thành lập và quản lý pháp nhân.

Pháp luật Việt Nam tuy không thể hiện rõ quan điểm phân loại pháp nhân thành Công pháp và Tư pháp, nhưng những quy định của pháp luật cho thấy rằng các nhà làm luật đã gián tiếp thu nhận cách phân loại phổ biến này.

Pháp nhân thương mại

  1. Là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được phân chia cho các thành viên.
  2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệpcác tổ chức kinh tế khác.
  3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Pháp nhân phi thương mại

  1. Là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.
  2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
  3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tư cách pháp nhân là gì?

Theo như định nghĩa trên, một tổ chức được công nhận là pháp nhân sẽ có tư cách pháp nhân, tức là đáp ứng đủ các điều kiện:

  1. Được thành lập theo quy định của pháp luật;
  2. Có cơ quan điều hành;
  3. Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  4. Có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Như vậy, Tổ chức đó có thể thực hiện chức năng một cách độc lập, hợp pháp, trở thành chủ thể của các quyền được pháp luật công nhận, bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình.

Tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp

Trong 4 loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể thành lập thì chỉ có loại hình doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân do tài sản của pháp nhân không độc lập với tài sản của chủ doanh nghiệp. Còn công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần là những tổ chức có tư cách pháp nhân.

Điểm khác nhau cơ bản giữa một pháp nhân và một tổ chức không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ thương mại là ở quyền và trách nhiệm đối với tài sản. Khi nói đến chế độ trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là nói đến trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, tức là nhà đầu tư chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp luôn phải chịu trách nhiệm vô hạn với các khoản nợ của nó. Chế độ TNHH chỉ để bảo vệ nhà đầu tư chứ không phải bảo vệ doanh nghiệp.

Ví dụ về chế độ trách nhiệm hữu hạn

Nguyễn Văn A đăng ký thành lập công ty TNHH ABC với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng. Công ty ABC vay của ngân hàng 500 triệu đồng để hoạt động kinh doanh nhưng làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ. Nguyễn Văn A quyết định giải thể công ty và bán thanh lý toàn bộ tài sản được 200 triệu. Nguyễn Văn A không được sử dụng số tiền này mà phải trả nợ cho ngân hàng, ngân hàng bị lỗ 300 triệu mà không thể đòi được Nguyễn Văn A vì ngân hàng cho công ty ABC là một pháp nhân vay chứ không phải cho cá nhân Nguyễn Văn A vay.

Lợi ích khi doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

Thứ nhất, tư cách pháp nhân giúp phân định tài sản giữa doanh nghiệp và thành viên doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể bảo vệ tài sản khỏi những khoản nợ của cá nhân các thành viên. Một khi khối tài sản của doanh nghiệp được bảo vệ như vậy, doanh nghiệp mới có thể tự do sử dụng, có tài sản để đảm bảo cho những người cho vay của doanh nghiệp.

Thứ hai, cũng nhờ việc phân tách tài sản của doanh nghiệp với tài sản của các thành viên, nó cho phép các chủ nợ của doanh nghiệp có quyền ưu tiên xiết nợ đối với tất cả các loại tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, tư cách pháp nhân sẽ góp phần phân biệt giữa nợ của doanh nghiệp và nợ của thành viên doanh nghiệp.

Trên thực tế, thường người ta cũng có tâm lý “chuộng” giao dịch với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hơn vì những lợi ích về con dấu, trụ sở, tư cách pháp lý độc lập,… hơn là những doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.

Thứ ba, nhờ có chế độ TNHH mà các nhà đầu tư có thể kiểm soát được rủi ro trong các khoản đầu tư của mình. Nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về phần tài sản cá nhân không liên quan gì đến doanh nghiệp, cũng không cần phải quan tâm đến hành vi và khả năng thanh toán của các thành viên khác trong doanh nghiệp. Có được sự an tâm đó, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn sử dụng những nguồn vốn dư thừa của mình để đầu tư, không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Thứ tư, doanh nghiệp có khả năng phân chia rủi ro khi tách biệt các lĩnh vực kinh doanh chẳng hạn như thành lập các công ty con, đầu tư vào các dự án khác nhau. Khi đó tài sản gắn liền với mỗi pháp nhân có thể được tách biệt và bảo đảm. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp lớn có khả năng thế chấp một phần tài sản làm đảm bảo khi vay nợ dễ dàng hơn, từ đó giúp chủ nợ khoanh vùng khối lượng tài sản cần theo dõi.

Một số câu hỏi thường gặp

Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?

Doanh nghiệp tư nhân (công ty tư nhân) do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Loại hình doanh nghiệp này không có sự tách biệt về tài sản giữa doanh nghiệp với chủ sở hữu nên không được pháp luật công nhận là có tư cách pháp nhân.

Tại sao công ty hợp danh lại có tư cách pháp nhân?

Khi công ty hợp danh đang hoạt động bình thường, có khả năng tự chịu mọi trách nhiệm bằng tài sản của công ty thì nghĩa vụ của công ty hoàn toàn không liên quan đến tài sản của các thành viên hợp danh. Chỉ trong trường hợp tài sản của công ty không đủ để chịu trách nhiệm thì tài sản của các thành viên hợp danh mới được sử dụng đến. Do đó, công ty hợp danh vẫn có tài sản độc lập với thành viên hợp danh của công ty đó. Và đây chính là lý do khiến công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.

Chi nhánh có được coi là một pháp nhân không?

Không. Mặc dù chi nhánh cũng được thành lập hợp pháp, có con dấu riêng, có người đại diện và có tài sản riêng nhưng vì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, nên tài sản và tư cách pháp lý của chi nhánh chưa hoàn toàn độc lập – vẫn bị phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Hợp tác xã có tư cách pháp nhân không?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 định nghĩa về hợp tác xã như sau: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.