Đình Chu – Tra cứu di sản văn hóa đặc sắc
– Theo Giáo sư Hà Văn Tấn viết trong cuốn Đình Việt Nam: Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam. Nơi đây ba chức năng chính được thực hiện: Hành chính, tôn giáo và văn hóa. Về chức năng hành chính, đình là chỗ để họp bàn các “việc làng”, để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là “Thành hoàng” làng. Về chức năng văn hóa, đình là nơi diễn các kịch hát như chèo, hay hát cửa đình – một hình thức đã phát triển trong các thể kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi. Thực ra, các chức năng trên không bao giờ tách bạch, mà đan xen, hòa quyện với nhau. Có thể coi đình là một tòa thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hóa cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hóa làng Việt Nam.(1)
– Chữ Chu (tên gọi cổ tức là Châu): Một địa giới hành chính đương thời, chỉ một mường lớn, vùng đất rộng, tập trung đông dân cư.
Cả Tây Bắc một thời có 16 mường lớn: Mường Sang (Mộc Châu), Mường Muội (Thuận Châu), Mường Than (Than Uyên), v.v…Mường Tấc vốn là mường chính của cả vùng Phù Yên (đứng đầu là Tri châu). Bên cạnh Mường Tấc còn có mường nhỏ lệ thuộc như Mường Pùa, Mường Muống, Mường Thải, Mường Châng, Mường Lang.
Đình Chu là nơi thờ thần, thánh và những nhân vật được thần thánh hóa (bao gồm cả thiên thần và nhân thần) của cả vùng Mường Tấc ngày xưa (hiện nay là huyện Phù Yên). Khác với các ngôi đình ở miền xuôi, đình Chu ít mang tính chất là một ngôi nhà công cộng để nhân dân họp bàn việc làng, việc mường mà chủ yếu là không gian để vị chức sắc người cao tuổi tiến hành bàn bạc các vấn đề quan trọng và là nơi tổ chức các lễ nghi thiêng liêng và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của cư dân cả vùng Mường Tấc ngày xưa. Vì vậy có người còn gọi đình Chu là “Đền Chu”
(1). Hà Văn Tấn-Nguyễn Văn Kự (1998) Đình Việt Nam, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, Trang 15.
2. Địa điểm và đường đi đến di tích.
Di tích lịch sử văn hóa đình Chu thuộc bản Chiềng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
– Đường đi đến di tích thuận lợi bằng các phương tiện giao thông đường bộ: Ô tô, xe máy, đi bộ.
– Từ thành phố Sơn La theo Quốc lộ 6 hướng đi Hà Nội khoảng 40km tới ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, rẽ trái theo Quốc lộ 13A đi qua huyện Bắc Yên – Phù Yên khoảng 80km. Từ thị trấn Phù Yên rẽ phải theo hướng Đông Nam đến Khu đô thị mới 18-10 (cạnh hồ Noong Bua, bản Chiềng). Đi Thêm 500m nữa theo đường dân sinh là đến di tích.
– Từ km 64 thuộc thị trấn Mộc Châu theo Quốc lộ 37 đi Vạn Yên – Gia Phù – thị trấn Phù Yên khoảng 60km.
3. Phân loại di tích.
Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu di tích, theo điều 11 Nghị định 98/2010NĐ-CP, ngày 21/9/2010 cuả Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật di sản văn hóa thì đình Chu, bản Chiềng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thuộc loại hình di tích lịch sử – văn hóa.
4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích
Phù Yên là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La 120km và cách Thủ đô Hà Nội 180km.
Phía Bắc giáp huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; phía Đông giáp huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ; phía Nam giáp huyện Mộc Châu (Sơn La) và huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; phía Tây giáp huyện Bắc Yên (Sơn La).
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 122.731 ha, độ cao trung bình là 230m. Dân số 105.056 người (theo số liệu thống kê năm 2000) là nơi quần cư, sinh sống của 5 dân tộc chính. Trong đó dân tộc Mường chiếm 43%, Thái 28,2%; Hmông 9,3%, Kinh 13,1%; Dao 5,1%; còn 1,3% là các dân tộc khác, như Hoa, Tày, Nùng…
4.1.Khái quát về lịch sử vùng đất và con người Phù Yên.
Phù Yên là vùng đất được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dân tộc. Thời Văn Lang của các Vua Hùng, nước ta chia thành 15 bộ, Phù Yên thuộc bộ Tân Hưng. Đến thời Lý (thế kỷ XI), Phù Yên thuộc Châu Đằng; thời Trần (thế kỷ thứ XIII) thuộc đạo Đà Giang; cuối đời Trần, đạo Đà Giang thuộc trấn Thiên Hưng. Thế kỷ XV, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi đặt tên cho vùng này là châu Phù Hoa (mảnh đất đẹp và trù phú) thuộc phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa (còn gọi là Hưng Hóa thừa tuyên). Đến đầu thời Nguyễn, địa danh Phù Hoa vẫn được giữ nguyên. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), châu Phù Hoa được đổi tên thành châu Phù Yên.
Thời Pháp thuộc, Phù Yên thuộc tiểu khu Vạn Bú. Từ năm 1904 đến 1954 Phù Yên là một châu thuộc tỉnh Sơn La. Lúc bấy giờ, Phù Yên có 4 phìa mường: Phìa Mường Tấc (Mường Quang Huy), phìa Mường Muỗng (Mường Tường Phong), phìa Mường Pùa (Mường Tường Phù, Gia Phù).
Năm 1955, Chính phủ quyết định thành lập Khu tự trị Thái – Mèo, bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh, các huyện đổi thành châu. Châu Phù Yên trực thuộc Khu tự trị. Năm 1962, Khu tự trị Thái – Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc; đồng thời tái lập 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu và thành lập tỉnh mới Nghĩa Lộ. Huyện Phù Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ. Sau năm 1975, Khu tự trị Tây Bắc giải thể, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, và 5 huyện (Than Uyên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ) của tỉnh Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Huyện Phù Yên của tỉnh Nghĩa Lộ sáp nhập về tỉnh Sơn La cho đến nay.
Trong 5 dân tộc chủ yếu của huyện Phù Yên hiện nay thì người Mường có mặt đầu tiên ở đây vào khoảng thế kỷ XV. Họ đã tạo bản, lập mường dọc theo các con suối lớn, nơi có địa hình bằng phẳng để tiện cho việc đi lại, sản xuất và đặt tên cho vùng đất này là Mường Va. Dân gian người Mường có câu “Mường Hoa đất màu, mường mỡ; đất nở, mường nên… và cơm Mường Va, cá suối Tấc”. Hàm ý chỉ một vùng đất trù phú, phì nhiêu, lắm tôm nhiều cá, lúa má tốt tươi là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp… Tiếp đến người Thái đã cùng sinh sống xen kẽ với người Mường, họ đặt tên cho vùng đất này gắn với tên con suối lớn nhất (suối Tấc) là Mường Tấc. Sau này, các dân tộc khác như Kinh, Dao, Tày, Nùng lần lượt di cư đến vùng đất này cùng chung sống đan xen, hòa hợp với các dân tộc bản địa ở đây, tạo thành một cộng đồng đa dân tộc. Tuy khác nhau về nguồn gốc, nhưng ở họ có đặc điểm chung là ý chí tự lập, tự cường, cần cù chất phác trong lao động sản xuất, đoàn kết, anh dũng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước. Trong quá trình sinh sống, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo nên đã một mảng sáng trong bức tranh văn hóa mang đậm bản sắc tộc người ở vùng Tây Bắc. Ngày nay, truyền thống văn hóa đó đã và đang tiếp tục được vun đắp, giữ gìn và phát huy một cách cao độ tạo nên sức mạnh nội lực cho sự phát triển quê hương Phù Yên ngày càng văn minh, giàu mạnh.
4.2. Vài nét về tín ngưỡng dân gian của đồng bào các dân tộc Phù Yên (chủ yếu 3 dân tộc: Mường, Thái, Kinh)
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ lâu đời trong cội nguồn văn hóa dân tộc. Từ buổi bình minh của lịch sử loài người, những cư dân nông nghiệp sống bằng nghề săn bắn hái lượm, cảm thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Thiên nhiên chính là cái nôi nuôi dưỡng con người nhưng đồng thời cũng là lực lượng đe dọa đến sinh mạng và cuộc sống thường nhật của con người. Mỗi sức mạnh, dù là thiên nhiên hay con người tạo ra cũng đều là một vị thần. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ cho rằng có một lực lượng thần bí, siêu nhiên, tồn tại trong thế giới tự nhiên đó là thần linh. Thần linh có mặt ở khắp nơi xung quanh ta trong mỗi dòng sông, ngọn núi, cỏ cây…và quyết định đến tất cả cuộc sống con người. Lòng tin vào các lực lượng siêu nhiên ấy đã hình thành tín ngưỡng của người Việt xưa. Theo chiều dài lịch sử, tín ngưỡng dần trở thành điểm tựa tâm linh giúp người Việt tồn tại, phát triển và giữ gìn bản sắc của mình.
Cũng như các vùng khác ở Sơn La, đồng bào các dân tộc Phù Yên sống tập trung thành từng bản, mường nhỏ, đan xen, hòa nhập lẫn nhau. trên cùng một địa bàn cư trú. Chính sự hòa nhập giữa các dân tộc đã tạo nên mối giao thoa về văn hóa nói chung, phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng nói riêng; cái chung, cái riêng hòa quyện vào nhau thêu dệt nên một bức tranh văn hóa xứ Phù Hoa phong phú, sinh động gồm nhiều màu sắc. Đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp lúa nước, đời sống kinh tế phụ thuộc chặt chẽ với thiên nhiên, dẫn đến trong nhận thức là lối tư duy tổng hợp theo tín ngưỡng tô tem giáo (vạn vật hữu linh). Trong quá trình khai phá dựng bản, lập mường, đồng bào nơi đây chưa có một tôn giáo chính thống nào du nhập mà chủ yếu họ thờ cúng tổ tiên (thờ tại gia) nhằm tỏ lòng tôn kính, biết ơn công dưỡng dục, sinh thành của thế hệ sau đối với thế hệ trước theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong mỗi gia đình đều lập bàn thờ gia tiên ở góc nhà để làm lễ cáo vào dịp lễ tết, sóc vọng hoặc trình bày một vấn đề gì đó và xin gia tiên phù hộ. Bên cạnh đó, đồng bào nơi đây còn có tín ngưỡng đa thần, thờ thần sông, núi, cây (nhiên thần); thần hoàng, vua, quan (nhân thần)…theo quan niệm của họ, mọi vật đều có hồn, vía; có ma (phi) như ma nhà, ma xó, ma rừng… Do đó, hàng năm đồng bào thường tổ chức các lễ hội “xên bản”, “xên mường” để loại trừ tà ma, cầu cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Đối tượng được thờ cúng ở đây là thần thánh, những người có công trong việc khai phá xây bản, lập mường, chiến đấu chống giặc ngoại xâm như: Đức Thánh cả Ba Vì (Thánh Tản Viên) và thờ chủ hồn áo – vật thiêng biểu trưng cho quyền uy của dòng họ Cầm Mường Tấc (Chảu sựa), thờ thần hoàng bản, mường trong các đình, miếu, gò đất, bờ bãi; thờ thủy thần ở cạnh suối, vũng nước sâu; thờ sơn thần ở cửa bìa rừng thiêng; thờ quỷ thần ở gốc cây gạo, cây đa trong bản, mường; thờ nhân thần trong truyền thuyết đánh giặc như Nàng Han ở miếu Nàng Han (Tường Phù), Ông Quận ở miếu Ải Vường (Tân Lang), thờ Chánh lệnh binh Đinh Công Bình – một tướng lĩnh của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích ở đình bản Thải (Mường Thải). Ngoài các tục lễ này, đồng bào nơi đây còn có các nhóm tục thờ cúng trong tang lễ, giải hạn, tục làm hồn vía, cầu nhà và đã hình thành cả một hệ thống lễ nghi hết sức linh thiêng, trang trọng.
Dù không gian và đối tượng thờ cúng khác nhau nhưng trong tiềm thức của người dân nơi đây, mỗi địa điểm như vậy đều mang tính thiêng liêng nhất định. Trong đó, nổi bật nhất là tục thờ Thành hoàng bản, mường, thờ các linh vật, nhân vật được thần thánh hóa trong các ngôi đình của vùng Mường Tấc xưa, như: Đình Chu (bản Chiềng, Quang Huy), đình bản Thải (bản Thải, Mường Thải), đình bản Vi (bản Vi, Gia Phù), đình bản Khoa (bản Khoa, Tường Thượng), đình Ang (bản Vạn, Tường Phong). Trong số các ngôi đình kể trên, đình Chu (bản Chiềng, xã Quang Huy) là nơi thờ chính, đại diện cho cả vùng Mường Tấc. Vị thần được thờ chính ở đây là Đức Thánh Tản Viên, thành hoàng Mường Tấc, thờ Thổ công của đình. Các nghi lễ thờ cúng ở đình Chu diễn ra rất linh thiêng, thu hút đông đảo người dân trong vùng Mường Tấc đến phục vụ và tham gia các có các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa kèm theo (phần hội) diễn ra tại không gian của đình. Lễ hội đình Chu thường được tổ chức hàng năm vào các dịp đầu xuân, ngày tết mừng cơm mới (tháng 8 âm lịch), dịp tổng kết cuối năm (tháng 11 âm lịch) để cầu mong cho bản mường an vui, mùa màng bội thu và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc thần linh đã che chở, bảo vệ và phù hộ cho mình.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nghi lễ thờ cúng và sinh hoạt văn hóa dân gian tại đình Chu cũng như các nơi khác ở Phù Yên dần dần bị mai một, thất truyền trong một thời gian dài.
4.3. Nguồn gốc hình thành, tín ngưỡng thờ cúng và các giai đoạn của đình Chu trong lịch sử huyện Phù Yên.
4.3.1. Nguồn gốc hình thành và thời gian xây dựng đình Chu.
Theo nguồn tư liệu dân tộc học được thu thập qua các cuộc điền dã tại địa phương cho biết, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, người dân Mường Lang thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, đói kém. Vì vậy, họ phải tha hương cầu thực đến nhiều nơi khác. Trong số đó, có một nhóm người theo dòng sông Bứa (thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ ngày nay) tản cư đến vùng trung du Ba Vì (thuộc Hà Tây cũ), Việt Trì (Phú Thọ) để kiếm sống. Khi đến đây, họ thấy vùng này người dân cũng làm nghề nông như mình, nhưng điều kiện làm ăn ở đây thuận lợi hơn, cuộc sống sung túc, giàu có. Tìm hiểu mới biết rằng, họ được các bậc thần linh cư ngụ trong các đình, chùa che chở, ban phát nhiều tài lộc. Đặc biệt, Đức thánh Tản Viên (một trong 4 vị thần bất tử trong tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt(1)) đã che chở, phù hộ và dạy người dân nơi đây biết cách làm ăn. Họ cho rằng, người dân Mường Lang hay bị mất mùa dẫn đến nghèo khó là do ma quỷ quấy phá mà không có Đức thánh bày đặt, bảo vệ. Từ đó, một số người đã quay về kể lại câu chuyện trên cho người dân trong vùng Mường Lang biết. Tin lành đồn xa đến tai các quan lang vùng này, các ngài đã cho người về xuôi tìm hiểu nguồn gốc, học hỏi người Việt cách xây dựng đình, lập bàn thờ, làm ống sớ để cúng tế Đức Thánh và các vị thần linh khác. Xây đình xong, quả nhiên rất linh ứng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trở nên giàu có. Từ đây, các nghi lễ thờ cúng tại đình được tổ chức thường xuyên trở thành lệ hàng năm.
Đầu thế kỷ XX, đình được quan lang người Thái chuyển về đặt tại bản Chiềng Cuôi, nhưng vì Chiềng Cuôi không phải bản trung tâm của châu, mường nên chỉ một thời gian ngắn, đình lại chuyển về dựng tại bản
(1) “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt là Đức thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Chử Đồng Từ”. Trong đó, Tản Viên Sơn Thánh là vị “Thượng đẳng Phúc thần”
Chiềng Quan (tên cũ của bản Chiềng hiện nay, Chiềng Quan tức là bản có quan). Một hôm dân chúng nhìn thấy chiếc áo vắt ở cành cây gạo đầu bản và loan tin cho nhau là thần Chảu Sựa(1) (một vị thần linh thiêng, che chở, bảo vệ cho người dân Mường Tấc) đã về với người dân Mường Tấc. Nhân đó, phìa tạo Mường Tấc đã cho xây dựng lại đình. Ban đầu, đình được làm nhỏ, khá đơn giản, vật liệu chủ yếu bằng tre, gỗ, mái lợp lá cọ. Đến thời Tri châu Cầm Văn Khang (1921-1935) được xây dựng kiên cố, tường xây bằng gạch chỉ, đất nung, khung đình bằng gỗ, mái lợp ngói vảy. Cũng chính từ đây, đình trở thành trung tâm thờ cúng, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chung cho nhân dân cả vùng Mường Tấc.
Theo ông Cầm Văn Định – Tộc trưởng dòng họ Cầm tại bản Chiềng hiện nay và nhiều người dân địa phương sống vào thời kỳ đó cho biết: Trên cửa chính của đình Chu có một bài thơ “không đề” gồm 10 câu thơ viết bằng chữ Thái cổ. Nội dung bài thơ khẳng định đình được xây dựng dưới thời Tri châu Cầm Văn Khang, Nhà nước An Nam bảo hộ của vua Khải Định. Cụ thể là khởi công vào tháng 8 năm Tân Dậu (1921), hoàn thành vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1922). Nội dung bài thơ như sau:
Tủ luông kháu đinh công Đức Thảnh
Ợn lộc chảu nha nược lang xa
Đổng A Nam đức hoang Khải Định
Khăm Khảng póm hạng chu đả ta ènh
Liên pục đảy đinh luông mung ngọi
Pỉ huống hảu bươn pẹt liên đả
Pỉ tảu mệt thang ba ky niên hoan thành
Mứ bưởn đắp chơ chợ vình yên
Đức Thảnh khảu muôn năng đỉn luông
Đổng hang chu pảy mương yên che anh.
(1) Chảu Sựa (chủ hồn áo): Vật biểu trưng cho uy quyền lẫn thần quyền của người Thái Mường Tấc. Ở Phù Yên, thời kỳ phong kiến, người làm Chảu Sựa có quyền hơn cả Tri châu, có thể Chảu Sựa cũng đồng thời là Tri châu. Chế độ phìa tạo phong kiến Mường Tấc xưa dùng hai thế lực chính để cai trị đó là thần quyền và tộc quyền. Thần quyền là hệ thống mo chang; tộc quyền là dòng dõi phìa tạo – chủ yếu là họ Cầm.
Dịch ra tiếng phổ thông:
Cửa lớn vào đình thờ công Đức Thánh(1)
Ơn lộc Chảu Sựa, ơn nhà nước “Bảo hộ”(2)
Dân An Nam(3) đức hoàng Khải Định(4)
Cầm Khang(5) cùng châu mường gây dựng
Mới xây được đình to lợp ngói
Năm “Tân Dậu”(6) tháng 8 khởi công
Năm ” Nhâm tuất”(7) tháng 3 kỷ niệm hoàn thành
Ngày tháng ngày từ giờ bình yên
Đức Thánh vào vui trời đất rộng
Khắp châu mường sống yên lành an vui.
Bài thơ ca ngợi cuộc sống an vui, thịnh trị của bản, mường từ khi đình Chu được xây dựng, nhân dân có Đức thánh cả Ba Vì (Tản Viên sơn thánh) và thần Chảu Sựa che chở, phù hộ và ban phát nhiều tài lộc. Theo ông Định, bài thơ do những người “văn hay, chữ tốt” có chức tước trong vùng Mường Tấc như Tri châu Cầm Văn Khang, Cầm Văn Tiên sáng tác. Hiện bài thơ này còn lưu trong trí nhớ của nhiều người dân mường Tấc xưa.
4.3.2. Tín ngưỡng thờ cúng tại đình Chu.
Nếu như ngôi đình truyền thống của người Việt ngoài chức năng chính là nơi thờ Thành hoàng làng còn là nơi sinh hoạt cộng đồng nông thôn làng xã thì đình Chu ít mang tính chất của một ngôi nhà công cộng
(1) Đức Thánh: Thánh Tản Viên. Một trong 4 vị thánh được suy tôn là Tứ bất tử nổi tiếng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam, đó là Đức Thánh Tản Viên, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đền thờ chính của Đức Thánh Tản là ở Đền Thượng núi Ba Vì, ngoài ra các nơi còn có đền thờ Thánh và các bộ tướng, tập trung nhất là ở các tỉnh Vĩnh Phú (cũ), Hà Tây (cũ), Hà Nam Ninh (cũ). Để tưởng nhớ đức Thánh Tản Viên, ở Đền Và (Ba Vì) cứ 3 năm 1 lần nhân dân mở hội lớn với nhiều lễ thức rước bài vị.
(2) Lang xa: nguyên âm nghĩa của từ Phrangse, ý nói là nhờ nhà nước Bảo hộ (Pháp).
(3) An Nam: Người Pháp gọi nước Việt Nam là An Nam hàm ý chỉ thái độ coi thường.
(4) Khải Định: Vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, trị vì 1916-1925. Khải Định là tên Hiệu, tên húy là Nguyễn Phúc Biểu Đảo, sinh ngày 8/10/1885 mất 6/11/1925, thọ 40 tuổi. Tiếp nối vua Khải Định là vua Bảo Đại (1926- 1945)
(5) Cầm Khang (Khăm Khạng): Tức Tri châu Cầm Văn Khang, người đứng đầu trong bộ máy hành chính châu Mường Tấc ngày xưa.
(6)Pỉ “Huộng Hậu”: theo lịch dân tộc Thái là năm Tân Dậu (1921)
(7)Pỉ “Tẩu Mệt”: Theo lịch dân tộc Thái là năm Nhâm Tuất (1922)
để họp, bàn việc bản, mường mà chủ yếu là nơi thờ tự các vị thần, thánh những nhân vật được thần thánh hóa của vùng Mường Tấc ngày xưa.
Với quan niệm vạn vật hữu linh, người dân Mường Tấc thờ cúng nhiều vị thần, từ thần sông, núi, thần cây (thiên thần) đến các vị anh hùng dân tộc (nhân thần) trong đình Chu. Các vị ấy luôn bảo vệ, che chở cho bản mường được an vui, hoà hợp. Chính vì vậy, trong tâm thức của người dân địa phương không gian đình rất trang trọng và linh thiêng.
Vị thần quan trọng nhất thờ tại đình Chu là Đức thánh cả Ba Vì (Tản Viên sơn thánh). Theo truyền thuyết dân gian, Tản Viên sơn thánh là Sơn Tinh, con rể vua Hùng, người đã có công giúp vua cha chiến thắng thủy thần, đánh đuổi giặc ngoại bang xâm lấn bờ cõi, giữ vững ổn định biên cương của nước Văn Lang. Không những thế, Ngài còn hiển linh ở mọi nơi trên khắp đất nước này, trong đó có vùng Mường Tấc xưa để bày, dạy cho nhân dân biết cách làm ăn, sinh sống. Vì thế, Ngài được nhân dân ta sùng mộ, lập bàn thờ ở nhiều nơi.
Hai là thờ vua Tự Đức(1) và quan quân triều Nguyễn: Chuyện kể rằng, giữa thế kỷ XIX giặc Hán Cờ Vàng ở Phương Bắc xâm lược nước ta, chúng đem quân cướp bóc, quấy phá nhân dân ở vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bãi ngày nay), Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Đi đến đâu, quân giặc gieo rắc tội ác đến đấy, nhân dân ta vô cùng oán ghét. Dưới sự chỉ huy của Cầm Tám(2) quan, quân Mường Tấc đánh mãi mà không thắng, bèn cử người xuống báo với vua Tự Đức của triều đình nhà Nguyễn. Sau khi biết chuyện, nhà vua cho quân lên vùng Mường Tấc mang theo súng thần công, gươm đao, giáo mác đánh úp địch tại đồn Chò(3) nhanh chóng quét sạch bóng quân xâm lược, đem lại đời sống.
(1) Tự Đức (1847-1883) vị hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn (1802-1945)
(2) Cầm Tám, một trong những thủ lĩnh người Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ (Yên Bái) chống giặc Hán cờ Vàng. Giặc Hán cờ vàng âm mưu xâm chiếm nước ta. Ở Mường Lò có 4 anh em là Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Tú và Cầm Hiệp đứng lên chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Cầm Hánh là tổng chỉ huy, cử Cầm Chiêu lên đóng chốt ở Viềng Công (xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn), Cầm Hiệp ra chốt chặn ở Mường Hồng (Hưng Khánh – Trấn Yên), Cầm Tú chỉ huy quân cứu viện cơ động. Sau những trận giao tranh quyết liệt, với số quân đông và vũ khí mạnh hơn, quân giặc bắt được Cầm Hiệp, Cầm Tú và Cầm Chiêu. Chúng tra khảo, dụ dỗ, mua chuộc nhưng cả ba lãnh tụ nghĩa quân không chịu khuất phục. Con trai Cầm Chiêu là Cầm Tám thay cha chỉ huy thành Viềng Công, cùng bác là Cầm Hánh đánh thắng nhiều trận lớn. Quân giặc dùng kế hiểm hạ được thành Viềng Công, Cầm Tám phải mở đường máu rút sang Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La) cùng với quân dân ở đây tiếp tục kháng chiến.
(3) Đồn Chò, bản Chò, xã Huy Hạ.
Nhớ công ơn vua, nhân dân vùng Mường Tấc bảo nhau lập bàn thờ vua tại đình Chu.
Ba là thờ Thổ thần, tức là 4 cột thiêng, 3 cọc mường, đó là những
ngọn núi, con suối trong vùng và bảo vật tượng trưng hết sức thiêng liêng trong tâm thức của người dân Mường Tấc. 4 cột thiêng bao gồm 2 ngọn núi nằm bao quanh mường (núi Hồng, núi Khau Dua), suối Che và đình Chu nằm ở vị trí trung tâm để xác định cương vực lãnh thổ đã có chủ và che chở, bảo vệ cho châu, mường. 3 cọc mường nằm tại bản Mo Nghè, xã Quang Huy; đây là linh vật tượng trưng cho quyền lực của tầng lớp quý tộc, những người có quyền hành trong xã hội phong kiến(1). Cọc được làm bằng gỗ lim, mỗi cột gồm có 3 đốt, chân cột chôn trên cùng một mô đất đắp nổi, xung quanh có rãnh thoát nước; đầu cột chụm vào nhau hình tam giác vững chãi như kiềng 3 chân. Tri châu giao cho các Tạo bản: Bản Búc, bản Puôi, bản Phai Làng, mỗi Tạo chăm sóc một cọc mường.
Bốn là thờ Thủy thần, tức là 4 cửa suối của mường, bao gồm suối Tấc, suối Lềm, suối Lang, suối Cù. Trong đó, suối Tấc là con suối lớn và quan trọng nhất.
Năm là thờ thần hoàng Mường Tấc, đó là những nhân vật đã có công khai phá vùng đất tạo bản, lập mường và đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân nơi đây.
Ngoài ra, đình Chu còn thờ tổ tiên họ Cầm ở Mường Tấc, dòng họ thuộc dòng dõi quý tộc trong bộ máy chính quyền phong kiến đương thời; họ có quyền lực, thuộc tầng lớp trên trong xã hội, đã đứng ra huy động nhân dân trong vùng tổ chức xây đình, thờ thần thánh và cầu an, cầu mùa cho toàn bản, mường.
Cách bài trí bàn thờ trong đình theo nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ nhân vật chính đến phụ, lớp trước đến lớp sau.
Gian chính giữa tòa đại đình là bàn thờ và bài vị Đức Thánh Ba Vì, vua Tự Đức có lọng che. Hai bên bàn thờ có quan văn, quan võ đứng quay mặt vào nhau. Từ bàn thờ chính hướng ra sân đình, cạnh bờ tường phía bên phải đặt bàn thờ 4 cột, 3 cọc mường (Thổ thần), cạnh bờ tường phía bên trái đặt bàn thờ 4 cửa suối (Thủy thần)
(1) Ở vùng Thái, Mường Phù Yên đứng đầu là Tri châu, tiếp theo là Châu úy và Thừa phái. Đứng đầu xã có Phìa (Lý trưởng), dưới có Phó lý và Tuần tổng, Quản tổng; tiếp đến là Xen hay Pằn và kỳ mục hạng nhất. Dưới Tạo còn có kỳ mục hạng ba.
Hậu cung là nơi đặt bài vị thờ Thần Hoàng và tổ tiên dòng họ Cầm “quý tộc” mường Tấc. Ngoài ra, ở sát bờ tường trước sân đình (phía Tây)
đối diện với cửa chính của tòa đại đình còn đặt bàn thờ Thổ công của đình.
Việc thờ cúng tại đình Chu không những để cầu cho bản, mường an vui, nhân khang vật thịnh, đồng thời còn nhằm xác lập thần quyền Chảu Sựa (chủ hồn áo) của mường; xác định vai trò chính của người Thái bên cạnh người Mường và các dân tộc khác trong chế độ phìa tạo phong kiến ở Mường Tấc; khẳng định vị trí trung tâm của mường lớn (Mường Tấc) bên cạnh nhiều mường nhỏ phụ thuộc.
4.3.3. Đình Chu qua các thời kỳ lịch sử.
Theo kết quả điền dã dân tộc học tại địa phương, đầu thế kỷ XX, sau khi chuyển đình Chu từ bản Chiềng Cuôi về bản Chiềng Quan (tên cũ của bản Chiềng hiện nay) Tri châu Cầm Văn Khang cho xây dựng lại đình mới kiên cố, tường bao quanh bằng gạch, đá cuội, vôi, cát trộn mật mía; mái lớp ngói vảy hình đĩa. Tri châu giao cho Ông Tư(1) là người trông coi, quét dọn, cất giữ sổ sách xem ngày, giờ và đánh trống báo giờ nông lịch vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Cũng chính từ đây, việc thờ cúng tại đình Chu được tổ chức một cách chặt chẽ, thu hút chức dịch, quý tộc và đông đảo người dân trong vùng Mường Tấc tham gia; lễ tế thần tại đình được tổ chức 4 lần trong một năm. Mỗi lần tổ chức lễ tế, nhân dân vùng mường Tấc và các mường phụ thuộc có nghĩa vụ đóng góp cả công sức lẫn lễ vật tính bằng tiền, gạo, muối trắng, rượu. Trung bình cứ 3 năm cách nhau thì có một lễ hội được tổ chức lớn.
Sau phong trào “Chiêu dân chống thẻ”(2) năm 1935, thực dân Pháp thực hiện chế độ luân chuyển quan lang từ nơi khác đến vùng Mường Tấc làm Tri châu thay Cầm Văn Khang (3). Từ đó, không có ai trông coi, quét dọn đình Chu, các nghi lễ thờ cúng không được tổ chức thường xuyên và quy củ như trước nữa.
(1) Ông Tư: Một chức vụ được Tri châu cử trông coi, chăm sóc đình Chu. Ông Tư được chia 1 mẫu ruộng của mường. Ông Hoàng Văn Ò bản Chiềng là đời Ông Tư cuối cùng của châu mường.
(2) “Chiêu dân chống thẻ”: Một hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, tập hợp chữ ký, điểm chỉ của nhân dân vào đơn để gửi nhà chức trách đương thời để chống phu phen, bắt lính, thuế má, tạp dịch
(3) Từ năm 1935-1945 lần lượt có các Tri châu sau: Cầm Ngọc Phương (người Văn Chấn), Cầm Văn Chiêu (người Mai Sơn), Bạc Cầm Huy (người Thuận Châu) và Lù Văn Đôi (người Mường La)
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đình Chu bị bỏ hoang, mặt khác người dân có tâm lý định kiến với chế độ cũ nên đình tiếp tục bị đập phá.
Đặc biệt, sau khi giải phóng Phù Yên (10/1952), chính quyền cách mạng lúc bấy giờ chủ trương khôi phục kinh tế, tập trung ổn định đời sống nhân dân; nghiêm cấm các tầng lớp mo chang dưới thời phong kiến hành nghề. Chính từ đây, nghi lễ thờ cúng tại đình Chu bị bỏ ngỏ, mặc cho đình bị thiên nhiên, con người tàn phá. Vì vậy, đến tháng 6/1955 thì mái phía Nam của đình bị đổ, các đồ thờ tự bị trộm cắp, phát tán trong nhân dân. Lúc này, đình được sử dụng vào các mục đích chuyên dụng khác như làm trạm y tế xã, nơi hội họp của nhân dân.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ nhất năm 1965-1966 của đế quốc Mỹ, nhiều công trình văn hóa, giao thông trường học tại Phù Yên bị tàn phá nặng nề. Trong đó, đình Chu cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các trận mưa bom của không quân Mỹ đã làm cho mái đình bị đổ hoàn toàn, chỉ còn lại 4 bức tường trống không xây bằng gạch. Nhiều người dân địa phương cho biết, đình Chu chính thức bị san phẳng vào khoảng thời gian 1968-1970.
5. Sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến di tích
Theo tục lệ, trước khi tổ chức lễ tế thần tại đình Chu, các bản các mường nhỏ phụ thuộc tổng Quang Huy (Mường Tấc) thường tổ chức xên bản (cấp độ bản), xên mường (cấp độ mường) như: Xên bản ở miếu Ải Vường ở bản Bãi Đu (Tân Lang), miếu Phú bản Cù (Huy Tân); xên mường ở đình bản Thải (Mường Thải), đình Ang bản Vạn và đình Hán bản Liếm (Tân Phong).
Tại đình Chu, dưới thời Tri châu Cầm Văn Khang, lễ tế thần thường được tổ chức 4 lần trong một năm vào các dịp: Đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; ngày 3 tết lễ ra tướng; lễ mừng cơm mới vào tháng tám âm lịch; lễ tổng kết cuối năm trước thềm năm mới vào tháng 11 âm lịch. Cứ 3 năm cách nhau thì có một lễ tế được tổ chức lớn.
Ví dụ: Năm 1921, tổ chức lễ Ra Tướng lớn nhất, các lễ còn lại trong năm tổ chức nhỏ và vừa; năm 1922 thì tổ chức lễ Mừng cơm mới lớn nhất; năm 1923 tổ chức lễ tổng kết lớn nhất. Đến năm 1924 (năm thứ 3) thì quay lại tổ chức Lễ Ra tướng lớn nhất.
Quy mô tổ chức các lễ hội tại đình Chu là cả vùng mường Tấc (tức cả vùng Phù Yên ngày nay). Mỗi khi lễ tế thần đều có các thành phần đại diện cho các mường khác tham dự và có nghĩa vụ đóng góp công sức, lễ vật như tiền, rượu, gạo…
5.1.1. Triển khai phần lễ.
+ Chọn trâu mổ, làm mâm lễ thờ
– Một nhóm Bào xi(1) gồm 10 người người do Phìa Mường Pùa lựa chọn, cắt cử vào phục dịch tại đình Chu, phụ trách việc bắn súng hỏa mai và chọn trâu để tế lễ.
– Chuẩn bị mâm lễ do 24 lính nội chính (Linh cuộn đang)(1) chuẩn bị từ chiều hôm trước là mổ 8 gà trống thiến làm lễ chay, hôm sau mới mổ trâu.
+ Chuẩn bị quà biếu và cỗ bày.
– Tùy vào quy mô lễ to hay nhỏ, ban tổ chức sẽ quyết định mổ một hoặc hai trâu; một phần thịt để làm biếu phìa tạo, mo và các chức dịch, phần còn lại để bộ phận làm bếp nấu ăn chung.
– Trâu tế: Sau khi mổ xong; phần đầu, đuôi, chân thờ sống, kết hợp với lấy một phần lòng thịt luộc chín để thờ, phần thịt còn lại chế biến thành các món ăn.
+ Chủ lễ, người phục dịch và chế tác thuốc súng.
– Chủ lễ là người làm thầy Mo của mường.
– Bào xi và lính nội chính là những người chuẩn bị thuốc súng và băn súng hỏa mai; thuốc súng phải phải chuẩn bị sẵn từ trong năm, ít nhất mỗi năm 10 kg.
Ngoài ra, ban tổ chức còn thành lập các nhóm, đội phục dịch khác, như:
+ Đội kèn trống (Phường kèn, trống)
+ Đội rước chiêng
+ Đội rước súng thần công.
+ Đội khiêng kiệu.
(1) Bào Xi: là một nhóm đàn ông (những người đã lập gia đình) gồm 10 người có gia đình. Họ được phìa Mường Pùa chọn cử từ các bản trong mường vào phục dịch tại đình Chu và phụ trách việc bắn súng hỏa mai trong lễ Ra tướng ngày 3/AL. Ngày 30 tết, họ qua rừng thiêng Nàng Han khấn rồi chặt lấy cây cọ cảnh, hoặc cây rừng, gọt hết vỏ xanh để làm doi chỉ bắt trâu tế giữa đồng để mổ làm lễ Ra tướng. Trâu tế được bắt từ ngày 30 tết, thường là trâu 3 năm tuổi. Họ vào trọ làm việc từ ngày 30 tiết tất niên, ngày 3 tết bắn súng hỏa mai xong đến ngày 4 tết mới ra mường Pùa ăn tết. Bào xi vào mường Tấc phục dịch được chia làm 2 tốp: Một tốp trọ nhờ gia đình bà Nguyễn Thị Nương (bản Búc). Một tốp đi lên trọ và phục dịch nhà ông mo mường (mo Quan Hô) bản Mo Nghè trước khi xuống làm lễ tại đình Chu.
(2) Linh cuộn đang (lính nội chính tựa như dân quân ngày nay) chỉ một nhóm người đàn ông đứng tuổi được phìa tạo cắt cử chuyên làm các nhiệm vụ phục dịch của mường. Mỗi khi có công việc của mường, nhóm người này phải có mặt sớm nhất, để trực tiếp can thiệp. Linh cuộng đang được tạo phìa, tạo được chia ruộng.
5.1.2. Phần hội.
Hội đình Chu là một hình thức sinh hoạt văn hoá công đồng của nhân dân Mường Tấc sau những ngày lao động mệt nhọc. Chính vì vậy, trong phần hội không thể thiếu khắp hát mừng vui thắng lợi, ca ngợi bản mường; khắp hát Tiễn dặn người yêu (Sống chụ xôn xao), Chàng Lú nàng Ủa (khun Lu nang Ủa), đối đáp giao duyên (khắp báo xao). Ngoài ra, trong hội đình Chu còn có các trò chơi dân gian đi kèm như: Đánh yến, đánh còn, chơi đu, chơi đi cà kheo, kéo co, leo cột mỡ… đặc biệt nhất là hội bắn súng hỏa mai và bắn súng kíp tự chế vào ngày tất niên (chiều 30 tết) và buổi chiều ngày 3 tết trong lễ Ra tướng. Phần hội diễn ra tấp nập và thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia, tạo nên sự giao lưu văn hoá và gắn kết cộng đồng giữa các dân tộc.
6. Khảo tả di tích
Đình tọa lạc trên một gò đất cao ráo, có địa hình bằng phẳng, không gian thoáng mát bên cạnh hồ Noong Bua (ao sen) ở trung tâm xã Quang Huy.
Theo kết quả điền dã dân tộc học tại địa phương, đình được xây dựng hình chữ Công (chữ T lộn ngược) theo lối kiến trúc của các ngôi đình miền xuôi(1), dựa theo nguyên tắc phong thủy “sơn chầu, thủy tụ”. Mặt đình ngoảnh về hướng Tây(2), trước mặt là con mương Đình và cánh đồng Mường Tấc rộng lớn làm yếu tố “minh đường”, phía sau gối lưng vào ngọn núi Hồng tạo nên thế vững chãi. Kiến trúc đình theo kiểu vì kèo, nền lát gạch với những hàng cột lim to khỏe, có đường kính 80-90cm. Bờ tường cao từ 3,5-4m, dày 40-50cm, xây bằng gạch chỉ và đất nung, mái lợp ngói vảy hình đĩa. Không gian chính của đình được chia làm 4 phần: Tòa đại đình, hậu cung, sân đình và khuôn viên xung quanh.
Tòa đại đình (tòa chính) có diện tích khoảng 200m2 gồm có 3 gian,
(1) Theo ông Hà Văn Hợp (sinh năm 1925, bản Chiềng) đình Chu do thợ người Kinh (sỡ Kẹo) ở miền xuôi lên xây dựng. Đình có diện tích 350 m2, bờ rào xung quanh bằng các cây bụi. Đình lợp ngói đĩa (ngói vảy) do người Kinh mang từ miền xuôi lên; gạch thì lấy từ Nà Lò; gỗ dựng đình lấy từ Bò Đại gần đỉnh đèo Ban (bản Ban, xã Huy Thượng hiện nay). Hiện nay còn một cây cột do người dân đào ao vớt lên, lớp vỏ bên ngoài cột đã bị bổ làm củi, còn lại lõi cột được bổ đôi để làm dầm cầu bắc qua con suối sau đình.
