Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) là gì?
Cho hỏi về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) cần đáp ứng những điều kiện là gì? Đối tượng dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) là những ai? – Câu hỏi của bạn Thành Sơn từ Ninh Thuận.
Nhiệm vụ của bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) – Mã số: V.08.02.05 là gì?
Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV quy định như sau:
Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) – Mã số: V.08.02.05
1. Nhiệm vụ:
a) Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng và đề xuất biện pháp quản lý sức khỏe tại cộng đồng;
b) Tổ chức thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu;
c) Tổ chức thực hiện chế độ chức trách chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể:
Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về y tế dự phòng: phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh xã hội, quản lý chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích;
Theo dõi, giám sát, phát hiện, đánh giá, kiểm soát và khống chế: yếu tố nguy cơ gây dịch, tác nhân gây bệnh, bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến yếu tố môi trường, tai nạn thương tích, an toàn thực phẩm, sức khỏe lao động và yếu tố nguy cơ khác đối với sức khỏe cộng đồng;
Đề xuất và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, tác nhân truyền nhiễm gây dịch nhất là ổ dịch bệnh mới phát sinh;
Phòng chống bệnh không lây nhiễm, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Tham gia quản lý, chăm sóc tại cộng đồng: bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng;
Khám, chữa bệnh thông thường và xử trí cấp cứu ban đầu;
Khám, tư vấn và điều trị dự phòng theo quy định.
d) Tham gia phân tích, đánh giá, kết luận những vấn đề chuyên môn y tế dự phòng khi có yêu cầu;
đ) Tổ chức hướng dẫn và đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật cho viên chức chuyên môn y tế, học sinh và sinh viên;
e) Chủ trì hoặc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Đối tượng dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) là những ai? (Hình từ Internet)
Đối tượng dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) là những ai?
Theo Mục 2 Chương II Công văn 4545/BYT-TCCB năm 2019 quy định như sau:
XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH Y TẾ TỪ HẠNG III LÊN HẠNG II
….
2. Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II):
a) Đối tượng dự xét:
Viên chức đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) mã số V.08.02.06 lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) mã số V.08.02.05 (sau đây viết tắt là xét thăng hạng bác sĩ y học dự phòng chính) phải là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) mã số V.08.02.06 đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV.
b) Tiêu chuẩn, điều kiện dự xét
Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
– Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu.
– Được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hoặc sử dụng viên chức cử tham dự xét.
– Được cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng viên chức đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian ba năm liên tục tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
– Có bằng chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học dự phòng hoặc tiến sĩ chuyên ngành y học dự phòng.
– Có khả năng đảm nhiệm hoặc đang làm việc ở vị trí công việc phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét thăng hạng.
– Đang giữ chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (hạng III), mã số V.08.02.06.
– Có đủ tiêu chuẩn bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV.
Vậy đối tượng để được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) là:
+ Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) mã số V.08.02.06 đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập
+ Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
+ Có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II).
Để được xét thăng hạng lên bác sỹ y học dự phòng hạng II thì có bắt buộc phải có bằng thạc sỹ ngành Y học dự phòng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn về trình độ để được xét lên bác sỹ y học dự phòng như sau:
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ ngành Y học dự phòng trở lên.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ y học dự phòng).
Như vậy, để được xét lên bác sỹ y học dự phòng hạng II thì bạn cần có Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ ngành Y học dự phòng thì đều đủ yêu cầu về trình độ đào tạo.
Ngoài ra để được xét thăng hạng lên bác sỹ y học dự phòng hạng II thì cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn khác về năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV được bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT như sau:
– Hiểu biết quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nắm được định hướng phát triển chuyên ngành trong nước và trên thế giới;
– Có năng lực xác định yếu tố tác động của môi trường tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe con người;
– Có năng lực đề xuất biện pháp can thiệp, lập kế hoạch chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường;
– Có năng lực tổ chức thực hiện, đánh giá các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn;
– Có năng lực giám sát, đánh giá tác động môi trường và đề xuất giải pháp phòng chống ô nhiễm môi trường;
– Có năng lực phát hiện sớm ổ dịch bệnh, tham gia phòng chống dịch và phát hiện vấn đề về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong cộng đồng, đề xuất giải pháp thích hợp;
– Có năng lực lồng ghép, huy động và phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ;
– Chủ nhiệm hoặc thư ký hoặc tham gia chính (50% thời gian trở lên) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên hoặc sáng chế hoặc phát minh khoa học hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành đã được nghiệm thu đạt;
– Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên chức danh bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm đối với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ ngành y học dự phòng; 06 năm đối với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành y học dự phòng hoặc bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Trường hợp có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
– Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.