Điều kiện để hành nghề bác sĩ gia đình
Những người muốn hành nghề bác sĩ gia đình phải được xem xét các điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Hiện nay mô hình thí điểm bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình đang được chuẩn bị triển khai tại 8 tỉnh, thành phố lớn của cả nước, vào tháng 7/2014, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề
Theo quy định của Bộ Y tế, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình là phải có văn bằng chuyên môn và quá trình thực hành khám chữa bệnh.
Điều kiện về văn bằng: người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình trước ngày 1/1/2016 thì ít nhất phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành y học gia đình có thời hạn tối thiểu 3 tháng do cơ sở đào tạo được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận và cấp. Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình kể từ ngày 1/1/2016 thì ít nhất phải có bằng bác sĩ đa khoa và một trong các văn bằng chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ về y học gia đình hoặc chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa y học gia đình được cấp tại Việt Nam hoặc công nhận tại Việt Nam.
Bác sĩ gia đình phải được đào tạo về chuyên ngành y học gia đình
Điều kiện về quá trình thực hành khám chữa bệnh: người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình trước ngày 1/1/2016 thì phải có văn bản xác nhận quá trình thực hành khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh có thời gian 18 tháng theo quy định của luật khám chữa bệnh và hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh. Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kể từ ngày 1/1/2016 thì phải có văn bản xác nhận quá trình thực hành khám chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình có thời gian 18 tháng liên tục trở lên tại bệnh viện đa khoa. Đối với người có bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, chứng chỉ định hướng về chuyên ngành y học gia đình thì thời gian thực hành được tính tương đương với thời gian đào tạo. Bản sao có chứng thực bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, chứng chỉ định hướng chuyên khoa y học gia đình được xem là giấy xác nhận thời gian thực hành. Riêng người có chứng chỉ định hướng về chuyên ngành y học gia đình thì ngoài thời gian thực hành được tính tương đương với thời gian đào tạo phải có thêm giấy xác nhận thời gian thực hành liên tục để bảo đảm đủ thời gian 18 tháng.
Y học gia đình cần thiết cho bác sĩ gia đình
Như trên đã nêu, để có đủ điều kiện hành nghề bác sĩ gia đình, các bác sĩ đa khoa phải có kiến thức và được đào tạo chuyên ngành về y học gia đình. Có thể nói y học gia đình là một chuyên ngành y khoa đã ra đời trong những năm của thập kỷ 60. Chuyên ngành này có mục đích đào tạo ra bác sĩ gia đình chủ yếu thực hành ở các phòng khám bệnh ngoại trú ở tuyến y tế cơ sở trong hệ thống mạng lưới y tế của một số nước trên thế giới. Thực tế cho thấy chuyên ngành y học gia đình được hình thành tại các quốc gia đã phát triển; ở đây do điều kiện kinh tế nên hầu hết việc chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân bị mắc bệnh mãn tính như: đái tháo đường, cao huyết áp, hen suyễn… đã được chuyển từ phòng bệnh nội trú ra phòng khám ngoại trú với các phác đồ điều trị được xây dựng để phân cấp các bước điều trị rõ ràng, phù hợp với sự phối hợp của những chuyên khoa có liên quan. Ngoài ra, những vấn đề quan trọng khác như công tác y tế dự phòng, thăm khám bệnh ngoại trú, quản lý phòng khám, vai trò của môi trường và gia đình đối với bệnh tật, vai trò của việc huy động nguồn lực trong cộng đồng đối với công tác chăm sóc sức khỏe và áp dụng các nguyên lý thực hành cải thiện chất lượng liên tục chưa được chú trọng giảng dạy trong các chương trình đào tạo y khoa truyền thống trước đây.
Bác sĩ gia đình cần được trang bị kiến thức và đào tạo chuyên ngành y học gia đình để có khả năng thực hành và quản lý một khối lượng công việc có liên quan đến tình trạng ốm đau, bệnh tật của các thành viên trong gia đình không kể tuổi tác, giới tính, tín ngưỡng. Bác sĩ gia đình phải bảo đảm các yêu cầu là giúp được bệnh nhân và gia đình người bệnh giải quyết khoảng 80% các vấn đề có liên quan đến sức khỏe thông thường, các bệnh lý cấp tính hay mãn tính chưa có biến chứng và chưa cần chuyển cho các chuyên khoa. Một điều quan trọng là các giải pháp xử trí điều trị phải luôn luôn chú ý đến nguồn tài chính của gia đình để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể mua được thuốc điều trị trong khả năng kinh tế của gia đình; bệnh nhân không phải đi xa đến các cơ sở y tế, giảm bớt chi phí tốn kém và tăng hiệu quả điều trị do áp dụng các biện pháp tăng cường sức khỏe phối hợp với biện pháp dùng thuốc điều trị được các thành viên trong gia đình hưởng ứng. Đồng thời, bác sĩ gia đình phải được bệnh nhân đặt lòng tin để có thể bộc lộ các vấn đề cá nhân cũng như gia đình, cung cấp nhiều thông tin cần thiết giúp cho việc phát hiện, chẩn đoán bệnh có liên quan đến tiền sử gia đình; có mối quan hệ và kỹ năng phối hợp với các chuyên gia trong việc chăm sóc các bệnh nhân bị bệnh mãn tính và chăm sóc trong thời gian cuối đời. Bác sĩ gia đình cũng cần có khả năng giúp cộng đồng người dân phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra tại địa phương để chủ động phòng ngừa; tầm soát định kỳ các bệnh lý có nguy cơ cao theo nhóm tuổi, theo cộng đồng dân cư và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các thành viên trong gia đình trong địa bàn quản lý hoạt động.
Như vậy, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa bắt buộc phải được đào tạo kiến thức và thực hành về y học gia đình để có đủ khả năng chăm sóc các bệnh cấp tính và dự phòng bệnh, kiểm soát được các bệnh mãn tính, thực hiện công tác phòng bệnh đối với các loại bệnh tật thường xảy ra trong cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tâm thần… Đồng thời, phải tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia nghiên cứu khoa học, phổ cập các thông tin cần thiết để thực hành áp dụng, có kỹ năng ra quyết định xử trí phù hợp về chuyên môn kể cả việc lựa chọn chuyên khoa sâu để giúp cho bệnh nhân điều trị có hiệu quả.
Trên thực tế, Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình thuộc Trường Đại học Y dược TP.HCM đã được xây dựng và hình thành từ năm 2002 để đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình phục vụ bước đầu cho các phòng khám bác sĩ gia đình tại khu vực phía Nam. Tuy vậy, đây cũng chỉ mới là bước khởi đầu để làm cơ sở cho sự phát triển khi Bộ Y tế đã chính thức ban hành thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang kể từ ngày 15/7/2014. Theo đó, Đại học y khoa Hà Nội và Đại học Y dược Huế sẽ có trách nhiệm đào tạo chuyên ngành y học gia đình cho bác sĩ gia đình thuộc các tỉnh phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên, ngoài Đại học Y Dược TP.HCM đã đào tạo bác sĩ gia đình trong những năm vừa qua cho các tỉnh phía Nam. Hy vọng rằng mô hình thí điểm này sẽ đạt được hiệu quả khi triển khai thực hiện để rút kinh nghiệm mở rộng cho các địa phương cần thiết khác trong cả nước và có điều kiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người dân ở tuyến đầu ngày càng tốt hơn.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH