Điều kiện tự nhiên Đức Linh

Điều kiện tự nhiên Đức Linh


ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN HUYỆN ĐỨC LINH  

1. Vị trí địa lý

Đức Linh nằm
trên ranh giới vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ của Việt Nam, là một huyện miền
núi nằm về phía cực Tây – Nam của tỉnh Bình Thuận. Trong tỉnh Bình Thuận, Đức
Linh chỉ giáp với huyện Tánh Linh về phía Đông và Đông Nam. Đức Linh nằm tại ngã ba ranh
giới giữa Bình Thuận với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Phía Bắc giáp huyện Đạ
Huoai, tỉnh Lâm Đồng; Phía Tây và Tây Nam
giáp các huyện của tỉnh Đồng Nai: Tân Phú (phía Tây Bắc), Định Quán (phía Tây)
và Xuân Lộc (phía Tây Nam).

Đức Linh có
tổng diện tích đất tự nhiên là 534,912 km²; trong đó, đất nông nghiệp là 45.697
ha, đất phi nông nghiệp là 7.513ha và đất chưa sử dụng là 281ha.

2. Địa hình

Địa hình Đức
Linh chia thành ba vùng chính: rừng núi, đồi gò và đồng bằng.

Vùng rừng núi
từ Đông Bắc xuống Tây Nam độ cao từ 800m đến 1.000m, chiếm khoảng 15% diện
tích. Đây là chân núi cuối cùng của dãy Trường Sơn, giáp với rừng Cát Tiên. Núi
Dinh là một điểm cao trong huyện. Trước năm 1975, rừng nguyên sinh ở Đức Linh
có nhiều loại gỗ quý. Động, thực vật vùng rừng núi Đức Linh rất phong phú, đa
dạng. Cho nên trong kháng chiến chống Mỹ, các cơ quan khu, tỉnh, huyện, lực
lượng vũ trang miền, các đội công tác thường đóng ở Đức Linh.

Vùng đồi gò cao
từ 120 đến 150m, nằm ở phía Tây Nam, chiếm 59% diện tích. Với loại đất nâu
tím trên đá bazan, đồi gò rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp và cây
ăn quả. Hiện nay, vùng đất này đang được phủ xanh bởi những rừng cây công
nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu. Cây tiêu là đặc sản của Đức Linh.

Vùng đồng bằng
và thung lũng sông La Ngà chiến 25% diện tích. Sông La Ngà mang phù sa bồi đắp
nên đất đai rất màu mỡ. Đức Linh là vựa lúa của tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh
cây lúa còn có cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, mè, mía…

3. Khí hậu

 Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu Đức
Linh cũng chia làm hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường đến sớm
hơn, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Gió nồm nam thường mang hơi nước từ biển
vào bị các dãy núi phía Bắc của huyện chặn lại, gây mưa nhiều và thường kéo dài
hơn, nên hàng năm có thể sản xuất được 2 đến 3 vụ lúa ngắn ngày. Mùa khô chịu
ảnh hưởng gió bấc thổi từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau, khí hậu lục địa
khô hanh, thỉnh thoảng có mây mù, gió lốc và mưa. Nhờ hệ thống nước ngầm dồi
dào, dễ khai thác, nên nước đủ cho sản xuất, sinh hoạt.

 Đức Linh còn là vùng khá nhạy cảm với sự thay
đổi thời tiết ở các nơi khác, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, nên thường có lũ
lụt trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình trong năm 25,40C, có 1.124
giờ nắng. Mỗi năm có khoảng 148 ngày mưa, lượng mưa trung bình: 2.165mm; không
có bão. Khí hậu nơi đây rất thích hơp cho nhiều loại cây trồng, nhưng khắc
nghiệt với sinh hoạt của con người như bệnh tật, sốt rét.

4. Sông hồ

Do tác động
của địa hình và khí hậu nên sông, suối, ao, hồ của Đức Linh (trừ sông La Ngà)
phần nhiều là ngắn, lệ thuộc rõ rệt vào thời tiết; mùa mưa nhiều nước, chảy
xiết, xói mòn; mùa khô thì cạn nhanh. Cả huyện có 27 suối và 30 ao hồ. Sông La
Ngà bắt nguồn từ Lâm Đồng, chảy qua huyện rồi đổ vào sông Đồng Nai, đoạn
chảy qua huyện dài 74km, lưu lượng trung bình hằng năm là 97,25m3/giây.
Mùa mưa nước sông dâng cao, đổi dòng mạnh, lưu lượng lên tới 190m3/giây.
Mùa khô lưu lượng 12,7m3/giây, tuy cạn nhưng không bị đứt dòng. Sự
thất thường đó làm hạn chế giao thông trên sông La Ngà. Sông La Ngà uốn khúc
quanh co, cuộn mình qua rừng núi, đồng ruộng tạo cho Đức Linh một bức tranh sơn
thủy hữu tình, với nhiều cảnh đẹp: Thác Reo (Đức Tín), thác Mai (Đức
Hạnh), hồ Trà Tân (Tân Hà). Suối nước nóng ở Rô Mô (Đa Kai) tuy chưa được khai
thác, nhưng là nơi chữa bệnh, an dưỡng và là điểm du lịch rất lý thú.

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan