Đi tìm giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu
– Làm thế nào để đưa những giá trị chuẩn mực của một công dân toàn cầu thấm nhuần vào nhận thức và hành động ở mỗi con người Việt Nam? Sáu vị khách mời cùng chia sẻ với bạn đọc tại Bàn tròn trực tuyến về vấn đề này.
Xu hướng toàn cầu hóa với sự phổ cập của những giá trị phổ quát cả trong đời sống kinh tế- xã hội và giao lưu văn hóa đang mở ra rất nhiều cơ hội cho tuổi trẻ Việt Nam phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu. Khi có đủ phẩm chất năng lực của công dân toàn cầu, chúng ta không chỉ nâng cao năng lực và tâm thế toàn cầu cho bản thân mình mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, giúp cho việc phát triển cộng đồng thế giới thịnh vượng và tôn vinh giá trị bản sắc riêng của mỗi quốc gia, của dân tộc mình.
Năm 2012, tổ chức UNESCO đã đưa ra hệ giá trị chuẩn mực chung của công dân toàn cầu nhằm khuyến khích mỗi công dân, mỗi quốc gia hướng theo giá trị chuẩn mực chung này. UNESCO đã phối hợp với trường Đại học UCLA tổ chức chương trình giáo dục công dân toàn cầu và xây dựng sáng kiến Thẻ điểm công dân toàn cầu, Thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu.
Tuy nhiên, với Việt Nam, khái niệm “công dân toàn cầu” còn khá mới mẻ. Vậy làm thế nào để đưa những giá trị chuẩn mực của một công dân toàn cầu thấm nhuần vào nhận thức mỗi con người Việt Nam? Làm thế nào để chương trình Thẻ điểm của công dân toàn cầu, Thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu thực sự đi vào cuộc sống của mỗi công dân Việt Nam một cách hữu ích?
Chương trình Bàn tròn trực tuyến kỳ này của VietNamNet mời quý vị bạn đọc theo dõi với chủ đề “Những giá trị chuẩn mực của công dân toàn cầu”.
Chương trình có sự tham gia của 6 khách mời:
– GS. Carlos Torres, Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu. Ông là giáo sư đặc biệt xuất sắc của Đại học UCLA.
– GS. Anna Steinbach Torres, thành viên của chương trình Giáo dục công dân toàn cầu.
– TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
– GS. Trần Ngọc Vương, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
– Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet.
– Bà Đỗ Thị Thoan, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng.
Theo dõi phần I bàn tròn trực tuyến tại video sau:
Công dân toàn cầu làm tăng thêm giá trị công dân quốc gia
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các khách mời, chúng ta đã từng nghe tới khái niệm công dân toàn cầu song, những giá trị cốt lõi của khái niệm công dân toàn cầu là gì hẳn còn nhiều tranh luận. Thưa TS. Nguyễn Sĩ Dũng, ông có góc nhìn như thế nào về những giá trị cốt lõi của công dân toàn cầu?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Công dân toàn cầu có 2 định nghĩa hơi khác nhau, một định nghĩa là người có nhiều quốc tịch, có thể làm việc ở nước này và sống ở nước kia, giao lưu trên toàn cầu. Định nghĩa thứ hai của công dân toàn cầu, là hình thành nên một cộng đồng các thành viên chia sẻ những giá trị của toàn cầu, đó là công dân toàn cầu.
Thế thì những giá trị toàn cầu đó là những giá trị gì? Theo tôi, rõ ràng là phải những giá trị bao trùm của toàn cầu, nó gồm tất cả các lĩnh vực thuộc trách nhiệm toàn cầu, cái dễ thấy nhất là bảo vệ môi trường, là chống tin tặc, an ninh mạng… Những thứ gì kết nối toàn cầu thì nó tạo nên giá trị toàn cầu, chẳng hạn, tất cả mọi người chia sẻ giá trị toàn cầu ví dụ như mục tiêu hòa bình. Chúng ta có một cộng đồng gắn kết với nhau đấu tranh vì những mục tiêu đó. Và nhờ công nghệ thông tin truyền thông hiện đại đã tạo nên một cộng đồng thông tin, thành viên của cộng đồng đó là công dân toàn cầu.
Nhà báo Phạm Huyền: Công dân toàn cầu gắn bó mật thiết với thế giới phẳng hiện nay. Thưa GS Carlos Torres, với tư cách là Chủ tịch của Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu, xin ông lý giải cụ thể hơn về khái niệm này?
GS Carlos Torres: Tôi tin rằng những gì chúng ta cần làm là tìm ra mối liên hệ giữa công dân quốc gia và công dân toàn cầu. Một trong những yếu tố quyết định đó chính là công dân toàn cầu sẽ gia tăng thêm giá trị cho công dân quốc gia. Vậy thì bằng cách nào? Có 3 điều cần có để đạt được điều này.
Thứ nhất là sự phát triển một quốc gia trong hòa bình. Điều này có nghĩa là sự phát triển cần chú trọng nhiều hơn vào tính thống nhất đoàn kết, ví dụ như trong bảo vệ môi trường.
Thứ hai đó chính là sự chú tâm phát triển nhiều hơn vào khả năng chống đỡ, kháng chịu, trước những vấn đề mang tính hệ quả trên hành tinh, ví dụ như việc chạy theo số lượng trong phát triển mà coi nhẹ những vấn đề khác quan trọng hơn…
GS Carlos Torres, Chủ tịch Chương trình giáo dục công dân toàn cầu
Và thứ ba là sự giáo dục công dân mang tính toàn cầu về những giá trị cuộc sống, chẳng hạn như về tự do, hạnh phúc. Bất kỳ ai, ở quốc gia nào cũng muốn hạnh phúc, nhưng chúng ta không thể có được điều đó nếu tất cả các công dân trên hành tinh này không hướng tới hòa bình- một giá trị chuẩn mực của giáo dục công dân toàn cầu.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS Trần Ngọc Vương, là một nhà nghiên cứu rất sâu về các vấn đề văn hóa của người Việt, ông nghĩ như thế nào về giá trị cốt lõi của một công dân toàn cầu đối với người Việt? Liệu những giá trị này có gì tương thích ra sao với những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam, với đặc thù mô hình cộng đồng làng, xã rất phát triển?
GS. Trần Ngọc Vương: Bàn về mối quan hệ giữa tính toàn cầu và tính địa phương, một trong những điểm thường được nhấn mạnh nhiều là tính dân tộc và tính quốc gia. Những điều đó đã được mổ xẻ, bàn thảo ở nhiều công trình nghiên cứu từ trước đến nay, nhưng để rút ra được những điểm chung về giá trị chuẩn mực về thì hiện, còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trong cách hiểu của tôi, công dân toàn cầu là một khái niệm đang định hình. Trong đó, có những yếu tố đang trong quá trình hình thành, có những yếu tố còn phải trải qua những tiếp xúc va chạm, tương tác giữa các nền văn hóa, giữa các quốc gia thì lúc đấy nó mới hình thành nên được những chuẩn giá trị của công dân toàn cầu.
GS Trần Ngọc Vương, giảng viên trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG HN
Đối với Việt Nam, những vấn đề về công dân toàn cầu thực ra còn tương đối mới. Việt Nam được nhiều người coi là một quốc gia nằm ở chính ngã tư, ngã năm giao thoa các nền văn hóa quốc tế. Nhưng trên thực tế là từ lúc hình thành nên quốc gia, dân tộc Việt Nam, tính giao lưu văn hóa theo nghĩa đó vẫn còn hẹp. Bởi sự tiếp xúc về mặt biên giới với một số quốc gia của ta vốn là hẹp.
Ta cứ hình dung một số quốc gia ở châu Âu chẳng hạn, một quốc gia giữa châu Âu dù bé thôi nhưng họ có thể tiếp xúc ngay một lúc với hàng chục quốc gia bên cạnh và với nhiều ngôn ngữ khác nhau và với nhiều sự giao lưu khác nhau. Do vậy, người ta hình thành rất sớm ý thức sống chung với hàng xóm như thế nào và từ đó, nảy sinh những suy nghĩ về giá trị chuẩn mực chung.
Chứ còn ta, đến tận thời giao thoa Đông-Tây, Việt Nam mới mở ra tiếp xúc được nhiều với công dân toàn cầu, chứ trước đây thì ngay cả tiếp xúc với các nước trong khu vực như là Indonesia, Malaysia, Philippines từ thế kỉ XVIII trở đi là hết sức là thưa thớt.
Cho nên, não trạng về câu chuyện công dân toàn cầu của người Việt Nam thực ra chưa được cao và chưa được nhiều. Đây chính là công việc mà chúng ta còn phải làm để hình thành nên những chuẩn mực và những giá trị của công dân toàn cầu.
Nhà báo Phạm Huyền: Năm 2002-2003, khi internet bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, tôi nghe nhiều đến khái niệm là công dân @, một hình ảnh con người rất hiện đại mới mẻ với những kỹ năng công nghệ thông tin kết nối toàn cầu. Phải chăng, đó là manh nha của những giá trị con người ngày nay mà chúng ta nhắc là công dân toàn cầu.
Thưa bà Đỗ Thị Thoan, bà nghĩ như thế nào về điều này?
Bà Đỗ Thị Thoan: Một công dân toàn cầu, trước hết là một công dân của một quốc gia, mà đã là một công dân, một con người thì giá trị cốt lõi chính là phải có đạo đức, có trách nhiệm và có tình yêu thương nhân ái, biết chia sẻ, biết gánh vác và biết cả nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Đó là những điều cốt lõi để làm người và làm công dân.
Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, giá trị đạo đức của một công dân toàn cầu còn thể hiện ở chính những việc như đưa thông tin lên mạng xã hội một cách có trách nhiệm… Nếu không có đạo đức và trách nhiệm, khi chúng ta đưa thông tin bằng một click chuột rất nhanh nhưng não bộ hoạt động chậm hơn thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn gây ra những xung đột không cần thiết. Những kiến thức, giá trị đó không phải ngày một ngày hai có được.
Vậy để làm công dân toàn cầu thì phải hiểu được những vấn đề của toàn cầu, phải hiểu được mục đích của toàn cầu, hiểu được xem là mình, tức là tôi muốn làm cái này để làm gì? Và tác động đến toàn cầu ra sao?
Bà Đỗ Thị Thoan, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng
Một người nông dân sản xuất bây giờ không phải là cho mình, cho cộng đồng của mình mà còn phải an toàn cho toàn bộ cộng đồng toàn cầu ngoài thị trường.
Hoặc là một người nông dân trồng rừng thôi, nhưng cũng là một công dân toàn cầu khi họ đóng góp rất lớn cho bảo vệ môi trường.
Hoặc là các bạn làm báo chí đưa những hình ảnh không lời lên nhưng nó kêu gọi được những trái tim nhân ái của toàn cầu để đấu tranh về một điều gì đó tốt đẹp/
Tôi nghĩ, mỗi một con người đóng góp ở một cái khía cạnh khác nhau làm nên giá trị công dân toàn cầu. Có những quan niệm rất mới nhưng tôi vẫn quay trở lại vấn đề cốt cách làm người trong cái giá trị toàn cầu hiện nay và trong đó, các vấn đề đạo đức cần phải được nâng cao hơn nữa thì mới tránh được xung đột không cần thiết.
Thẻ điểm công dân toàn cầu: Khuyến khích con người hướng chuẩn
Nhà báo Phạm Huyền: Chương trình giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO phối hợp với đại học UCLA đã xây dựng sáng kiến Thẻ điểm công dân toàn cầu và Thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu, tôi nghĩ rằng cũng là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam.
Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, xin ông giải thích thêm với bạn đọc về các chương trình và nó có ý nghĩa như thế nào đặc biệt là đối với Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Các vị giáo sư và các khách mời cũng đã nói nhiều về chuẩn mực và giá trị của một công dân toàn cầu. Tôi nghĩ rằng, việc thống nhất vấn đề này cũng không quá khó bởi nó có những chuẩn chung tương đối. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là thực hành như thế nào, làm thế nào để mỗi công dân trên thế giới thấy được cái giá trị đó rồi thực hành trong cuộc sống của mình?
Chúng tôi đưa ra những giải pháp để hướng dẫn, khuyến khích mọi người thực hành những giá trị đó và muốn thực hành thì phải có cái chuẩn đánh giá, đong, đo đếm được.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Diễn đàn toàn cầu Boston, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet
Chúng ta thấy, trong quản trị chiến lược doanh nghiệp, có thẻ điểm Balanced Scorecard- BSC (thẻ điểm cân bằng- PV) rất nổi tiếng. Trong thể thao, cầu thủ bóng chày của Mỹ cũng có thẻ điểm là Shooter Bubble cho mỗi cầu thủ, đánh giá những giá trị cống hiến hoặc thành tích hoạt động của một đời cầu thủ như thế nào.
Vậy thì, con người ta cũng vậy, hoạt động trong một thế giới toàn cầu hóa với những giá trị chuẩn mực, chúng ta có những thẻ điểm đánh giá trong các môn học thì chúng ta cũng cần có những thẻ điểm đánh giá con người trên những giá trị chuẩn mực chung ấy. Đó là xuất phát điểm để ra đời khái niệm Thẻ điểm Công dân toàn cầu, Thẻ điểm Lãnh đạo toàn cầu nhằm mục đích định lượng hóa và chuẩn hóa được những giá trị.
Ngay cả trên Facebook hiện nay, chúng ta cũng tranh luận rất nhiều và có nhiều người nói đến loạn chuẩn, chúng ta không có một cái chuẩn nào.
Ví dụ, chúng ta thấy là một người đàn ông rất nhiều tiền và ông ta nằm cái giường 4 tỷ, cái giường rất đắt, 4 tỷ, đó là một giá trị. Trong khi đó, cuộc đời còn rất nhiều các giá trị khác, giá trị sáng tạo, giá trị nhân văn, nhân ái trong cuộc đời hoặc là giá trị sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ mới, rất xứng đáng và thậm chí đáng được tôn vinh.
Thẻ điểm công dân toàn cầu, thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu chỉ ra thế nào là giá trị của một người lãnh đạo trong toàn cầu để mọi người soi rọi vào. Trong chương trình giáo dục công dân toàn cầu dưới sự lãnh đạo của GS. Carlos Torres, chúng tôi đã xây dựng rất rõ, chi tiết các vấn đề này. Các bạn có thể truy cập vào website của chương trình giáo dục công dân toàn cầu của đại học UCLA thì sẽ thấy rất rõ các hướng dẫn để áp dụng, mạng giáo dục công dân toàn cầu cũng trong đó có.
Nói tóm lại, những giá trị chuẩn mực toàn cầu như chúng ta thấy, cuối cùng, cuộc đời chúng ta làm được gì cho nhân loại? Bất kỳ cương vị nào, kể cả là làm lãnh đạo, là chủ tịch nước, là thủ tưởng hay là tổng thống của một quốc gia nhưng cuối cùng, con người ấy để lại những gì, những đóng góp những gì, cống hiến cho xã hội, cho nhân loại điều gì…
Trong chương trình Thẻ điểm lãnh đạo toàn cầu, chúng tôi cũng đánh giá những giá trị như là chính sách, quyết sách của vị lãnh đạo đó có ích và đóng góp cho nhân loại trong phạm vi quốc gia, hay trong cộng đồng, khu vực hay là một thế giới.
Ví dụ như những doanh nghiệp sáng tạo mới như Microsoft, Google, Facebook… những nhà sáng tạo công nghệ, những nhà kinh doanh giỏi, tạo ra những tập đoàn sản phẩm trí tuệ cao và ảnh hưởng tới giá trị phát triển của đời sống nhân loại trong ngày hôm nay thì được ghi nhận rất cao.
Hoặc có những nghệ sĩ sáng tạo ra những bản nhạc hay những bức tượng có ý nghĩa và những tác phẩm có ý nghĩa nhân loại đó là những giá trị cần được tôn vinh và được ghi điểm rõ ràng.
Hoặc là những người bình thường, không có tài năng sáng tạo thì họ sẽ có trách nhiệm như bà Thoan vừa nói đến, đó là tính nhân ái và trách nhiệm cao với cộng đồng. Điều đó có thể thể hiện ngay qua những việc thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng những điều tốt đẹp bằng công sức, bằng thời gian của mình.
Không phải bằng những phát minh sáng chế nhưng bằng những việc thiện nguyện tốt đẹp, công dân đó sẽ được ghi nhận. Bởi họ làm được những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Giá trị công dân toàn cầu không phải ở việc người nào có nhiều tiền có nhiều xe sang, đồ hiệu…
Tôi nghĩ rằng, ở nhiều nước, những giá trị này còn đang chưa định hình rõ, còn đang cãi nhau. Song, có những chuẩn mực, nhận định đúng và từ cái đúng này con người sẽ hành động đúng, sẽ có những hướng đi đúng trong cuộc sống của mình.
Tôi nghĩ đó là những giá trị cốt lõi và với những hệ thống chuẩn mực này, chúng tôi đã giới thiệu rõ ràng cụ thể trong tạp chí Global Commons Review (Tạp chí Giá trị chung toàn cầu) do tôi và GS. Carlos Torres đồng sáng lập, GS. Carlos Torres là Tổng biên tập, tôi là Phó tổng biên tập (tháng 3 vừa qua, đã giới thiệu tại một Hội nghị của UNESCO ở Canada).
Tôi nghĩ đây là vấn đề mới không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới. Tất nhiên, giống như các phần mềm máy tính, version đầu tiên này sẽ còn tiếp tục phải cập nhật rồi phát triển lên version 2.0, 3.0…
Tất cả mọi người tham gia đều có thể đóng góp ý kiến vào chương trình này để chúng ta cùng phục vụ chung cho nhân loại. Tôi kỳ vọng chương trình sẽ thúc đẩy sự thực hành và định hướng của mỗi công dân toàn cầu.
Tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng, ý niệm công dân toàn cầu đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, khi chúng ta gia nhập WTO. Khi đó, tôi đang là tổng biên tập báo VietNamNet và tờ báo đã đưa ra những ý tưởng khuyến khích và truyền cảm hứng về những vấn đề như vậy.
Rõ ràng, ở Việt Nam, chúng ta có những ý tưởng đã đi trước và đến ngày hôm nay thế giới nói rất nhiều về công dân toàn cầu như chúng ta nói từ năm 2006 rồi.
Nhà báo Phạm Huyền: Nói về giá trị chuẩn mực chung, chúng ta cũng thấy rằng, ngay cả các tổ chức hợp tác quốc tế trong quá trình xây dựng các cam kết chung, dựa trên những nguyên tắc chung thì cũng mất rất nhiều thời gian tranh luận, đàm phán.
Một câu hỏi tiếp theo xin được được chia sẻ cùng GS. Anna Steinbach Torres. Thưa bà, có lẽ xây dựng hệ chuẩn mực chung của công dân toàn cầu, hẳn cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là sự va đập về lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Vậy, theo bà, làm thế nào với mỗi con người với xuất phát điểm từ một dân tộc khác nhau, hoàn cảnh lịch sử văn hóa chính trị khác nhau thì có thể đi tới một sự thống nhất công nhận chung về giá trị công dân toàn cầu?
GS. Anna Steinbach Torres, thành viên Chương trình giáo dục công dân toàn cầu
GS Anna Steinbach Torres: Tôi nghĩ, trở thành công dân toàn cầu không có nghĩa là đánh mất bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Mỗi nền văn hóa của mỗi quốc gia là một phần tạo nên nền văn hóa thế giới, chúng ta chia sẻ và sống chung dưới nền văn hóa đó.
Vậy nên, với tư cách công dân toàn cầu, việc chúng ta bảo vệ bản sắc văn hóa riêng, bảo vệ giá trị văn hóa quốc gia và đồng thời cởi mở đón nhận những nền văn hóa khác là điều vô cùng quan trọng.
Tôi đồng ý rằng chúng ta có rất nhiều trở ngại trong việc tương tác giữa các công dân toàn cầu đến từ các nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như về kiến thức, ngôn ngữ hay những quan niệm khác nhau về chính trị và những bất đồng trong hiểu biết về nền giáo dục, về quyền công dân.
Nhưng, tôi nghĩ chúng ta có thể chia sẻ với nhau về những giá trị chung. Đây chính là những gì chúng ta đang cố gắng để thúc đẩy, phát huy những điểm tốt chung, những điểm mà đã góp phần tạo ra giá trị đạo đức lành mạnh của con người.
