Định hướng đổi mới đào tạo YHDP và YTCC tại Việt Nam
Đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Y tế Công cộng.
Chủ trì hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Y tế công cộng (ĐH YTCC) là TS. Phạm Văn Tác – Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế và GS.TS. Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐH YTCC.
Tham dự phát biểu tham luận có GS. TS. Lê Quang Cường – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Y khoa quốc gia, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Bùi Thị Thu Hà – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT trường ĐHYTCC, PGS. TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, GS. TS. Nguyễn Công Khẩn – Nguyên Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo cùng đại diện các Cục/Vụ của Bộ y tế, các trường Đại học, bệnh viện, Viện nghiên cứu, Sở Y tế, CDC các tỉnh/thành phố, các chuyên gia trong nước, quốc tế về YHDP và YTCC.
Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu tại 250 điểm kết nối ZOOM trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, sau buổi hội thảo ngày 16/4/2021 về “Đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt và đồng ý tiếp tục cho phép tổ chức các hội thảo chuyên gia để bàn sâu hơn, kỹ hơn những khó khăn, thách thức trong YTCC nói chung để chúng ta có thể sửa chữa trong chương trình đào tạo cũng như chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra trong giai đoạn tới, có thể đáp ứng lâu dài cho công tác nhân lực ngành y tế.
Các đại biểu tham gia hội thảo chia sẻ, trao đổi tích cực các nội dung liên quan đến định hướng đổi mới đào tạo và sử dụng nhân lực YHDP, YTCC tại Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó, đưa ra các đề xuất về chính sách, các giải pháp tăng cường đổi mới đào tạo nhân lực YHDP, YTCC nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế dự phòng, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học đã nghe bài trình bày tham luận của TS. Lê Thị Vui và ThS. Trương Quang Tiến – Trường ĐH YTCC Đề xuất về đổi mới đào tạo và sử dụng nhân lực YTCC tại Việt Nam với các nội dung: Thực trạng đào tạo YTCC tại Việt Nam; Thực trạng sử dụng nhân lực YTCC tại Việt Nam; Rà soát năng lực CN YTCC theo gói dịch vụ YTCC cơ bản tại TYT xã/phường; Đề xuất giải pháp đào tạo, sử dụng nhân lực YTCC tại Việt Nam.
TS. Lê Thị Vui trình bày tham luận trực tuyến.
Về thực trạng tuyển sinh CN YTCC, TS. Lê Thị Vui cho biết, tất cả các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu tuyển sinh gần đây có xu hướng giảm. Số cơ sở đào tạo CN YTCC năm 2021 ít hơn so với cơ sở đăng ký – có thể do tuyển được ít, phải đóng mã ngành (9/13 cơ sở). Điểm đầu vào CN YTCC giảm, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Nhân lực chung về vai trò YTCC còn hạn chế ở các cấp, các ngành và cộng đồng.
Bên cạnh đó, đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực YTDP thấp, chế độ đãi ngộ thấp so với lâm sàng. Điều kiện làm việc khó khăn, không thu hút được người làm trong hệ thống YTCC và do vậy ít người muốn học. Một số lãnh đạo/quản lý chưa nắm bắt được các năng lực cốt lõi của YTCC nên chưa mạnh dạn giao việc/sử dụng nhân lực YTCC trong các hoạt động và chương trình y tế quốc gia.
Đi kèm theo đó là những khó khăn do các đơn vị có xu hướng tuyển một người làm cả lâm sàng và dự phòng nên ưu tiên tuyển người lâm hàng hơn YTCC. Chương trình đào tạo YTCC chưa có sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo, chậm đổi mới so với thực tế, ít gắn liền với thực địa. Tài liệu đào tạo chưa được chuẩn hóa trong toàn quốc, chưa thật sự chú trọng tính đặc thù riêng biệt của YTCC. Đặc biệt, YTCC là một nghề còn non trẻ so với lĩnh vực lâm sàng (y, dược, điều dưỡng). Cần có thời gian để khẳng định vị thế.
Tại Việt Nam, nhân lực YTCC hiện đang làm việc trong cả lĩnh vực dự phòng và điều trị/lâm sàng. Tuy nhiên, nhân lực YTDP còn thiếu số lượng, chất lượng chưa cao, số CB được đào tạo chuyên YTDP còn ít, chủ yếu làm việc tại tuyến TW và tuyến tỉnh/thành phố.
Theo thống kê, trong năm 2011, tổng CB hệ thống YTDP (TW-huyện) là 17.100 người, chiếm 42% so với nhu cầu nhân lực cần có. Số nhân lực YTDP còn thiếu khoảng 23.800 người, trong đó cử nhân YTCC thiếu gần 4.000 người.
TS. Lê Thị Vui đưa ra các khuyến nghị tại buổi hội thảo: Về ngắn hạn, cần bổ sung CN YTCC định hướng về phân loại bệnh tật theo ICD, quản lý thông tin YTCC… để phục vụ cho nhu cầu xã hội. Nếu gói dịch vụ YTCC cơ bản được ban hành, cần xem xét bổ sung năng lực phù hợp cho CN YTCC để cung cấp được tối đa các gói dịch vụ. Đẩy mạnh đào tạo CN YTCC hệ VLVH đối với những người đã được đào tạo trong khối KHSK để làm việc ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã/phường.
Về dài hạn, cần triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: rà soát chức năng, nhiệm vụ của YTCC; xác định cơ cấu nhân lực và phạm vi hoạt động chuyên môn dựa trên đề án vị trí việc làm; Vân động Bộ Y tế, Bộ Nội vụ đưa ra văn bản pháp lý cập nhật về vị trí việc làm và chuẩn năng lực YTCC tại Việt Nam…
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến.
Trong Đề xuất đổi mới đào tạo và sử dụng bác sĩ YHDP tại Việt Nam của PGS.TS. Kim Bảo Giang – Trường ĐH Y Hà Nội cũng nêu những điểm mạnh và hạn chế của hệ thống YHDP hiện tại. Trong đó, điểm mạnh là hệ thống YHDP độc lập nên khi có vấn đề khẩn cấp (dịch bệnh) sẽ dễ huy động nguồn lực và nhân lực chỉ làm YHDP tập trung. Tuy nhiên, hạn chế là khi không có dịch thì ít được chính quyền và người dân quan tâm dẫn đến hạn chế về đầu tư và bị lép vế. Nhân lực có năng lực nửa vời: chưa đủ để KCB, hoặc đào tạo dài chỉ để làm việc hành chính, quản lý.
Nhận định về hệ thống YTDP hiện tại, PGS.TS. Kim Bảo Giang cho biết, những bất cập về đào tạo và sử dụng bác sĩ YHDP là phạm vi hành nghề về YHDP bị bó hẹp. Mặc dù đã có mô tả chức danh nghề nghiệp cho bác sĩ YHDP nhưng chưa có hướng dẫn để thực thi các quy định; cơ hội thu nhập và đãi ngộ đối với bác sĩ YHDP hạn chế; chưa thống nhất giữa các văn bản quy định liên quan đến vị trí việc làm và thiết kế chương trình giáo dục, chưa rõ ràng về định hướng…
PGS.TS. Kim Bảo Giang đề xuất về ngắn hạn cần tiếp tục đào tạo bác sĩ YHDP đại học và sau đại học nhưng cần tăng cường năng lực lâm sàng, mở rộng phạm vi hành nghề và đào tạo. Còn dài hạn, YHDP là một chuyên khoa của BSYK, được đào tạo theo chương trình sau đại học…
Buổi hội thảo còn có sự tham gia tham luận của TS. Richard JAMES (chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới) về “Góc nhìn quốc tế về đào tạo và con đường nghề nghiệp Y tế công cộng”.