Diễn văn: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho chúng ta”
John Fitzgerald Kennedy là một vị tổng thống nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ. Ông nhậm chức vào thời điểm cuộc Chiến tranh Lạnh đang rất căng thẳng. Ông bị ám sát vào ngày 22/11/1963, trong khi còn rất nhiều dự định dang dở. Mặc dù vậy, John F. Kennedy vẫn là một trong những tổng thống được người Mỹ tín nhiệm nhất.
Xin được giới thiệu tới độc giả diễn văn nhậm chức của tổng thống John F. Kennedy trong buổi lễ nhậm chức tại Washington vào ngày 20/1/1961.
Bản dịch:
Thưa
Ngài phó tổng thống Johnson
Ngài phát ngôn viên
Ngài chánh án tối cao
Ngài tổng thống Eisenhower
Ngài phó tổng thống Nixon
Ngài tổng thống Truman
Các vị linh mục tôn kính
Và toàn thể người dân
Chúng ta không coi đây là ngày ghi dấu chiến thắng của một đảng cầm quyền, mà là ngày để chúc mừng cho tự do – điều tượng trưng cho sự kết thúc cũng như sự khởi đẩu – điều mang ý nghĩa đổi mới, cũng như đổi thay. Bởi lẽ tôi đã thề trước Chúa toàn năng và các bạn lời tuyên thệ nghiêm trang mà những người đi trước (*) đã định ra trong gần 1 ¾ thế kỷ qua.
(*) Hàm ý nói đến những người đã góp phần sáng lập nên nước Mỹ tự do như George Washington, Thomas Jefferson, v.v. (Founding Fathers – Những vị cha lập quốc)
Thế giới đã trở nên rất khác. Bởi vì con người nắm trong tay tay sức mạnh để xóa bỏ mọi đói nghèo, và cũng nắm trong tay sức mạnh để hủy diệt mọi mạng sống. Nhưng niềm tin mà những vị cha lập quốc của nước Mỹ nỗ lực để theo đuổi vẫn là một vấn đề toàn cầu – niềm tin rằng quyền con người không đến từ sự hào phóng của một chính quyền, mà đến từ bàn tay của Chúa.
Chúng ta không dám quên rằng ngày hôm nay đây, chúng ta là hậu duệ của cuộc cách mạng lập quốc (*) đó. Hãy để những bạn hữu cũng như kẻ đối lập của chúng ta biết rằng, tại nơi đây và ở thời điểm này, ngọn đuốc tinh thần ấy đã được trao cho một thế hệ mới của người Mỹ – những người được sinh ra trong thế kỷ này, tôi luyện qua chiến tranh, trui rèn trong một nền hòa bình có được qua khắc nghiệt và cay đắng, tự hào bởi di sản của cha ông, và không bằng lòng chứng kiến hay cho phép sự tụt hậu trong nhân quyền, điều mà quốc gia đã luôn cam kết, điều mà chúng ta đang cam kết ngày hôm nay, không chỉ cho quê hương, mà còn cho toàn thế giới. Hãy để cho tất cả các quốc gia biết rằng, dù họ có muốn chúng ta thịnh vượng hay gian khó, chúng ta vẫn sẽ bằng mọi giá, chịu đựng mọi gánh nặng, đối mặt với mọi khó khăn, giúp đỡ mọi người bạn hữu, và chống lại mọi kẻ đối địch, để đảm bảo sự tồn tại và thành công của nền tự do.
(*) Cuộc cách mạng đưa nước Mỹ thoát khỏi Anh quốc, trở thành một đất nước tự do.
Chúng ta cam kết điều đó – và hơn thế nữa.
Đối với những người đồng minh cũ có chung nguồn gốc văn hóa và tâm linh với người Mỹ, chúng ta cam kết một tình bạn trung thành. Liên hợp lại, không có điều gì là chúng ta không thể cùng nhau hợp tác. Chia rẽ ra, chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì lớn lao – bởi vì chúng ta không dám đối diện với thử thách mạnh mẽ và bị tách rời.
Đối với những quốc gia mới bước vào ngưỡng cửa của thế giới tự do, chúng ta cam kết rằng việc xóa bỏ một chế độ thuộc địa sẽ không phải là để thay vào đó một chế độ kiểm soát còn ngặt nghèo hơn. Chúng ta không mong đợi rằng họ sẽ luôn ủng hộ quan điểm của chúng ta. Nhưng chúng ta hy vọng rằng họ sẽ luôn mạnh mẽ thúc đẩy nhân quyền của chính họ – và ghi nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ dại dột cưỡi lên lưng hổ để tìm kiếm quyền lực, sẽ có kết cục ở trong bụng hổ (*).
(*) Hàm ý rằng những kẻ sử dụng bạo lực để kiểm soát tự do của người dân hòng có được quyền lực rồi sẽ bị chính sự bạo lực đó hại chết. Phương Đông có câu: “Kỵ hổ nan hạ”.
Với những người dân đang sống trong các túp lều và làng mạc của thế giới, những con người đang phải vật lộn để vượt qua gông cùm bất hạnh, chúng ta cam kết sẽ làm hết sức mình để khiến họ có thể tự giúp đỡ bản thân, cho dù thời gian có dài đến đâu – không phải bởi vì phe + sản có thể làm điều ấy, cũng không phải bởi vì chúng ta chờ mong sự ủng hộ của những con người nghèo khó đó, mà bởi vì đây là điều đúng đắn nên làm. Nếu một xã hội tự do không thể giúp đỡ số đông những người nghèo khổ, thì xã hội đó cũng không thể cứu vớt số ít những người giàu có.
Với những nước cộng hòa anh em ở phía Nam biên giới, chúng ta đặc biệt cam kết: biến những lời nói tốt đẹp thành hiện thực, trong một liên minh mới hướng tới sự tiến bộ, để giúp đỡ những con người tự do và những chính phủ tự do thoát khỏi đói nghèo. Nhưng cuộc cách mạng hòa bình của hy vọng này không thể trở thành con mồi cho các thế lực đối lập. Hãy để các quốc gia láng giềng biết rằng chúng ta sẽ sát cánh cùng họ chống lại bất cứ cuộc xâm lược hay lật đổ nào xảy ra tại châu Mỹ. Và hãy để cho những nhà cầm quyền khác biết rằng chúng ta kiên quyết duy trì nền tự chủ trên bán cầu này.
Đối với Liên Hợp Quốc, liên minh của các quốc gia thượng đỉnh, nơi gửi gắm hy vọng tốt đẹp của chúng ta trong một thời kỳ mà vũ khí chiến tranh đã phát triển vượt xa các công cụ hòa bình khác, chúng ta tái cam kết hỗ trợ – để ngăn Liên Hợp Quốc trở thành một diễn đàn của các cuộc tranh cãi kịch liệt, để tăng cường lá chắn của Liên Hợp Quốc cho các quốc gia mới bước vào thế giới tự do cũng như các quốc gia còn yếu thế, và để làm lớn mạnh hơn tầm ảnh hưởng của tổ chức này.
Cuối cùng, đối với những quốc gia muốn trở thành kẻ đối lập với chúng ta, chúng ta không cam kết, mà yêu cầu rằng: hai bên bắt đầu một cuộc tìm kiếm hòa bình, trước khi sức mạnh đen tối mà khoa học giải phóng nhấn chìm nhân loại trong một cuộc tự hủy diệt có chủ đích hay là vô ý (*). Chúng ta sẽ không cho họ thấy rằng chúng ta yếu thế. Bởi vì chỉ khi vũ khí của chúng ta được đầy đủ, chúng ta mới chắc chắn rằng chúng sẽ không bao giờ được lấy ra sử dụng.
(*) Cuộc Chiến tranh Lạnh đã khiến hai phe, một bên là Mỹ và các cường quốc phương Tây, và một bên là Liên Xô cùng các quốc gia vệ tinh, chạy đua vũ trang, đặt biệt là công nghệ hạt nhân, công nghệ nhiệt hạch, tên lửa liên lục địa, và công nghệ vũ trụ.
Nhưng khi cả hai nhóm quốc gia siêu cường đều không cảm thấy thoải mái – bởi vì cả hai đều đang phải gánh chịu khoản chi phí khổng lồ dành cho vũ khí tối tân, khi cả hai đều hiểu sự nguy hiểm đang lan rộng với công nghệ hạt nhân, thì cả hai lại đều đang chạy đua để thay đổi sự cân bằng vốn đã không chắc chắn, điều có thể dẫn đến kết cục kinh hoàng là một cuộc chiến tranh cuối cùng hủy diệt nhân loại.
Vì thế chúng ta hãy bắt đầu lại mới – cả hai phía hãy ghi nhớ rằng sự lịch thiệp không phải là yếu đuối, và cần phải có sự minh chứng cho lòng trung thành. Chúng ta đừng thương lượng bởi vì sợ hãi, nhưng cũng đừng sợ hãi phải thương lượng.
Hãy để cả hai phía tìm kiếm các vấn đề để kết nối chúng ta, thay vì bóp méo những vấn đề gây chia rẽ. Hãy để cả hai phía, lần đầu tiên, đưa ra các đề xuất nghiêm túc và chính xác cho việc xét duyệt và kiểm soát vũ khí, và mang sức mạnh tuyệt đối có thể phá hủy các quốc gia khác nằm dưới sự kiểm soát tuyệt đối của tất cả các quốc gia. Hãy để cả hai phía tìm kiếm những điều kỳ diệu của khoa học thay vì sự đáng sợ của nó.
