Dịch vụ trông nhà dịp Tết: Gần 4 triệu/ngày

Với mức giá từ 1,5 – 3,6 triệu đồng/ngày (tùy khu vực), tính sơ sơ, nếu đi vắng trong 9 ngày Tết, người có nhu cầu phải bỏ ra từ 10 – 30 triệu đồng để thuê người trông nhà dịp Tết.


Dịch vụ trông nhà dịp Tết: Tp.HCM “cười”, Hà Nội “khóc”

Được nghỉ Tết được 9 ngày, chị Vũ Thu Hằng (nhà ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã lên kế hoạch cho cả gia đình đi du lịch tại Nha Trang.

Vé máy bay cũng đã đặt sẵn, giờ chị chỉ lo tìm bảo vệ cho ngôi nhà trong khi cả gia đình đi vắng. Vì nếu không có người trông giữ, chắc chắn khi trở về, đồ đạc sẽ bị “khoắng” hết.

Ngày Tết đã cận kề, chị Hằng vội vã gọi điện đến một vài công ty để đặt dịch vụ trông nhà từ ngày 27 (tháng Chạp) cho tới mùng 6 (ÂL) và được báo giá với mức 1,2 – 1,5 triệu/ngày.

So với mọi năm, dịch vụ trông nhà dịp Tết năm nay có sự chênh lệch rõ nét giữa 2 miền Nam – Bắc.

Tại địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP dịch vụ bảo vệ Thuận Phát (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai) than thở, thời điểm này năm ngoái, công ty còn không có nhân viên để làm.

Số lượng hợp đồng lên tới con số hàng trăm, công ty buộc phải từ chối 2/3 đơn hàng với nhiều lý do. Tuy nhiên, năm nay, tính cho tới thời điểm này (cách Tết 1 tháng), công ty mới chỉ nhận được 3 hợp đồng chủ yếu từ 28 Tết cho tới mùng ngày 6 (ÂL).

“Cứ theo đà này, tôi chắc Tết này sẽ không đông như năm ngoái. Tp.HCM chắc sẽ đắt hàng hơn vì nhu cầu cao hơn ngoài Bắc, tập trung nhiều nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, trong khi ở HN, chủ yếu là cơ quan hành chính Nhà nước, họ đã có bảo vệ riêng.

{keywords}

Thêm vào đó, Tp.HCM cũng tụ hội nhiều người xa quê sinh sống, Tết đến, họ phải về quê ăn Tết nên dịch vụ trông nhà “nóng” và “sốt” hơn” – ông Phong nhận định.

Cũng theo ông Phong, với mức giá dịch vụ rơi vào khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/ngày, “dịch vụ trông nhà ngày Tết chỉ dành cho giới nhà giàu, lắm tiền nhiều của, còn những hộ dân trung bình thì không thuê dịch vụ này”.

“Qua quá trình làm việc, tôi thấy, chủ yếu là nhà giàu hoặc nhà trên thành phố, về quê ăn Tết, chứ không có công nhân viên chức thuê.

Những người giàu khi thuê dịch vụ, chủ yếu họ soi rất kỹ về hợp đồng, trách nhiệm của bảo vệ và những điều khoản liên quan tới đền bù thiệt hại” – ông Phong nhấn mạnh.

Tại thị trường Tp.HCM, sau vụ thảm sát ở Bình Phước và hàng loạt các vụ giết người, cướp của, đột nhập mang tính chất manh động, sự lo lắng của người dân càng tăng cao nhất là khi họ rời nhà về quê ăn Tết, hoặc đi du lịch, vắng nhà.

Với lý do đó, ông Trần Văn Thụ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đất Việt cho hay, nhu cầu trông nhà Tết 2016 này tăng 30% so với năm ngoái, mức giá dao động từ 80.000 – 150.000 đồng/giờ, tức 2 – 3,6 triệu đồng/ngày.

Mức giá thuê cao hay thấp phụ thuộc vào số lượng ngày thuê, tùy thuộc vào mức độ phức tạp và rủi ro của khu vực nơi người thuê sinh sống.

Nếu nhà nào ở nơi không đảm bảo an ninh, không có tường rào, nhà cửa dễ bị đột nhập hay còn gọi là khu vực “mở” thì giá sẽ cao hơn so với khu vực “tĩnh”.

Bên cạnh đó, những ngôi nhà có giá trị tài sản không cao thì phí dịch vụ sẽ thấp hơn so với nhà có giá trị tài sản “khủng” (như nhà cổ, nhà có nhiều đồ quý, hiếm…). Sở dĩ giá dịch vụ cao vì tính rủi ro cao, khi xảy ra sự cố phải đền bù thiệt hại về vật chất.

“Hiện tại, chúng tôi đã có 20 đơn đặt hàng, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thông thường, người dân đặt nhiều nhất là vào thời điểm cách Tết khoảng 1 tháng và kéo dài cho tới ngày 20 Tết (ÂL)” – ông Thụ nói.

Đừng “giao trứng cho ác”

Với mức giá từ 1,5 – 3,6 triệu đồng/ngày (tùy khu vực), tính sơ sơ, nếu đi vắng trong 9 ngày Tết, người dân Việt để đảm bảo an toàn cho ngôi nhà của mình buộc phải bỏ ra chi phí khoảng 15 – 30 triệu đồng.

Bên cạnh các chi trả cho nhu cầu thiết yếu vào dịp lễ Tết, việc rút hầu bao với mức tiền không nhỏ này khiến nhiều người đau đầu lựa chọn giải pháp.

Không ít gia đình đã có ý định thuê người quen biết, hàng xóm hoặc sinh viên, những người về hưu trông nhà giúp. Bởi mức giá họ đưa ra thấp tới 10 lần sao với các công ty bảo vệ, tầm 130.000-150.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dùng nên cân nhắc khi tính tới bài toán kinh tế. Bởi khi thuê những người không đảm bảo hoặc không có tư cách pháp nhân, khi sự cố xảy ra, tài sản bị mất, họ có thể “mất của chạy lấy người”.

Hơn nữa, các sinh viên hay những người hàng xóm, quen biết không được đào tạo về nghiệp vụ bảo vệ chuyên nghiệp sẽ không có kinh nghiệm trong việc xử lý khi có kẻ gian đột nhập.

“Thuê sinh viên, cán bộ về hưu tuy lợi về giá cả, rẻ hơn công ty bảo vệ nhưng những người đó chẳng may ốm đau hoặc bỏ đi chơi, có vấn đề gì xảy ra, người thuê sẽ cảm thấy quyết định thuê của mình là sai lầm.

Hoặc nhiều trường hợp gặp ông nào đó tính “tắt mắt” lấy cái này, cái kia có giá trị một chút thì gia chủ khó đòi bồi thường được

Bên cạnh đó, ngay cả khi thuê công ty bảo vệ, ở một số đơn vị kém uy tín, nhân viên bảo vệ còn mở tủ lạnh của nhà người ta để ăn uống, gọi bạn bè tới uống bia, rượu rồi say và để xảy ra tình trạng mất đồ” – Phó TGĐ Công ty Thuận Phát cho hay.

Vì vậy, giữa 600 – 700 công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ trông nhà tại Tp.HCM và 500 đơn vị ở Hà Nội, thị trường hỗn độn, “thượng vàng hạ cám”, các hộ gia đình cũng nên thận trọng khi “lựa mặt gửi vàng”.

Những ghi nhớ “vàng” khi thuê dịch vụ trông nhà ngày Tết

Để chọn đúng công ty bảo vệ uy tín, yên tâm khi thuê trông giữ nhà ngày Tết, ông Trần Văn Thụ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đất Việt lưu ý:

– Thứ nhất, người dân nên đến văn phòng, trụ sở của họ để xác nhận tính xác thực của thông tin, xem hoạt động và giá trị tài sản của văn phòng đó như thế nào.

– Thứ hai, nên yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ chứng minh những khách hàng đã làm qua bằng các danh sách cụ thể hoặc cung cấp số điện thoại khách hàng cũ để khách mới kiểm tra khách quan.

– Thứ ba, tìm kiếm trên mạng ở những kênh thông tin của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, năng lực cạnh tranh và các hoạt động khai báo thuế cũng như các vi phạm liên quan tới chính sách của Chính phủ của đơn vị đó.

– Ngoài ra, khi thuê dịch vụ, 2 bên cần phải làm hợp đồng, kiểm đếm rõ ràng về các tài sản, không phải di dời cũng như không cần phải giấu giếm.

Tốt nhất những tài sản có giá trị và nhỏ lẻ (như tiền bạc, vàng), gia chủ nên cất đi hoặc gửi ở 1 nơi an toàn hay bỏ vào két trong phòng kín và khóa cửa, niêm phong.

– Để cẩn thận, người dân có thể chụp ảnh hoặc quay lại video các tài sản để khi nhận so sánh xem có đúng hiện trạng đó không.

Khi công ty bảo vệ tiếp nhận nhà, khi vào bên trong, công ty bảo vệ phải giới hạn khu vực đi lại dành cho nhân viên của chính mình.

Vì nếu không giới hạn, nhân viên bảo vệ khi nhìn thấy của cải có thể có ý đồ xấu, không thể lường trước được.

Ví dụ chỉ cho phép tuần tra ở dưới tầng 1, còn tầng 2 và tầng 3 khóa lại và niêm phong.

Nếu bị đột nhập, mất niêm phong thì công ty bảo vệ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đền bù tài sản nếu mất cho gia chủ.

(Theo Tri thức trẻ)