Sự kết nối toàn cầu rất quan trọng trong việc gắn kết những cá nhân có cùng lý tưởng, có cùng giá trị nhưng nó không có nghĩa là chúng ta phải đánh mất điều gì đó, mà ngược lại, nó là việc thu nạp thêm nhiều giá trị tốt cho bản thân và cho cả những người xung quanh.
Ba kẻ thù của công dân toàn cầu
Nhà báo Phạm Huyền: GS. Carlos Torres đã đi qua hơn 40 quốc gia để làm việc,, vậy ông nghĩ như thế nào sự khác việt giữa các nền văn hóa sẽ tạo ra những rào cản trong quá trình trở thành một công dân toàn cầu? Và liệu trong quá trình xây dựng và đi theo chuẩn mực một công dân toàn cầu như vậy thì mỗi con người có thể giữ được một cái bản sắc văn hóa riêng của mình hay không?
GS Carlos Torres: Câu hỏi của bạn rất khó. Tuy nhiên, tôi muốn nêu ra 3 “kẻ thù” chính của công dân toàn cầu, bởi vì tôi nghĩ nếu chúng ta có thể chỉ ra được những gì đang chống lại nó, chúng ta sẽ nhận ra được những gì cần phải làm.
Kẻ thù lớn đầu tiên là “Radical Nationalism” (chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Đó là chủ nghĩa hướng về dân tộc và coi toàn bộ người nước ngoài, người nhập cư và người tị nạn đều nguy hiểm cho quốc gia. Đây là chủ nghĩa mà chúng ta có thể bắt gặp ở Mỹ, ở Châu Âu và ở những vùng khác trên thế giới. Chủ nghĩa này có thể kéo theo sự không khoan hồng (trong tôn giáo), khủng bố và bạo lực.
Kẻ thù thứ hai đó chính là “Religious Extremism” (Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan). Hiện nay, mỗi khi người ta nghe đến từ Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, họ nghĩ ngay đến Hồi giáo. Đây là một sai lầm lớn.
Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình nhưng trong Hồi giáo được chia ra làm hai loại cũng giống như có nhiều loại trong Thiên Chúa giáo, đạo Do Thái và những đạo giáo khác trên thế giới.
Tôi nghĩ sẽ rất hiệu quả nếu biết tận dụng khả năng cộng tác, trao đổi, đối thoại của con người để đưa ra phương pháp giải quyết xung đột tốt nhất.
Kẻ thù thứ hai này tấn công nền tảng của quan hệ công dân toàn cầu. Cách giải quyết xung đột với các cuộc đối thoại vẫn tốt hơn nhiều việc giải quyết xung đột bằng chiến tranh. Tôi tin rằng, đối thoại và những chính sách ngoại giao công khai đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Kẻ thù thứ ba của công dân toàn cầu là xu hướng ca ngợi tài trợ, nhận tài trợ.
Bởi khi bạn tham gia với tư cách công dân toàn cầu, bạn sẽ có một chứng chỉ riêng biệt. Và chúng tôi rất cân nhắc đối với những sự tài trợ như vậy, bởi vì một trong những vấn đề vô cùng quan trọng của công dân toàn cầu là đo lường. Làm cách nào bạn có thể biết được những ai là công dân toàn cầu, những ai là người chỉ tỏ ra, chỉ “diễn” mình là một công dân toàn cầu?
Anh có thể tán thành đó là những giá trị đặc biệt, là những triết lý đặc biệt và nói to dõng dạc ra những điều đó. Nhưng những điều anh thực hành, cách anh hành động trong cuộc sống hằng ngày lại là một điều khác. Vậy nên, những gì tôi muốn nói đến ở đây đó là chúng ta cần phải nhận lấy điều này như là một sản phẩm của thế giới tự do.
Trong lĩnh vực giáo dục, việc giáo dục về công dân toàn cầu nên trở thành hiểu biết thông thường, thứ sẽ thay đổi những quan điểm mang tính thiên vị trong giáo dục. Thật không may là chúng ta chưa làm được như vậy.
GS Carlos Torres và GS Anna Steinbach Torres
Xin chia sẻ thêm, tại Đại học Harvard tới, chúng tôi có một cuộc họp và sẽ trao một giải thưởng quan trọng cho giáo sư Joseph Samuel Nye. Đây là giải thưởng đồng tổ chức giữa UNESCO Mỹ và Hội đồng nghiên cứu về giáo dục công dân toàn cầu.
Chúng tôi trao giải thưởng này cho giáo sư Nye là bởi hai lí do. Thứ nhất, ông là người đầu tiên phê phán chủ nghĩa phân cấp, là một trong những bài toán của công dân toàn cầu. Đó cũng là lí do vì sao ông có tầm ảnh hưởng lớn ở Mỹ.
Lý do thứ hai là bởi vì ông đưa ra khái niệm về “quyền lực mềm” (soft power). Quyền lực mềm chính là những ảnh hưởng tới người khác, là những ảnh hưởng mà UNESCO có để góp phần giảm nhẹ những xung đột- một trong những vấn đề thể dẫn đến chiến tranh. Chúng đã có Chiến tranh thế giới thứ I, Chiến tranh thế giới thứ II, nếu chúng ta có chiến tranh thế giới thứ III, thế giới có thể sẽ lụi tàn.
Nhà báo Phạm Huyền: Với những vấn đề về rào cản chủ nghĩa dân tộc hay ảnh hưởng của quyền lực mềm, thưa TS. Nguyễn Sĩ Dũng, ông có suy nghĩ như thế nào trước ý kiến của GS Carlos Torres vừa chia sẻ?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ giáo sư nói rất đúng. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan rõ ràng chỉ nói tới một nhóm người. Ví dụ như ở Việt Nam, dễ hiểu nhất, chúng ta có chủ nghĩa đồng hương, cục bộ nhưng chỉ là một nhóm thôi chứ không phải tất cả.
Tuy nhiên, nếu nhóm người đấy cho rằng mình là khác biệt, cho rằng là những người khác sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích, bản sắc của mình thì đó là tư duy đó rất nguy. Thực ra, điều đó cũng đã diễn ra có thật. Ví dụ như ở sự kiện Anh rời EU (Brexit), hay việc có nhiều phiếu bầu cho ông Trump làm Tổng thống Mỹ thì ở phía sau đó, có chủ nghĩa dân tộc.
Thứ hai, nói về chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, những điều GS Carlos nói quá đúng. Tôi nghĩ rằng, còn có thể có rất nhiều điều khác nữa dẫn đến sự đe dọa cho giá trị công dân toàn cầu.
Ví dụ, những mô hình kinh tế dẫn tới sự phân chia giàu có không công bằng thì quả thực, khi điều đó xảy ra là sự thất bại của nhân loại. Chúng ta nói tới lợi ích toàn cầu, nhưng những cái làm ra thì người được rất nhiều, người chẳng có gì. Thế thì, lợi ích toàn cầu cái gì?
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Tôi cho là một thách thức rất lớn. Chúng ta không có một mô hình hiệu quả để phân chia sự giàu có trên toàn cầu này một cách công bằng. Nói gì thì nói, chúng ta nói tới những giá trị toàn cầu và sự bình đẳng trong mô hình như vậy là khó.
Tôi cho rằng, để thúc đẩy những giá trị toàn cầu một cách công bằng thì không thể thiếu một mô hình kinh tế đi theo để đảm bảo cho điều đó. Tức là, để mọi công dân được hưởng lợi, có sự công bằng trong phân chia sự giàu có và hưởng lợi những gì mà quả đất này mang lại. Điều đó ít nhất phải tương đối đồng đều, chứ không phải tình trạng hiện nay, có những dân tộc hay có những nhóm người hưởng hết và có những nhóm người chỉ hưởng hậu quả của nó thôi.
Tôi ví dụ như hậu quả của biến đổi khí hậu, Việt Nam không phải là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu nhưng mà ta hưởng trọn hậu quả của nó. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Rõ ràng, có một sự không công bằng ở đây.
Để hình thành nên những giá trị toàn cầu, hình thành một công dân toàn cầu, chúng ta nhìn thấy những thách thức mà rất rõ và không dễ vượt qua.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi chợt nhớ tới điều mà người ta thường hay nhắc tới thời gian gần đây, đó là chủ nghĩa bảo hộ đang quay lại và đe dọa những mục tiêu về các cam kết chung trong toàn cầu hóa. Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, ông là người trực tiếp tham gia rất sâu trong chương trình giáo dục công dân toàn cầu, ông nghĩ như thế nào về các rào cản chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đoan?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng, bên cạnh những thách thức mà các khách mời vừa chia sẻ, thách thức lớn nhất là chúng ta cần có một quan niệm chung đầu tiên của chính các chính phủ các quốc gia khác nhau về vấn đề này.
Các quốc gia được điều hành bởi các Chính phủ, các Quốc hội. Hệ thống nhà nước đó mà không thông, không kết nối được với nhau để đồng bộ về nhận thức thì điều đó sẽ là rào cản.
Hiện nay, đúng là có vấn đề về sự phân phối lợi ích giàu nghèo trong một quốc gia hay giữa các quốc gia khác nhau, phân phối lợi ích trong quan hệ toàn cầu này giữa các quốc gia với nhau. Chúng ta thấy có quốc gia thì được nhiều hơn, có quốc gia được ít hơn, có quốc gia lợi dụng toàn cầu hóa này để bòn rút và làm lợi cho quốc gia mình một cách không chính đáng và không quan tâm đến chuẩn mực.
Đó là những lý do mà tại sao hiện nay, bắt đầu một cái làn sóng cực đoan, tức là từ cực này nhảy sang cực khác từ những bất hợp lý đó.
Vậy thì, để giải quyết các vấn đề đó, phải ở chính các nhà lãnh đạo.
Điểm thứ hai là, thời đại ngày nay chúng ta cũng nhìn nhận rằng các công dân đã kết nối dễ dàng với nhau trên thế giới rồi. Tôi rất đồng cảm với giá trị chuẩn mực của UNESCO nêu ra và như những gì mà GS Carlos Torres đã trình bày bởi tôi cũng là một công dân làm việc ở một quốc gia khác (Mỹ).
Khi làm việc cùng và gắn bó với GS. Carlos Torres trong chương trình giáo dục công dân toàn cầu này, tôi hiểu rất rõ là, mỗi con người, mỗi tổ chức, công ty, doanh nghiệp… cần thấy được đây là vấn đề sống còn.
Ví dụ như vấn đề môi trường, chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng sự ảnh hưởng tới nhau rất nặng nề. Chính vì lẽ đó, chúng tôi có những thẻ điểm, có những chuẩn mực chung để đánh giá, để định lượng về giá trị công dân, giá trị lãnh đạo toàn cầu.
Tôi bổ sung thêm rất nhiều người, kể cả người Việt Nam chúng ta cũng có suy nghĩ băn khoăn là liệu chúng ta có mất bản sắc không khi mà chúng ta hội nhập toàn cầu?
Chúng tôi có nhiều hội thảo và chúng tôi cũng thảo luận nhiều với nhau về vấn đề này. Chính GS Carlos Torres cũng đã nói, chúng ta đã thống nhất với nhau rằng, không hề mất bản sắc mà ngược lại, những giá trị bản sắc tốt đẹp sẽ được mỗi con người đóng góp vào cho nhân loại.
Tất nhiên những bản sắc xấu thì không nên giữ làm gì, những cái gì cổ hủ, không làm cho con người văn minh hơn, tốt đẹp hơn thì không việc gì chúng ra phải giữ nó nữa. Nhưng những bản sắc tốt đẹp cho nhân loại sẽ góp phần làm giàu cho giá trị chung của nhân loại.
Tôi nghĩ rằng hoàn toàn đừng sợ rằng chúng ta mất bản sắc khi thực hành Công dân toàn cầu. Chúng ta chỉ cần mất cái gì không đẹp, không tốt có hại cho sự phát triển của chúng ta, còn cái gì cao quý đẹp đẽ thì phải phát huy bởi nhân loại cần những giá trị đó của mỗi dân tộc đó để đóng góp chung.
(Hết phần 1, mời đón xem phần 2: Quyền lực đồng tiền có chi phối giá trị công dân toàn cầu?)
VietNamNet
Thực hiện: Lan Anh- Phạm Huyền
Video: Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý, Thuý Hồng
email: [email protected]