(2) Theo tác giả Hải Ninh “không gian di tích”, Tạp chí di sản văn hóa số 4 (2003) tr 84: Hướng Tây là hướng âm, thần ngồi nhìn về hướng Tây là hợp với quy luật âm-dương đối đãi. Lưng (âm) hướng về Đông (âm), tay trái (âm) đặt hướng Nam (dương), tay phải đặt hướng Bắc (âm), mặt ngoảnh về hướng Tây, đó là điều kiện để thần yên vị, lúc nào cũng có mặt để bảo hộ cho con người.
2 mái đầu hồi bít đốc, 4 góc mái có đầu đao uốn cong mềm mại. Hai đầu nóc được đắp hai con chó (mạ ngau) trong tư thế ngồi ngoảnh mặt ra bên ngoài để canh giữ cho ngôi đình. Trên bờ nóc của gian giữa có đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Tòa đại đình chỉ có một cửa ra vào ở gian giữa, rộng khoảng 9-10m, cửa gồm có 6 cánh màu bã trầu (mỗi bên 3 cánh) làm bằng gỗ cây Chò chỉ. Ở cuối gian giữa (nơi tiếp giáp với hậu cung) là nơi đặt bàn thờ và bài vị Đức Thánh Ba Vì, vua Tự Đức có lọng che. Hai bên bàn thờ có quan văn, quan võ đứng đối diện nhau, tiếp đến là hai hàng gươm đao được sơn son, thiếp vàng gọi là bát bửu và chấp kích. Phía trước ban thờ kê một sập gỗ có chiều dài khoảng 2,9 -3,2m, cao 40 – 50cm là nơi để các vị chức sắc và các cụ cao niên ngồi họp bàn trước khi tổ chức tế thần và lễ hội. Hai gian còn lại của tòa đại đình là nơi đặt bàn thờ 4 cột, 3 cọc mường (Thổ thần) ở bên phải và bàn thờ 4 cửa suối (Thủy thần) ở bên trái.
Nối liền với tòa Đại đình là hậu cung. Hậu cung chỉ có một gian, được xây theo hình chữ nhật có diện tích khoảng 50-60m2, trên bờ nóc có đắp nổi một con chim phượng hoàng – con vật linh thiêng trong trang trí kiến trúc truyền thống của người Việt, biểu hiện về ước vọng muôn thủa của con người về cuộc sống sum vầy, no đủ. Hậu cung có 2 cửa nách ở hai bên (nơi tiếp giáp với tòa đại đình), mỗi bên có một cánh cửa bằng gỗ. Hậu cung là nơi đặt bài vị thờ Thần hoàng và tổ tiên dòng họ Cầm “quý tộc” mường Tấc.
Nhìn gần, ngôi đình tương đối thấp với mái ngói hơi nặng, nhưng nhìn xa, trông rất bề thế, nghiêm trang thanh thoát thể hiện quyền uy của vị thần linh được thờ trong ngôi đình và hiện thân của ước vọng mọi nguồn hạnh phúc.
Trước tòa Đại đình là sân đình lát gạch, có diện tích khoảng 200m2, tường rào bao quanh cao 1,5m xây bằng gạch ôm lấy toàn bộ mặt trước của đình, có 3 cổng ra vào nằm ở 3 hướng Tây, Bắc và Nam.
Trong khuôn viên bao quanh đình có 3 cây đa cổ thụ, nhân dân địa phương thường gọi là đa bố ở phía Đông Bắc, đa mẹ phía Đông Nam và đa con ở phía Tây. Hiện nay chỉ còn lại cây đa bố ở phía Đông Bắc.
Phía Bắc cách đình khoảng 500m là hồ Noong Bua (nghĩa là ao sen) có diện tích khoảng 3.500 – 4.000m2. Theo thuyết phong thuỷ, khi xây dựng đình người xưa đã cho đào hồ nước bên cạnh để “trấn trạch” với quan niệm hồ có nước luôn luôn vùng đất được mát mẻ, làm điều gì cũng được thuận lợi. Ao sen cũng là nơi người dân Mường Tấc xưa thường lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên và con người, đình Chu chỉ còn là một phế tích. Phần lớn diện tích của ngôi đình ngày trước hiện nay là nơi ở của 9 hộ gia đình trong bản Chiềng. Phần còn lại chỉ là một mô đất bỏ trống rộng khoảng 100m2 nằm ở vị trí trung tâm. Theo người dân địa phương thì mô đất này chính là một phần của tòa đại đình ngày trước. Trên đó đã từng có một hộ gia đình làm nhà và ở đây một thời gian. Nhưng vì một lí do nào đó về mặt tâm linh đã làm ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống buộc họ phải sớm di chuyển sang ở chỗ khác.
7. Sự phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích.
Theo người dân địa phương kể lại, trong đình Chu có một số nhạc khí gồm: 01 trống cái, tiếng Thái gọi là “cồng”, có đường kính lớn 1,2m; cao 1,5m. Trống được sử dụng trong các dịp tổ chức lễ hội và phát tín hiệu báo nông lịch vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Ông Tư là người được cử trông coi quét dọn đình, giữ sổ coi ngày xem giờ và đánh trống. Ngoài ra còn có 2 chiêng đồng, 09 khẩu súng hỏa mai (03 chiếc to gọi là tu(1), 06 chiếc nhỏ gọi là lênh(2)); 01 Chuông đồng có chiều cao khoảng 1m, đường kính khoảng 40 cm, 01 trống đồng cao khoảng 50cm, đường kính 40cm. Chiêng, trống đồng, súng hỏa mai để trong hang Phai Làng (xã Huy Bắc), tri châu giao cho các tạo bản và người dân địa phương bảo vệ. Ngoài các loại nhạc khí, vũ khí trên, ở đình Chu còn có các loại sách mo, trang phục thầy mo, đôi hạc bằng đồng, 02 bát hương và nhiều vật dụng bằng đồng, bằng gỗ sơn son thiếp vàng khác.
Từ khi các lẽ hội của đình Chu không được tổ chức, đình bị bỏ hoang, không có ai trông coi, bảo vệ, các hiện vật quý trong đình bị mất cắp dần, số còn lại bị người dân đập phá và đem sử dụng váo các mục đích khác. Hiện nay chỉ còn lại 01 khẩu súng hỏa mai còn cất giữ tại Trung tâm văn hóa huyện Phù Yên; súng có chiều dài 2,5m (nòng súng
(1) Tu: Loại súng hỏa mai bằng gang, dài khoảng 1,2 m, thân súng hình ống thon về phía đầu súng, có lỗ để kích nổ, đường kính giữa súng khoảng 15-20 cm. Mỗi khi bắn phải nhồi thuốc súng.
(2) Lênh: cũng giống như Tu nhưng nhỏ hơn, dài khoảng 40 cm, đường kính 10-15cm. Tất cả nhạc khí, vũ khí trên đều được cất giữ trong hang bản Phai Làng. Mỗi khi tổ chức lễ hội mới được rước ra. Do một gia đình được phân công cất giữ, cùng một nhóm người thực hiện
2m; báng súng 0,5m); nặng 50kg; 01 bát hương đang lưu giữ tại gia đình
ông Lò Xuân Dừa, khối 16, thị trấn Phù Yên; bát hương có chiều cao 7-8cm, đường kính miệng 15,5cm, thành dày 4-5cm.
8. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ của di tích
Tín ngưỡng thờ cúng thần linh và các lễ hội dân gian tại đình Chu là một nét đẹp văn hoá trong phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc huyện Phù Yên; biểu hiện sinh động trong sự giao thoa văn hoá giữa các dân tộc của nền văn hoá dân gian Việt Nam. Lễ hội đình Chu có sức hấp dẫn lớn, lôi cuốn các tầng lớp trong xã hội tham gia và đã từng trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Mường Tấc xưa.
Việc nghiên cứu phục dựng lại đình và các lễ hội liên quan góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và tham quan du lịch của địa phương. Qua đó, tạo nên chất kết dính gắn kết cộng đồng nhằm tìm lại sự cân bằng trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên.
Bên cạnh những giá trị về mặt văn hoá, tín ngưỡng dân gian thì đình Chu còn có giá trị về mặt lịch sử: Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị đã chỉ rõ nhiệm vụ cứu nước, trước mắt là phát triển cao trào kháng Nhật cứu nước, phát triển mạnh đội quân du kích khắp nơi, từ Trung ương đến các địa phương. Tháng 5/1945, Hội Thanh niên yêu nước Phù Yên, tiếng Thái gọi là“Mú nóm hặc mương” được thành lập, tổ chức cắt máu ăn thề tại đình Chu do đồng chí Cầm Phụ chủ trì, đồng chí Sòi Ngọc Sinh được cử làm tổ trưởng, lúc đầu chỉ có 7 người, về sau Hội phát triển từ Quang Huy ra các xã Tường Phù, Gia Phù, Tường Phong lên đến 57 người. Hội “Mú nóm hặc mương” đã tham gia vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến, phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chống càn và đánh du kích nhằm cướp vũ khí và tiêu hao sinh lực địch.
9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Giai đoạn 1935-1945: Các nghi lễ thờ cúng tại đình Chu không còn được tổ chức như trước, đình không có ai trông coi, bảo vệ và dần chìm sâu vào quên lãng trong tâm thức của người dân địa phương.
Giai đoạn từ 1945-1970: Dưới tác động tiêu cực của thiên nhiên và con người, đình chu bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt do ảnh hưởng của các trận mưa bom của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ nhất 1965, các hạng mục của đình Chu đổ nát và dẫn đến bị san phẳng.
Hiện nay, đình Chu chỉ còn lại một mô đất trống rộng khoảng 100m2, đây là dấu tích một phần nền, móng của toà đại đình trước đây. Trong khuôn viên của đình có 9 hộ gia đình bản Chiềng đang sinh sống. Trong 03 cây đa nằm ở 3 hướng Đông Bắc, Đông Nam, chính Tây, hiện nay chỉ còn lại 01 cây (đa bố) ở phía Đông Bắc, 02 cây còn lại bị bão quật đổ và bị sét đánh chết.
Ao Noong Bua có diện tích khoảng 5000m2 nằm ở phía Bắc đình Chu. UBND huyện Phù Yên, xã Quang Huy đã cho làm kè, xây bờ bao và trồng cây xung quanh, tạo nên môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp trong khuôn viên vui chơi giải trí của Khu đô thị mới 18/10.
10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Đình Chu là nơi diễn ra các nghi lễ thờ cúng và nhiều hoạt động văn hoá tâm linh của cộng đồng dân cư Mường Tấc xưa. Trải qua thời gian dưới tác động của môi trường tự nhiên, xã hội đến nay đình chỉ còn là một phế tích.
Trong bối cảnh đất nước hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, việc khôi phục Đình Chu và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng liên quan là điều hết sức thiết.
– Trước hết, di tích cần được nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng. Tiếp sau đó hướng đến việc khôi phục đình và các lễ hội truyền thống liên quan để cho nhân dân có nơi gửi gắm tâm linh, hướng con người vào làm việc thiện, hạn chế được các tệ nạn xã hội.
– Thực hiện kế hoạch 64/KH-UBND, ngày 01/9/2008 của UBND tỉnh Sơn La về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020. Trước mắt, UBND huyện Phù Yên, Phòng Văn hoá và Thông tin chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền xã Quang Huy cần bảo vệ nguyên trạng các yếu tố cấu thành di tích gốc, hạn chế thấp nhất việc lấn chiếm đất di tích, phá hoại di tích.
– Sau khi được công nhận xếp hạng, UBND huyện chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác đền bù, giải toả và kêu gọi xã hội hoá nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo và khôi phục đình Chu; tổ chức các cuộc hội thảo, sưu tầm tư liệu, hiện vật; nghiên cứu việc quản lý, cách thức tổ chức nghi lễ thờ cúng và sinh hoạt văn hoá liên quan sau khi đình được phục dựng.
11. Kết luận
Là di tích có giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc vùng Mường Tấc xưa (nay là huyện Phù Yên). Do vậy chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm nghiên cứu lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng tạo cơ sở pháp lý cho công tác tôn tạo, phục dựng đình về sau. Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tín ngưỡng lành mạnh ngày càng cao của đông đảo nhân dân.
12. Tài liệu tham khảo
– Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phù Yên (2001), Lịch sử Đảng Bộ huyện Phù Yên, tập 1 (1945-2000) Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội.
– Hà Văn Tấn-Nguyễn Văn Kự (1998) Đình Việt Nam, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
– Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Hà Nội.
– Hoàng Phê (2010) Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
– Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
– Lò Vũ Vân (2010), Văn hóa dân gian người Thái vùng Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La, Nxb ĐHQG Hà Nội.
– Trương Thìn (2010), Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đền, chùa, miếu, phủ, Nxb Thời Đại.
– Lò Xuân Dừa “Tục thờ và những nơi thờ trong tín ngưỡng dân gian của người Thái trắng ở Phù Yên, Sơn La”, Tạp chí VHDG số 4/2010.
– Lò Xuân Dừa (2012), Đình Chu với các lễ hội dân gian. Tài liệu do tác giả nghiên cứu, sưu tầm từ năm 2006-2012, đã thông qua tại hội thảo “Đình Chu với các lễ hội dân gian” ngày 30/7/2012 do UBND huyện Phù Yên chủ trì. Tài liệu chưa xuất bản.
– Kết quả nghiên cứu, khảo sát, điền dã dân tộc học tại địa phương của Bảo tàng Sơn La.