Điện thoại thông minh đang hủy hoại văn hóa gia đình như thế nào?

DIỆU HUYỀN

  –  

Thứ năm, 30/06/2022 06:00 (GMT+7)

Điện thoại thông minh đã thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống, làm cho mọi thứ trở nên thú vị, dễ dàng hơn nhưng cũng để lại muôn vàn hệ lụy.

Điện thoại thông minh đang hủy hoại văn hóa gia đình như thế nào?
Điện thoại thông minh đang hủy hoại hạnh phúc gia đình như thế nào? Ảnh: AFP

Chị Hà Phương (trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rằng, gia đình mình là một ví dụ điển hình của việc “nghiện” thiết bị công nghệ.

Chị Phương kể, sau thời gian ở nhà vì dịch COVID-19, vợ chồng chị và 2 con đều có thế giới riêng trên điện thoại di động. Chị và chồng thường xuyên ôm điện thoại vì công việc, đọc tin tức, lướt Facebook. Trong khi đó, 2 con trai cũng ôm điện thoại, máy tính bảng với mục đích riêng.

Như nhiều gia đình khác, gia đình chị Phương thay đổi cách sinh hoạt sau khi trải qua thời kỳ dịch bệnh giãn cách xã hội. Ảnh: AFPNhiều gia đình đã thay đổi cách sinh hoạt sau khi trải qua thời kỳ dịch bệnh giãn cách xã hội. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia tâm lý, số lượng người dùng điện thoại di động và các thiết bị điện tử sau thời kỳ dịch bệnh tăng với tốc độ chóng mặt, kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại như tỉ lệ ly hôn, ngoại tình, các vấn đề về sức khỏe như cận thị, viêm loét dạ dày…

Dành nhiều thời gian cho điện thoại, ít quan tâm đến gia đình

Một thực trạng khá quen thuộc trong nhiều gia đình hiện nay là sau giờ cơm tối, mỗi người trong gia đình đều tự giải trí với những thiết bị như smartphone, máy tính bảng, laptop. Quỹ thời gian dành cho điện thoại thông minh đang “bòn rút” khoảng thời gian dành cho gia đình.

Khi ai cũng có cả thế giới trên điện thoại, các thành viên không còn nhu cầu trò chuyện cùng nhau. Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, thậm chí giữa những cặp vợ chồng đang bị “điện thoại” làm cho xa cách. 

Thay vì cùng nhau sinh hoạt chung, thay vì ngồi cùng nhau trò chuyện, cùng xem phim, cùng giao lưu, chơi trò chơi… nhiều gia đình chia nhau ôm điện thoại.

Điện thoại với nhiều hình thức giải trí như các phần mềm chat (messenger, telegram…), mạng xã hội, chơi game, nghe nhạc, xem phim… khiến con người không còn có nhu cầu giao tiếp, tâm sự hay chia sẻ.

Mọi người thích dành thời gian riêng để sử dụng điện thoại hơn là trò chuyện, tâm sự với gia đình. Ảnh: AFPMọi người thích dành thời gian riêng để sử dụng điện thoại hơn là trò chuyện, tâm sự với nhau. Ảnh: AFP

Khi bố mẹ, con cái, vợ chồng khi ít trò chuyện cũng đồng nghĩa với việc ít hiểu nhau hơn, dễ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.

Làm tăng nguy cơ ngoại tình, đổ vỡ hạnh phúc gia đình

Theo SCMP, nhiều chuyên gia tư vấn hôn nhân khẳng định nghiện điện thoại di động là nguyên nhân của 30% các vụ ly hôn.

“Nghiện điện thoại di động đã dẫn đến việc vợ chồng không giao tiếp được với nhau. Nếu một người dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, họ thường không chia sẻ công việc nhà và không quan tâm đến đối phương. Tất cả những vấn đề này cuối cùng sẽ dẫn đến ly dị”, Cao Hongling, một hòa giải viên Trung Quốc phân tích.

 30% số cặp đôi đến tìm chuyên gia tư vấn xuất phát từ cãi vã vì sử dụng điện thoại di động quá nhiều. Ảnh: Xinhua

Không chỉ người lớn, trẻ em khi nghiện các thiết bị điện tử cũng ít giao tiếp hơn với những người xung quanh. Chúng thích đắm chìm vào sở thích riêng, sống trong thế giới ảo.

Một số đứa trẻ ở tuổi dậy thì còn có sự thay đổi về tư tưởng. Cho rằng cha mẹ không biết quan tâm, không thấu hiểu vì họ cũng thích làm việc riêng giống mình.

Không chỉ làm hạn chế giao tiếp, điện thoại thông minh còn ảnh hưởng đến tư duy và sự phát triển toàn diện của trẻ

Điện thoại di động và các thiết bị điện tử ban đầu được sử dụng như một công cụ giải trí. Tuy nhiên nhiều cha mẹ bắt đầu lệ thuộc vào nó. Họ bắt đầu cho con cái tự do hơn trong việc sử dụng các thiết bị thông minh mà không hề biết rằng đây chính là “con dao hai lưỡi”.

Thị giác, giác quan vận động, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của trẻ đang trong giai đoạn mới chớm nở, lại không được tự do phát triển một cách bình thường ngay từ đầu, mà bị bó hẹp trong những gì hiện lên trên màn hình.

Trẻ em là đối tượng chủ yếu bị lệ thuộc vào điện thoại, thiết bị điện tử. Ảnh: AFPTrẻ em là đối tượng chủ yếu bị lệ thuộc vào điện thoại, thiết bị điện tử. Ảnh: AFP

Thiết bị di động sở hữu tần sóng điện từ mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng. Trong đó, trẻ con có khả năng hấp thụ 60% bức xạ chiếu ra từ điện thoại, gấp đôi khả năng hấp thụ của người trưởng thành. 

Tần suất sử dụng các thiết bị điện tử tăng cao dẫn đến việc rối loạn đồng hồ sinh học. Chưa kể những nội dung độc hại đang tràn lan trên các mạng xã hội có thể tác động xấu đến tư duy của trẻ từ rất sớm.