Đi tìm “Hà Tiên thập cảnh”

Biên phòng – “Hà Tiên thập cảnh” là cụm từ của người xưa hay dùng để nói đến vùng đất xa lắc cuối cùng ở mạn biên giới biển phía Tây Nam, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. 10 cảnh đẹp trong huyền thoại đó bây giờ diện mạo ra sao?


Chùa Phật Đà được trùng tu cải tạo lại, trở thành địa danh du lịch nổi tiếng. Ảnh: TTH

Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang có lịch sử phát triển hơn 300 năm, mảnh đất từng vang danh với “Hội Tao đàn Chiêu anh các” (nơi tụ hội các nhân sĩ văn hóa, cùng làm thơ), nơi cư trú, dung dưỡng của các nhân sĩ tài hoa, văn võ song toàn. Vùng đất này được ngợi ca như tiên cảnh với cảnh quan núi, sông, cầu, quán… đều được đặt tên gọi riêng văn vẻ thanh lịch, hàm ý sâu sắc. Chính trong “Hội Tao đàn Chiêu anh các” ra đời năm 1736, Tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích đã lần đầu tiên vinh danh “Hà Tiên thập cảnh”, tức là 10 cảnh đẹp của Hà Tiên.

Về sau, 10 cảnh đẹp này là đề tài thơ ca nhạc họa, đi vào tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều thế hệ từ đó tới giờ. Trong làng văn nghệ thi nhân đất Việt, Hà Tiên trở thành mảnh đất “huyền ca văn hiến” và ai cũng muốn đến Hà Tiên để chiêm ngưỡng đủ 10 cảnh đẹp, nhất là vừa đọc thơ, nghe nhạc, vừa được nhìn tận mắt miền đất thi ca.

10 cảnh đẹp của Hà Tiên gồm có: Kim dự lan đào (Núi Pháo Đài), Bình san diệp thúy (Dãy núi Bình San), Tiêu tự thần chung (Tiếng chuông chùa Tiêu), Giang Thành dạ cổ (tiếng ca trên sông Giang Thành), Thạch Động thôn Vân (núi Thạch Động chạm mây bay), Châu nham lạc lộ (thạch nhũ núi Đá Dựng), Đông Hồ ấn nguyệt (trăng soi đầm Đông Hồ), Nam Phố trừng ba (bãi biển sóng lăn tăn), Lộc trĩ thôn Cư (Mỏm núi Mũi Nai), Lư khê ngư bạc (cá quẫy bến Vược).

Hà Tiên đang trong quá trình phát triển đô thị và quy hoạch vùng dịch vụ du lịch với tốc độ nhanh so với những thập kỷ trước. Xét về toàn diện, cảnh quan của Hà Tiên không thay đổi nhiều so với những miêu tả trong sử sách và các sáng tác văn học nghệ thuật. Một số cảnh đẹp bị biến dạng và không còn giống như miêu tả đều do biến đổi khí hậu, địa chất. Các kênh, rạch, sông, suối thay hình đổi dạng, bồi lấp hoặc bị nắn dòng.

Các di tích lịch sử văn hóa trải qua các kỳ trùng tu, tôn tạo. Chỉ có những cảnh quan “trơ gan cùng tuế nguyệt” không thể thay đổi là những ngọn núi và bãi biển. Những ngôi chùa, mái đền vẫn là cơ sở thờ tự, cũng là chốn tham quan vãn cảnh của du khách bốn phương. Có thể vì thế mà cho đến nay, tâm hồn người Hà Tiên vẫn mơ mộng và hồn hậu như xưa. Thị xã Hà Tiên có cửa khẩu quốc tế thông thương với nước bạn, có trung tâm đô thị thương mại sầm uất dưới chân cầu Tô Châu, nhưng thị xã luôn mang dáng vẻ yên bình, thơ mộng, lặng lẽ chứ không xô bồ.

Buổi hoàng hôn bên cầu Tô Châu, ánh mặt trời dần khuất vào Mũi Nai, đầm Đông Hồ rực đỏ, con sông biên giới Giang Thành nằm nghiêng nghiêng gợn sóng trong chiều tà. Núi Pháo đài thanh tú uốn vòng quanh bến cảng. Thực không hổ danh là đất Hà Tiên thập cảnh, phần nào đó với bàn tay vun đắp của nhiều thế hệ con người Kiên Giang, cảnh đẹp cho đến nay còn được tô đậm nét đẹp lên nhiều lần.

Núi Pháo Đài vốn là một ngọn núi thấp nhỏ ở sát vịnh Thái Lan gần Mũi Nai được mang cái tên này vì núi giống như pháo đài che chắn cho cả Hà Tiên. Người xưa nói đặt tên núi Pháo Đài còn hàm ý cả Hà Tiên như một pháo đài phên giậu che chắn cho vùng giang sơn nội địa sau lưng, cho cả dải đất Nam Bộ. Vào thời thịnh vượng, vua Minh Mạng còn sai sửa sang, xây đồn lũy và đặt pháo trên núi. Sau này, khi cầu Tô Châu xây dựng bên núi Pháo Đài, vị trí này trở thành trung tâm của thị xã, xoay xung quanh là cảnh biển Hà Tiên, chợ Hà Tiên, bến cảng, vịnh Đông Hồ, núi Tô Châu, tượng đài Mạc Thiên Cửu.

Tương tự như vậy, dãy núi Bình San được ca ngợi như một tấm vách trời màu xanh mát giăng giăng như thành lũy. Trên đỉnh núi còn dấu tích của nơi lập đàn tế trời, tế linh hồn binh sĩ, đàn xã tắc, xuyên sơn. Sau khi được đi vào thơ ca với cảnh đẹp thanh bình, yên ả, núi Bình San trở thành nơi chôn cất của dòng họ Mạc và an vị lăng mộ Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích – các vị có công khai mở và quản đất Hà Tiên. Dưới chân núi, tất thảy dòng họ Mạc và các công thần tướng lĩnh đều được thờ tự trong Trung Nghĩa Từ (ngôi đền Trung Nghĩa).

Về hệ thống đền chùa của Hà Tiên còn phải kể đến 2 ngôi chùa nổi tiếng là chùa Phù Dung và chùa Phật Đà gắn với các câu chuyện lịch sử về hình thành đời sống tín ngưỡng của người dân. Một trong 10 cảnh đẹp còn vinh danh một vẻ đẹp hư ảo, huyền hoặc là tiếng chuông chùa Tiêu. Cũng có thể đây là tiếng chuông chùa Phù Dung – ngôi chùa cổ hiền lành bên chân núi.

Hiện nay, cả 2 ngôi chùa này đều đã được phật tử bốn phương góp công sức trùng tu lại khang trang và quy mô và vẫn là nơi tham quan, chiêm bái của du khách. Vị từ đền tôn kính của Trung Nghĩa Từ cho chúng tôi biết, khách du lịch đến Hà Tiên thường đến vãng cảnh núi Bình San đầu tiên, thăm mộ dòng họ Mạc, viếng chùa và chiêm ngưỡng hồ vọng nguyệt nở đầy hoa sen trước cửa Trung Nghĩa Từ. Đến đây, niềm ao ước ngắm Hà Tiên thập cảnh của du khách phần nào được đáp ứng, tinh thần phơi phới, nhