“Điểm mặt” 10 công ty gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất ở Việt Nam – Việt An Enviro
Nội Dung Chính
“Điểm mặt” 10 công ty gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất ở Việt Nam
Những công ty dưới đây đã và đang bị phát hiện là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đa số các công ty này vẫn đang hoạt động ở Việt Nam.
1. Formosa Hà Tĩnh
Formosa Hà Tĩnh đứng đầu danh sách đáng xấu hổ này vì là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Theo kết quả điều tra của Chính phủ, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD.
2. Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, dự án nhiệt điện than lớn đầu tiên của khu vực miền Nam đặt tại tỉnh Bình Thuận đưa vào thử nghiệm vận hành từ tháng 1/2015 đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Phản ứng với ô nhiễm khói bụi, vào tháng 4/2015, dân địa phương đã phong tỏa quốc lộ 1 để phản đối. Tháng 10/2015 và tháng 1/2016, tiếp tục có sự cố khiến nước từ bãi xỉ thải tràn ra ngoài khu dân cư, gió lốc khiến bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư do gây ô nhiễm môi trường.
3. Vedan Việt Nam
Sau hơn 1 năm bị phát hiện xả nước thải “chui” ra sông Thị Vải (tháng 9/2008), tháng 12/2009, Viện Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã công bố kết quả nghiên cứu dựa trên các quan trắc kỹ thuật cho thấy công ty bột ngọt Vedan đã gây ra 80% – 90% ô nhiễm cho sông Thị Vải, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, năm 2006, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường từng thanh tra đột xuất và phát hiện công ty Vedan xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải. Kết quả xử lý sai phạm tại Vedan đã tính đến các tình tiết tăng nặng. Tổng mức phạt hành chính với Vedan là 267,5 triệu đồng cho 12 lỗi vi phạm. Ngoài ra, Vedan phải nộp 127 tỷ đồng truy thu phí bảo vệ môi trường.
Công ty Vedan Việt Nam xây dựng nhà máy vào năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích 120 hecta. Sau khi nộp phạt và xử lý các vi phạm môi trường, Vedan vẫn tiếp tục hoạt động.
4. Mei Sheng Textiles Việt Nam
Tháng 5/2016, sau 6 lần bị phạt do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nhưng không chấp hành, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định niêm phong toàn bộ xưởng nhuộm của nhà máy công ty Mei Sheng Textiles Việt Nam.
Mặc dù không được cấp phép cho sản phẩm nhuộm nhưng công ty 100% vốn Đài Loan chuyên về dệt sợi này vẫn tự ý hoạt động nhuộm và xả thải trực tiếp vào hồ Đá Đen, nguồn cung nước sinh hoạt cho khoảng 1 triệu người dân trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào Việt Nam năm 2008, Mei Sheng Textiles Việt Nam mở rộng sản xuất nhiều lần, với tổng vốn đầu tư là 180 triệu USD.
5. Thuộc da Hào Dương
Trong thời gian dài, từ năm 2008, Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương bị phát hiện nhiều lần xả thải gây ô nhiễm môi trường ở kênh Đông Điền, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, với lượng chất thải vượt 10 lần quy chuẩn kỹ thuật.
Năm 2014, công ty bị đình chỉ hoạt động và phải nộp phạt 6,39 tỷ đồng. Do chây ỳ thực hiện nghĩa vụ, đơn xin hoạt động trở lại của công ty này vào tháng 12/2015 đã bị cơ quan chức năng từ chối.
6. Sonadezi Long Thành
Năm 2011, cục Cảnh sát môi trường (C49) bắt quả tang Sonadezi Long Thành, doanh nghiệp về xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã xả nước thải không đạt chuẩn ra rạch Bà Chèo.
Đến năm 2012, kết luận của viện Môi trường và tài nguyên cho thấy, 113,6 hecta trong tổng số 682,8 hecta rạch Bà Chèo bị ô nhiễm là do nước thải từ nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Long Thành, thuộc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành. Thiệt hại về sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên là 95% từ các năm 2008 đến 2010 và tám tháng đầu năm 2011.
Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành được thành lập năm 2003 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Long Thành. Năm 2008, công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
7. Đóng tàu Huyndai Vinashin
Từ năm 2007 đến 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa ba lần xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với công ty Huyndai Vinashin vì hành vi xả chất thải có chứa chất độc nguy hại.
Thay vì làm sạch vỏ tàu bằng công nghệ phun cát như dự kiến ban đầu, Huyndai Vinashin lại xin chuyển đổi công nghệ phun hạt nix (phế thải công nghiệp luyện đồng) nhập từ nước ngoài. Tính ra, có tới 800 nghìn tấn hạt nix không được xử lý, thải ra môi trường ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Được biết, hạt nix là một trong những chất thải cực kỳ nguy hại cho môi trường cũng như cho sức khỏe cộng đồng. Trường hợp chất thải trên thấm vào nguồn nước sinh hoạt sẽ khiến người dân mắc một số bệnh về tiêu hóa, hô hấp và các loại ung thư.
8. Dệt nhuộm Pangrim Neotex
Đây là công ty nhiều năm gây ô nhiễm môi trường ở tỉnh Phú Thọ. Năm 2003, doanh nghiệp dệt nhuộm Hàn Quốc này bị đưa vào danh sách “Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Vào Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2006, Pangrim Neotex mới xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất xử lý theo thiết kế 3.500m3 nước/ngày đêm nhưng hệ thống nước thải dần dần xuống cấp và không thể đáp ứng nhu cầu mở rộng liên tục của công ty.
Năm 2009, cơ quan chức năng ở Phú Thọ tiếp tục khuyến cáo Pangrim Neotex gây ô nhiễm ở mức cao. Năm 2010, cảnh sát môi trường bắt quả tang công ty không vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng thiết kế, xả 2.000 – 2.200m3/ngày đêm nước thải chưa xử lý trực tiếp ra sông Hồng.
Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, nồng độ chất rắn lơ lửng vượt 16,5 lần; ô nhiễm chất hữu cơ như COD vượt 10,5 lần, đặc biệt nồng độ crôm VI vượt gần 7 lần, độ màu vượt gần 25 lần. Công ty bị phạt 370 triệu đồng. Năm 2016, Pangrim Neotex tiếp tục lập đề án mở rộng sản xuất.
9. Miwon
Năm 2014, cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt công ty TNHH Miwon Việt Nam, có nhà máy sản xuất thực phẩm chủ yếu bột ngọt tại TP. Việt Trì (Phú Thọ) 515 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên.
Tháng 4/2014, UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty TNHH Miwon do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Trước đó, năm 2008, Miwon Việt Nam cũng từng bị cảnh sát môi trường Phú Thọ phát hiện xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xuống sông Hồng trong gần một năm liền.
Lãnh đạo nhà máy bột ngọt này thừa nhận, mỗi ngày xả tới 150m3 nước thải bẩn. Thành lập năm 1994, nhà máy của công ty Hàn Quốc này có công suất hiện tại đạt xấp xỉ 30 nghìn tấn bộ ngọt một năm.
10. Mía đường Hòa Bình
Tháng 5/2016, cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, tỉnh Hòa Bình gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và kinh tế của người dân hai huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc và vùng hạ lưu. Thủ phạm được xác định là công ty mía đường Hòa Bình, đơn vị xả thẳng nước thải chưa qua xử lý của nhà máy ra sông Bưởi, với lưu lượng 250 – 300m3/ngày đêm.
Sông Bưởi là nguồn cung cấp nước thô cho nhà máy nước Kim Tân, phục vụ nước sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành. Công ty mía đường Hòa Bình sau đó bị tạm đình chỉ hoạt động 6 tháng, phạt 480 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường đồng thời bị buộc phải bồi thường cho các hộ nuôi cá lồng ven sông.
Trước đó, các cơ quan chức năng từng xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường của các công ty như mía đường Sơn La, công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), công ty cổ phần mía đường Cà Mau, công ty cổ phần mía đường Trà Vinh.
Tuyết Nhung/ Báo bizlive.vn
Có thể bạn quan tâm:
+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp
+ Cẩm nang bảo vệ môi trường dành cho chủ Doanh nghiệp
+ Sổ tay hướng dẫn xử lý nước thải của một số ngành công nghiệp quan trọng (Chế biến Thủy sản, Dệt may, Giấy và bột giấy)
+ Ngày 1/8/2016 Thanh tra tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp có xả thải lớn trên cả nước
+ 5 lý do bạn nên lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động
[:]