Điều trị căng cơ bắp chân – TOP 7 phương pháp giảm đau hiệu quả
Đi bộ, leo núi, đạp xe, tập gym… khiến bạn bị căng cơ bắp chân. Thay vì mặc kệ cơn đau nhức làm bạn không thể vận động, đi lại, hãy thử ngay với 7 phương pháp điều trị căng cơ bắp chân dưới đây. Chắc chắn bạn sẽ hài lòng sau khi thực hiện.
4.9/5 – (57 bình chọn)
Nội Dung Chính
1. Căng cơ bắp chân là gì?
Theo Ann Pietranggelo, căng cơ là tình trạng cơ bị kéo, xảy ra khi cơ bị căng quá mức gây ra tình trạng mệt mỏi, đau nhức cơ bắp. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào, có thể là vùng lưng, cổ, vai, gân và phổ biến nhất là vùng chân.
Căng cơ bắp chân là tình trạng tổn thương các cơ phía sau chân. Cơ bắp chân kéo dài từ mắt cá chân lên đầu gối, hợp thành với gân gót chân hay còn gọi là gân asin tại vị trí dưới của chân.
Hiện tượng căng cơ bắp chân gây ra triệu chứng khá đau đớn, mức độ đau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích. Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện sưng tấy, bầm tím ở vùng bắp chân bị tổn thương.
2. 7 phương pháp điều trị căng cơ bắp chân, áp dụng tới đau giảm đau tới đó
Việc điều trị căng cơ bắp chân thường tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở mức độ nhẹ, người bệnh nên thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, dành thời gian nghỉ ngơi, cơ bắp sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, trường hợp nặng, cần phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ hoặc có thể phải phẫu thuật với mục đích gắn lại các đầu rách của cơ.
Để cải thiện tình trạng đau nhức, giúp cơ bắp chân nhanh phục hồi, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp sau:
2.1. Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Khi bị căng cơ chân, việc quan trọng nhất là dành thời gian nghỉ ngơi sau khi bị chấn thương. Cách này giúp các cơ bị thương nhanh chóng phục hồi.
Nếu phải hoạt động, người bệnh chỉ nên áp dụng các hoạt động đơn giản hàng ngày, phù hợp với khả năng của mình. Chú ý tránh vận động mạnh, lao động nặng ảnh hưởng tới vị trí cơ tổn thương.
2.2. Kéo giãn cơ bắp chân nhẹ nhàng
Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc kéo căng cơ bắp chân không tạo ra sự khác biệt trong ngăn ngừa giảm đau cơ ở các vận động viên. Tuy nhiên, nhiều người đã nhận ra việc kéo giãn cơ bắp nhẹ nhàng giúp họ sớm hồi phục vùng cơ bị tổn thương.
Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy giãn cơ có tác động xấu hay góp phần vào tăng nặng đau nhức cơ bắp. Vì vậy, hãy thử thư giãn cơ nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng đau nhức bạn đang gặp phải.
2.3. Chườm lạnh giúp giảm đau nhức cơ bắp chân
Bạn sử dụng một túi đá lạnh, chườm lên vị trí cơ bị đau nhức. Hoặc có thể ngâm mình trong nước lạnh, massage vùng cơ bị đau nhức. Giải pháp này sẽ cải thiện nhanh triệu chứng đau nhức, sưng tấy và thậm chí là cả co rút cơ. Nên thực hiện biện pháp này liên tục trong 2-3 ngày để có hiệu quả tốt nhất.
2.4. Áp nhiệt điều trị căng cơ bắp chân
Bên cạnh việc chườm lạnh, bạn có thể tham khảo phương pháp áp nhiệt. Trước khi thực hiện, người bệnh nên vận động cơ thể nhẹ nhàng giúp nới lỏng cơ bắp.
Nguyên tắc áp nhiệt là chườm ấm trước, sau đó là chườm lạnh.
2.5. Sử dụng thuốc tây điều trị căng cơ bắp chân
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, các loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị căng cơ bắp như:
- Thuốc giảm đau nhức: Ibuprofen, Paracetamol…
- Thuốc chống viêm không Steroid: Diclofenac, Naproxen…
- Thuốc giãn cơ: Baclofen, Cyclobenzaprine, Amitriptyline…
- Thuốc chống co giật: Gabapentin, Carbamazepine, Pregabalin…
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc đều thích hợp với người bị đau cơ bắp chân. Do đó, người bệnh không tự ý điều trị mà phải có chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc tây không đúng có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe.
2.6. Phương pháp vật lý trị liệu
Để nhanh chóng phục hồi, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia vật lý trị liệu. Các phương pháp được áp dụng phổ biến như:
- Siêu âm
- Massage trị liệu
- Châm cứu
- Bài tập phục hồi chức năng cụ thể
Tuy nhiên, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định liệu pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như mức độ bệnh của mình.
2.7. Các bài thuốc “cây nhà lá vườn”
Bài thuốc lá ngải cứu: Hái lá si, lá ngải cứu, lá cúc tần, mỗi loại 50g. Nguyên liệu đem giã nhỏ, thêm chút dấm ăn, sau đó đun sôi lên. Khi có được hỗn hợp này băng lên vị trí bị thương để thuốc ngấm sâu vào bên trong. Mỗi lần băng tầm 30 phút, thực hiện liên tục 2-3 ngày.
Bài thuốc lá hẹ: Rau hẹ tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vị tri cơ bắp bị đau, tổn thương. Ngày đắp 1-2 lần, đắp cho đến khi cải thiện triệu chứng sưng đau.
Bài thuốc lá nhãn: Lá cây nhãn sấy khô, giã nát. Sau đó, trộn với bột chín làm thành hồ, đắp lên vị trí đau nhức. Ngày đắp 3 lần, mỗi lần cách nhau chừng 3-4 tiếng.
3. Cách phòng ngừa đau nhức cơ bắp
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, với những người thường xuyên vận động mạnh để phòng ngừa hiện tượng căng cơ bắp chân, người bệnh cần chú ý những điều sau:
- Chú ý cơ thể, điều chỉnh các bài tập phù hợp là cách tốt nhất để phòng ngừa hiện tượng căng cơ bắp chân. Trước khi tập thể dục, nên khởi động thật kỹ các khớp, cơ, đồng thời làm ấm cơ thể trước khi vận động.
- Tìm hiểu các bài tập hay môn thể thao phù hợp, lên kế hoạch làm quen với môn thể thao với cường độ từ thấp lên cao. Từ đó, giảm bớt đau cơ, giảm nguy cơ chấn thương.
- Hấp thụ một lượng caffein có thể giảm đau cơ sau khi tập luyện hoặc tập làm quen với việc uống một tách cà phê trước khi bắt đầu bài tập. Ngoài ra, bạn cũng chú ý bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Nếu thiếu nước cũng là nguyên nhân gây đau nhức cơ bắp.
- Với những trường hợp đau nhức kéo dài 1 tuần sau khi tập thể dục hoặc liên tục tái phát khiến bạn mệt mỏi. Hãy đến gặp cơ sở chuyên khoa để thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ.
Điều trị căng cơ bắp chân không khó như chúng ta nghĩ. Hơn nữa, nếu kiên trì, áp dụng thường xuyên hiện tượng này cũng sẽ sớm biến mất. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các phương pháp kể trên, hãy xem xét đâu là nguyên nhân khiến cơ bắp của bạn bị căng nhức.
XEM THÊM: