Điều gì xảy ra với nền kinh tế khi lạm phát tăng cao?

Nhóm PV

  –  

Thứ sáu, 27/05/2022 18:39 (GMT+7)

“Nếu không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì lạm phát sẽ vượt qua 6%, còn hành động thì kiểm soát giá ở 4-5%. Còn tăng trưởng GDP thì khả thi, từ 6,5% trở lên” – nội dung này được Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi với PV Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội.

Nền kinh tế phải uống thuốc liều cao khi lạm phát gia tăng

Thưa ông, tại các buổi thảo luận tổ và tại hội trường Quốc hội, ông nhiều lần kiến nghị giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Vì sao ông lại kiên trì với quan điểm này?

– Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1.4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu được cho là không đáng kể. 

Nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistics.

Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách nhà nước, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo.

Bởi giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đề này.

Nếu lạm phát tăng cao, điều gì sẽ xảy ra thưa ông?

– Nếu lạm phát tăng cao, đồng nghĩa chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, thậm chí sẽ có lúc phải thắt chặt chi ngân sách nếu không kiểm soát được lạm phát.

Bên cạnh đó, các dự toán về xây dựng, chi thường xuyên hay tiền lương cũng phải điều chỉnh theo tốc độ trượt giá. Thà rằng mình chi ngân sách trước cho việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào để các khoản chi khác không tăng lên, còn hơn phải đối mặt với việc lạm phát tăng cao.

Ngoài việc giảm thuế cần phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân gì hết, mà lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu, mà do chi phí đẩy.

Trong “rổ” chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỉ trọng cao nhất, do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống. Đây là bài toán cần hết sức lưu ý, cần phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QuochoiĐại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quochoi 

Không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì lạm phát sẽ vượt qua 6%

Những tháng đầu năm, CPI tại Việt Nam ở mức 2,2%, không đến nỗi quá căng thẳng, những điều ông lo lắng liệu có quá sớm?

– Bài học gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh. Khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới. Thế giới đang trên đà tăng giá tăng giá, Việt Nam cũng phải chịu giá cao ngay. Nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng, điều này sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng khó khăn.

Nếu giảm thuế, có ý kiến cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng và không nên “cào bằng” để hỗ trợ người có thu nhập thấp được tốt hơn, ý kiến của ông thế nào?

– Việc giảm hoặc xoá thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, tôi cho rằng, ai cũng được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xoá sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hoá cũng sẽ giảm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ giá hàng hoá, đảm bảo ổn định thị trường.

Còn không có sự bất công nào khi “cào bằng” việc giảm thuế giữa người thu nhập cao và người thu nhập thấp. Bởi hiện nay, số lượng người có thu nhập thấp cũng chiếm tỉ lệ khá đáng kể. Trong khi bản thân những người thu nhập cao và tầng lớp trung lưu, họ cũng đóng góp rất lớn thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước.

Ông dự đoán tỉ lệ lạm phát năm 2022 ở mức bao nhiêu?

– Tuỳ vào việc có hành động để kiểm soát giá hay không? Nếu không hành động, không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì lạm phát có thể vượt qua 6%, còn hành động thì kiểm soát giá ở 4-5%. Còn tăng trưởng GDP thì khả thi, từ 6,5% trở lên.

Cảm ơn ông!