Chúng ta hãy cùng khám phá những vì sao, chinh phục các sa mạc, diệt trừ bệnh tật, thám hiểm đáy đại dương, khuyến khích cho nghệ thuật và thương mại. Hãy để hai bên liên hợp lại nhằm khiến cho mọi ngõ ngách trên hành tinh này có thể tuân theo lời yêu cầu của nhà tiên tri Isaiah (*) – rằng “gỡ bỏ mọi gánh nặng và giải phóng mọi áp bức”. Và nếu như hợp tác có thể thay thế cho nghi ngại, thì hãy để cả hai bên cùng nỗ lực tạo nên – không phải là một cán cân quyền lực mới, mà là một thế giới pháp trị – nơi sức mạnh đi cùng chính nghĩa, nơi kẻ yếu thế được bảo vệ, và nơi hòa bình được duy trì.
(*) Isaiah là một nhà tiên tri của người Do Thái, của người theo đạo Cơ đốc cũng như của Hồi giáo.
Những điều này sẽ không thể hoàn thành trong 100 ngày đầu tiên. Cũng không thể hoàn thành trong 1.000 ngày, cũng không thể hoàn thành trong nhiệm kỳ này của tôi, và thậm chí không thể hoàn thành trong một đời người. Nhưng ít nhất chúng ta hãy bắt đầu thực hiện chúng.
Hỡi nhân dân Mỹ, chính các vị chứ không phải là tôi, mới là người nắm giữ thành công hay thất bại của quá trình này. Kể từ khi đất nước này được sáng lập, mỗi thế hệ người Mỹ đều được hiệu triệu để chứng thực sự trung thành với tổ quốc. Phần mộ của các công dân Mỹ trẻ tuổi tham gia quân ngũ nằm rải rác trên khắp thế giới này. Và nay, tiếng kèn hiệu triệu lại vang lên – không phải là để cầm vũ khí, mặc dù chúng ta cần vũ khí; không phải là để chiến tranh, mặc dù chúng ta đã dàn trận; nó là tiếng kèn hiệu triệu cho một cuộc đối đầu tranh tối tranh sáng, năm này qua năm khác, “vui sướng trong hy vọng, nhẫn nại trong hoạn nạn”, một cuộc chiến chống lại kẻ thù chung của nhân loại: bạo ngược, đói nghèo, bệnh tật và chiến tranh.
Liệu rằng chúng ta có thể tạo ra một liên minh lớn toàn cầu, từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây, để có thể mang lại cho nhân loại một cuộc sống tươi đẹp chăng? Các bạn có sẵn lòng là một phần của nỗ lực mang tính lịch sử này không?
Trong lịch sừ dài đằng đẵng của thế giới, chỉ có một vài thế hệ trong chúng ta được trao cho vai trò bảo vệ tự do trong những thời khắc hiểm nguy nhất. Tôi không đứng ngoài trách nhiệm đang ở trước mắt chúng ta – tôi đón nhận nó.
Tôi tin rằng không ai trong chúng ta sẽ muốn đổi chỗ với bất cứ dân tộc hay thế hệ nào khác để trốn tránh trách nhiệm ấy. Năng lượng, đức tin, sự cống hiến mà chúng ta nỗ lực mang tới sẽ soi sáng tổ quốc, và những con người phụng sự cho đất nước. Và ánh sáng từ ngọn lửa ấy sẽ chiếu rọi khắp toàn cầu.
Vì thế, hỡi các công dân Mỹ, đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho chúng ta; hãy hỏi chúng ta có thể làm gì cho tổ quốc.
Hỡi người dân thế giới, đừng hỏi nước Mỹ có thể làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi rằng, cùng nhau, chúng ta có thể làm gì cho tự do của nhân loại.
Cuối cùng, dù bạn có phải là công dân nước Mỹ hay công dân của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, hãy yêu cầu ở chúng tôi sức mạnh và sự hy sinh cao độ, như chúng tôi yêu cầu các bạn. Với món quà duy nhất mà chúng ta chắc chắn đạt được là tấm lòng thiện lương, để lịch sử phán xét những hành động của chúng ta, hãy cùng tiến bước để dẫn dắt vùng đất mà chúng ta yêu quý, và cầu xin phước lành và sự giúp đỡ của Chúa trời, nhưng đừng quên rằng ở trên trái đất này, chúng ta cũng phải gánh vác những công việc mà Đấng tối cao an bài.
Trong quá trình biên dịch, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch sát nghĩa và thể hiện được tinh thần của bài diễn văn trong khả năng tốt nhất của mình, tuy nhiên để mang được cái hồn của những áng văn tới độc giả là một điều không dễ. Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến giúp cho bản dịch hoàn chỉnh và hay hơn.