Điều kiện cần và đủ để mắc ca là cây tỷ đô
Điều kiện cần và đủ để mắc ca là cây tỷ đô
Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, cây mắc ca đang dần định hình chỗ đứng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, mắc ca được Chính phủ xác định là 1 trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính của Quốc gia.
Song, để mắc ca Việt thực sự là “nữ hoàng” quả khô, đòi hỏi chính quyền địa phương, ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân, doanh nghiệp phát triển mắc ca bền vững.
Nhiều chuyên gia nhận định, mắc ca là cây “làm chơi ăn thật”. Người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ cây trồng này. Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai trồng mắc ca, có nơi chưa thành công nhưng có nơi bước đầu thu được kết quả khả quan. Vậy muốn phát triển mắc ca thành cây tỷ đô, đâu là điều kiện cần và đủ gì?
Phải phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng
Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 344/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vườn mắc ca giai đoạn kinh doanh của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết ở thôn 3, xã Kon Đào (Đắk Tô – Kon Tum). Ảnh: Văn Nhiên
Theo đó, Thủ tướng đặt mục tiêu phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.
Tuy nhiên, mắc ca là cây ưa thích trồng ở những vùng đất màu mỡ, có khí hậu thuận lợi, cây sẽ sinh trưởng tốt và đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Nên quy mô diện tích và định hướng vùng trồng loại cây này là một trong những điều kiện để cây mắc ca thành cây tỷ đô.
Tại Hội thảo nghiên cứu “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, ông Martin Novak, chuyên gia trong ngành mắc ca đến từ Australia khẳng định giá trị kinh tế cao của cây mắc ca. Tuy nhiên, cây mắc ca phải trồng trên loại đất tốt nên rất nhiều nước không thể trồng được loại cây này.
Ông Martin Novak đánh giá, Tây Nguyên có thuận lợi là mắc ca có thể trồng xen vào các loại cây công nghiệp khác. Hơn nữa, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam rất thuận lợi nên có thể nâng cao được sản lượng. Ông tính toán, với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí, có thể thu lãi 100 triệu đồng/ha.
Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam, tỏ ra rất tin tưởng về giá trị kinh tế của cây mắc ca. Ông Hùng cho biết, hạt mắc ca là loại quả khô ngon nhất thế giới. Nó ngon hơn cả hạt điều, hạt hạnh nhân và hạt hạch đào. Dầu và hạt mắc ca còn được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng và được ưa chuộng.
Ông Hùng cho rằng, nên chăng cần phải có cuộc cách mạng cho Tây Nguyên và khẳng định chỉ cần mỗi hộ nông dân có 50 cây mắc ca thì cả Tây Nguyên sẽ được xóa đói giảm nghèo. Cây mắc ca sẽ là thế mạnh, đòn bẩy giúp Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trên thực tế, chính vì không hiểu hết về cây mắc ca, nên nhiều vùng, nhiều địa phương, người dân ồ ạt trồng loại cây này dẫn đến nhiều hộ gặp rủi ro lớn. Là cây tự thụ phấn và thụ phấn chéo, nếu trồng đơn lẻ, trồng xen, năng suất sẽ không cao. Bộ rễ ăn nông, cây dễ đổ khi gió lớn. Những trở ngại này rất dễ gặp ở Tây Bắc, Tây Nguyên và ngay trong một tỉnh không phải vùng nào cũng trồng được. Điều kiện đất đai, khí hậu phức tạp của nước ta đòi hỏi phải đánh giá tính thích hợp của mắc ca cho mỗi vùng trồng hẹp. Đây là điều kiện tiên quyết nhưng chúng ta chưa làm.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), phát triển mắc ca ở nước ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, tăng nhanh về cả diện tích và sản lượng. Tuy vậy, do tình trạng phát triển mắc ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả.
Vì vậy, Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển mắc ca bền vững trong thời gian tới, nhằm đưa mắc ca trở thành một trong những loài cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.
Giống quyết định 85% thành công
Theo khuyến cáo, cây giống mắc ca được sử dụng phải là cây ghép, không sử dụng cây giống thực sinh để đảm bảo sự đồng đều về sinh trưởng và độ thuần giống.
Chất lượng cây giống là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định 85% thành công hay thất bại đối với những người trồng mắc ca.
Hiện nay, một số địa phương đang lo ngại về cây mắc ca. Bởi vì, loại cây trồng này chưa được khảo nghiệm, đánh giá một cách khoa học. Cây mắc ca phải trải qua chu kỳ 5-7 năm mới cho ra trái. Do đó, việc đầu tư cây mắc ca hiện nay đối với người dân được ví như “canh bạc”.
300 nông dân HTX Gung Ré tham quan và ký mua 30.000 cây giống mắc ca Him Lam tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Nếu như người dân mua phải bộ cây giống không phù hợp, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Ở chiều ngược lại, các cấp, các ngành cũng cần tìm thị trường tiêu thụ nếu như vấn đề ra hoa đậu trái được khắc phục, cây mắc ca đạt “đỉnh” về năng suất.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công bố 13 dòng giống mắc ca được đưa vào sản xuất. Trong đó, có 3 dòng giống quốc gia và 10 dòng giống tiến bộ kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về cây trồng, 13 bộ giống mắc ca đều dùng chung cho cả nước. Chỉ riêng từng xã như: Quảng Trực, Quảng Tâm… của huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã có sự khác biệt về giống cây trồng do khác nhau về tiểu vùng khí hậu.
Tuy Đức được xem là thủ phủ của cây mắc ca của Đắk Nông. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.300ha mắc ca các loại. Giống mắc ca có hơn 15 dòng đang được trồng phổ biến tại các vườn rẫy của các hộ dân.
Các dòng giống mắc ca bao gồm: OC, 695, 800, 788, 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38, QN1, Dadow… Trong đó, 554ha mắc ca của huyện (chiếm 44% tổng diện tích) bắt đầu bước vào thời kỳ cho thu hoạch.
Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, cây mắc ca trồng ở huyện Tuy Đức thường từ năm thứ 6 trở đi mới bắt đầu cho trái. Tỷ lệ cây mắc ca ra trái không đồng đều. Mức độ ra hoa, kết trái chưa cao.
Nhiều vườn mắc ca có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, mỗi cây cho 7-10kg trái. Tuy nhiên, có những vườn tỷ lệ cây cho trái thấp, số lượng cây ra trái chỉ chiếm 30 – 50%, mỗi cây chỉ cho 1 – 3kg trái.
Gia đình anh Phạm Văn Thường, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), hiện có 6ha mắc ca hơn 10 năm tuổi. Cây hiện cao hơn 6m, tán rộng khoảng 4m.
Anh Thường cho biết, cây mắc ca đã vào độ cho thu hoạch. Thế nhưng, do trong vườn có nhiều dòng giống khác nhau, nên tỷ lệ ra hoa, đậu trái cũng khác nhau.
Trung bình 1ha mắc ca của gia đình anh thu được gần 1 tấn trái, chưa tương xứng với sự đầu tư và quy mô vườn cây.
Theo đánh giá của nhiều người dân, nếu vườn mắc ca cho quả đồng đều, hiệu quả rất lớn. Do đó, những năm qua, diện tích cây mắc ca tăng khá nhanh. Chỉ riêng huyện Tuy Đức, mỗi năm phát triển bình quân hơn 100ha mắc ca.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, sở dĩ tình trạng cây mắc ca cho trái không đều là do người dân trồng nhiều giống khác nhau. Đến nay, có một số dòng mắc ca tỏ ra phù hợp với các tiểu vùng sinh thái, nên sinh trưởng tốt và sản lượng khá cao. Đó là các dòng như: OC, 695, 246, 816, 849, A38… Thế nhưng, để có kết luận chính xác, cần phải qua quá trình khảo nghiệm, đánh giá bằng căn cứ khoa học.
Ông Đinh Thanh Tuy, Chủ tịch UBND xã Bắc Hùng (Văn Lãng -Lạng Sơn), cho biết, toàn xã hiện có khoảng 15 hộ trồng hơn 12ha mắc ca (chiếm 37,5% tổng diện tích trồng mắc ca của huyện Văn Lãng), tập trung ở 2 thôn Bó Mịn và Khòn Búm. Qua theo dõi thấy hiệu quả kinh tế của cây mắc ca trên địa bàn xã rất rõ nét, chính vì vậy, chính quyền xã xác định phát triển mắc ca trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Để phát triển hiệu quả loại cây này, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung tuyên truyền và hướng dẫn người dân lựa chọn giống cây đảm bảo chất lượng, cùng với đó hỗ trợ cây giống để người dân mở rộng diện tích.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, nhập nội, khảo nghiệm làm đa dạng bộ giống mắc ca theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái. Hiện, 13 dòng mắc ca đã được công nhận cho năng suất, chất lượng cao, chủ động được nguồn giống cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu chọn tạo 10 dòng đang được trồng thử nghiệm, khảo nghiệm để bổ sung nguồn giống cho sản xuất.
Đến nay, đã công nhận 11 vườn cây đầu dòng, 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc ca. Năng lực sản xuất năm 2021 được khoảng 1.790.000 cây ghép. Với số giống này, nếu trồng thuần sẽ được 6.393ha (mật độ 280 cây/ha) hoặc 14.917ha nếu trồng xen (mật độ 120 cây/ha).
Tiếp tục xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, tập trung cho vùng Tây Bắc, Tây Nguyên để có đủ nguồn vật liệu sản xuất giống; hoàn thiện và làm chủ công nghệ nhân giống vô tính cây mắc ca ở quy mô công nghiệp; nâng cao năng lực hệ thống sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, ghép cải tạo theo mục tiêu Đề án.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, giải pháp đặt ra đối với thị trường trong nước là, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.
Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước…
Cây mắc ca đã được nhập về trồng ở Việt Nam, trồng thử nghiệm đầu tiên tại Ba Vì (Hà Nội), sau đó được trồng tại Đắk Lắk, Lâm Đồng (Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà). Mắc ca là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Nhân hạt có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp, rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu…
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Ông Trần Quang Bảo cho hay: Đến nay, người dân và doanh nghiệp đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất mắc ca theo chuỗi từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt là doanh nghiệp. Điển hình là Công ty CP Tập đoàn Liên Việt đã thành lập các công ty con phát triển cây mắc ca, ký kết hợp đồng với các hộ nông dân từ cung cấp giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến tiêu thụ sản phẩm hạt cây mắc ca; cam kết đền bù thiệt hại bằng 12 lần giá trị cây giống nếu sau 5 năm trồng mà cây không có quả; bao tiêu sản phẩm đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới theo tiêu chuẩn hạt mắc ca thương mại.
Tại Tây Nguyên, một số công ty cũng liên kết theo hình thức như trên, thu mua cho nông dân với giá cao hơn thị trường 10 – 15%.
Cần lựa chọn vùng trồng mắc ca để phát huy giá trị kinh tế loại cây này.
Còn tại Tây Bắc, cũng đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi: Doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng; người dân góp đất, bỏ công trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế; doanh nghiệp sẽ mua lại theo giá thỏa thuận trên thị trường hoặc ăn chia theo tỉ lệ thỏa thuận.
Tuy nhiên, sự liên kết này vẫn chỉ ở mức hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân, mà chưa có sự can thiệp từ chính sách cụ thể của Nhà nước, để đảm bảo cho người trồng mắc ca không bị ép giá dẫn đến thua lỗ.
Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mắc ca cả về bề rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã…
Việc chế biến và tiêu thụ luôn là bài toán nan giải cho cây trồng nếu đạt sản lượng lớn. Câu chuyện này sẽ được tính toán như thế nào trong việc thực hiện Đề án phát triển cây mắc ca tại Việt Nam?
Tính đến tháng 5/2021, cả nước có 65 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca, phân bố không đồng đều, tập trung tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu là 7.315 tấn hạt. Về quy mô, các cơ sở chế biến cũng không đồng đều, công suất từ 10 đến trên 1.000 tấn/năm.
Về thiết bị và công nghệ, hiện máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến chủ yếu đơn giản như máy sấy hạ ẩm, sấy hạt, giập hạt… Tuy nhiên, bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm sữa mắc ca.
Sản phẩm vẫn chủ yếu là hạt sấy khô. Tương lai của việc chế biến các sản phẩm tử mắc ca sẽ là một số loại sản phẩm pha chế như: sữa hạt mắc ca, bột dinh dưỡng mắc ca, cafe mắc ca, dầu ăn, dầu gội,…
Giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 136,8 triệu USD với khối lượng đạt gần 5.400 tấn và 25.500 tấn mắc ca nguyên vỏ. Tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Mắc ca của Việt Nam đã được xuất sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Hoa Kỳ…
Theo Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 phải khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 – 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 – 200 tấn hạt/năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở 10.000 – 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Sau năm 2030, sẽ rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca để làm căn cứ định hướng quy mô phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp với các vùng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng khác.
Muốn mắc ca là cây tỷ đô cần rất nhiều điều kiện, một trong những điều kiện quan trọng là xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca Việt Nam có uy tín trên thị trường thế giới, đảm bảo cây được trồng có nguồn gốc xuất xứ, được chăm sóc theo đúng các yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc… Muốn làm được như vậy, rất cần sự phối kết hợp giữa người dân, các doanh nghiệp chế biến và các cơ quan chức năng trong việc kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, để đem về cho đất nước khoản thu ngoại tệ không nhỏ từ loại cây này.
Bài 3: Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050: Lời giải ở đâu?
Ngọc Thủy