Định luật Newton có liên quan gì đến hiệu quả công việc của bạn
Ảnh Internet
(ĐTCK) Nếu bỏ qua những công thức khô khan, những định kiến cứng nhắc về môn vật lý, mà khéo léo liên hệ chúng ta sẽ tìm thấy những điều ẩn chứa thú vị giữa môn học này và cuộc sống. Điển hình ở đây là mối liên hệ giữa 3 định luật của Newton và năng suất lao động hàng ngày của bạn.
Vào năm 1687, Isaac Newton đã xuất bản một cuốn sách đột phá “The Principia: Mathematical Principles of Natural Philosophy” (tạm dịch: Những nguyên lý cơ bản: những nguyên lý cơ bản về triết học tự nhiên) mô tả 3 định luật chuyển động của ông.
Trong đó, Newton đã hình thành một nền tảng về các cơ chế cổ điển cũng như định nghĩa lại cách mà thế giới nhìn vào lĩnh vực vật lý và khoa học.
Tuy nhiên, điều mà đa phần chúng ta không hề biết đó là 3 định luật này của Newton có thể được sử dụng như là một phép loại suy thú vị trong việc tăng năng suất, đơn giản hóa quá trình làm việc và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Định luật 1
“Nếu như không có lực nào tác động (hoặc tổng các lực tác động bằng 0), một vật đứng yên sẽ tiếp tục đứng yên, một vật chuyển động đang chuyển động sẽ chuyển động thẳng đều.”
Nhìn chung, sự trì hoãn là định luật cơ bản của vũ trụ. Đây chính là định luật Newton đầu tiên được áp dụng vào năng suất: Các vật thể đứng yên nếu không có gì tác động thì vẫn sẽ giữ nguyên trạng thái đứng yên.
Cũng giống như một vật đứng yên sẽ mãi đứng yên, nếu trì hoãn, bạn sẽ mãi không hoàn thành được việc gì cả.
Mọi thay đổi bắt đầu với một lực tác động, và lực tác động đấy phải do chính mình tạo ra.
Vậy thì cách tốt nhất để thoát khỏi trạng thái trì hoãn, chây ỳ là gì?
Hãy thử áp dụng quy tắc 2 phút: Để vượt qua sự trì hoãn, hãy tìm một cách nào đó để bắt đầu công việc của bạn trong ít hơn 2 phút.
Chú ý rằng bạn không cần phải hoàn thành công việc. Tuy nhiên, nhờ có định luật Newton này, bạn thường sẽ nhận ra rằng một khi bắt đầu một công việc trong ít hơn 2 phút thì bạn sẽ thấy việc duy trì nó sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Điều này rõ nhất khi bạn định viết một bài báo. Khi thiếu ý tưởng chưa biết viết gì cả mà chúng ta vẫn cứ ngồi im nhìn vào trang giấy trắng thì nó sẽ làm tốn rất nhiều thời gian mà cũng vẫn chưa viết được j cả.
Thay vì vậy, hãy thử viết ra một chữ hoặc một dòng. Tuy không hoàn hảo, nhưng đó là điểm khởi đầu. Chỉ cần có điểm khởi đầu này, mọi thứ sẽ “vào guồng” ngay lập tức.
Mọi việc đều chỉ có thể hoàn thành khi bạn bắt đầu. Do vậy, hãy tìm cách để thực hiện những bước nhỏ đầu tiên và rồi bạn sẽ đạt được những thứ lớn lao hơn.
Định luật 2
“Gia tốc của một vật cùng hướng với hợp lực tác dụng. Độ lớn của gia tốc tỷ lệ thuận với độ lớn của hợp lực và tỷ lệ nghịch với khối lượng của vật”.
Phát biểu này được rút ngắn lại thành công thức: F = ma
Liên hệ trong cuộc sống chúng ta có thể hiểu là:
F là vector. Vector liên quan đến cả độ lớn (bạn bỏ ra bao nhiêu sức để làm việc) và hướng (bạn cần tập trung vào điều gì trong công việc này). Hay nói cách khác, nếu bạn muốn một vật tăng tốc theo một hướng cụ thể thì khi đó, độ lớn của lực mà bạn tác động và hướng của lực đó sẽ tạo ra một sự khác biệt.
Đây chính là câu chuyện của việc hoàn thành mọi thứ trong cuộc sống của bạn.
Nếu bạn muốn công việc của mình trở nên năng suất hơn thì thay vì bạn làm chăm chỉ tất cả mọi thứ, mà hãy tập trung vào đúng những công việc quan trọng mà bạn cần phải làm.
Nguồn lực của mỗi con người là hữu hạn do đó đừng chăm chỉ (lãng phí) vào những việc linh tinh không cần thiết nữa. Xác định rõ phương hướng, mục tiêu của bản thân là gì rồi tập trung sức lực vào đó, bạn sẽ đạt được những kết quả tốt hơn rất nhiều.
Định luật 3
“Khi vật A tác dụng lên vật B một lực thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này cùng nằm trên một đường thẳng, có cùng phương nhưng ngược chiều.”
Mỗi người đều có một tốc độ làm việc riêng. Năng suất và hiệu quả làm việc của một người là điểm cân bằng mà chúng ta luôn phải dung hòa giữa những tác động tích cực và tác động tiêu cực – tương tự như định luật của Newton về động lực và phản lực.
Động lực tích cực ở đây là sự tập trung, tư duy tích cực, niềm vui và sự chăm chỉ…
Động lực tiêu cực là áp lực công việc, thiếu ngủ, suy nghĩ bi quan về mọi thứ…
Thường thì, trong ngắn hạn để đẩy hiệu suất công việc lên cao, chúng ta thường lựa chọn cách tăng cường lực đẩy cho bản thân như: thức khuya dậy sớm, dùng thêm chất kích thích như cà phê, thuốc lá, làm việc tăng ca…
Việc này nhất thời sẽ giúp tiến nhanh. Nhưng về lâu dài sẽ phá hủy sự cân bằng vốn có, khiến sức khỏe bản thân bị sa sút. Đó chính là tác động một lực lớn để bị nhận lại một phản lực cũng lớn không kém.
Hoặc, chọn một cách dễ dàng khác đó là không còn phải gồng mình lên nữa mà hãy triệt tiêu những tác động tiêu cực mà mình đang phải gánh chịu.
Đơn giản hóa cuộc sống; học cách nói “không” với những cám dỗ, thú vui không cần thiết; thay đổi môi trường làm việc; giảm bớt những trách nhiệm mà bạn đang tự “vơ” vào mình.
Cách tối ưu nhất để làm việc hiệu quả hơn không phải là tìm mọi cách thúc đẩy bản thân, mà hãy loại bỏ đi những thứ tác động tiêu cực đến con người bạn. Không còn những thứ kìm hãm, trói bược con người mình nữa, tự nhiên bạn sẽ tìm thấy điểm cân bằng của bản thân. Lúc này bạn được tận hưởng những gì mình làm chứ không còn phải tìm cách để tăng năng suất bản thân nữa.