Dịch vụ kế toán doanh nghiệp thương mại dịch vụ

1. Kế toán doanh nghiệp là gì?

Đầu tiên, chúng ta cùng xem thử kế toán doanh nghiệp trong kế toán là gì? Kế toán doanh nghiệp là người thực hiện những việc như thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động tại các doanh nghiệp. Kế toán doanh nghiệp đã được chia thành hai bộ phận chính là kế toán thuế và kế toán nội bộ.

– Kế toán thuế chịu trách nhiệm giúp doanh nghiệp vận hành theo đúng quy định, chế tài của pháp luật sở tại hiện hành. Đây là bộ phận đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước cũng như có thể tiếp cận kịp thời, chính xác với các chính sách, ưu đãi mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp.

– Kế toán nội bộ hay kế toán quản trị, là bộ phận có trách nhiệm tập hợp tất cả những phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp để cho ra số liệu chính xác với quá trình hoạt động thực của doanh nghiệp.

2. Những điều kế toán doanh nghiệp cần biết

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay còn gọi là Giấy phép kinh doanh: Là giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp đã được thừa nhận và cấp phép bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nội dung cơ bản được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số doanh nghiệp và một số thông tin khác.

– Chứng từ kế toán: Đây là những giấy tờ phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đã hoàn thành và được sử dụng để làm căn cứ ghi vào sổ kế toán. Về cơ bản, có thể phân loại chứng từ kế toán thành các nhóm như sau:

+ Chứng từ liên quan đến tiền mặt: phiếu thu, phiếu chi, giấy đề nghị tạm ứng, giấy đề nghị thanh toán,…

+ Chứng từ liên quan đến Ngân hàng: ủy nhiệm chi, séc, báo nợ, báo có, sổ phụ ngân hàng,…

+ Chứng từ liên quan đến tiền lương: hợp đồng lao động, quy chế doanh nghiệp, bảng chấm công, bảng tính lương, bảng thanh toán lương …

+ Chứng từ liên quan đến mua bán hàng: hợp đồng mua bán, đơn đặt hàng, phiếu giao hàng, hóa đơn giá trị gia tăng mua vào, hóa đơn giá trị gia tăng bán ra, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho,…

+ Chứng từ liên quan đến doanh thu – chi phí.

– Hệ thống báo cáo sổ sách, báo cáo thuế: Là những giấy tờ liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nộp cho cơ quan Thuế. Hệ thống báo cáo và sổ sách kế toán được quy định cụ thể trong thông tư 200/2014/TT-BTC và thông tư 133/2016/TT-BTC. Còn báo cáo thuế là hoạt động kê khai tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp dựa trên cơ sở là các chứng từ, sổ sách kế toán hợp lý, hợp lệ theo mốc thời gian quy định cụ thể của từng loại báo cáo.

– Các loại thuế quan trọng: Trong quá trình hoạt động, một doanh nghiệp sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp các loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (kê khai và nộp thay cho người lao động).

– Báo cáo tài chính năm: Là tập hợp của nhiều báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động kinh doanh, tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phát sinh, thực trạng tài chính cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Một báo cáo năm cơ bản sẽ bao gồm các tờ khai quyết toán thuế năm (thuế TNDN, thuế TNCN), bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và thuyết minh báo cáo tài chính.

3. Vai trò của kế toán doanh nghiệp

Kế toán luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, một doanh nghiệp có bộ phận kế toán vận hành tốt sẽ giúp cho lãnh đạo thực hiện quản lý và điều hành tốt hoạt động tài chính kinh doanh.

Các vai trò của kế toán doanh nghiệp bao gồm:

  • Cung cấp số liệu, tài liệu giúp lãnh đạo đạo vạch ra những kế hoạch tài chính, hoạt động kinh doanh
  • Giúp lãnh đạo doanh nghiệp cân đối tài chính hợp lý, đưa ra những quyết định phù hợp trong việc tăng/hạ giá thành sản phẩm, thực hiện giám sát và quản lý các hoạt động một cách hiệu quả nhất
  • Các số liệu kế toán doanh nghiệp cung cấp là bằng chứng quan trọng chứng minh hành vi thương mại trong trường hợp xảy ra các mâu thuẫn cần giải quyết và khiếu nại.
  • Thực hiện tốt việc quản lý rủi ro và bảo hiểm cho doanh nghiệp
  • Là cơ sở vững chắc trong việc thực hiện các giao dịch buôn bán và duy trì các mối liên kết giữa các bộ phận trong doanh nghiệp
  • Thực hiện tốt vai trò quản lý chi phí thông qua việc lập kế hoạch và dự báo ngân sách chi tiết, hạn chế tối đa những chi phí không cần thiết
  • Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin để đưa ra những cách tính thuế tốt nhất, hạn chế thất thu thuế và hỗ trợ chính quyền trong việc soạn thảo, ban hành những luật lệ về thuế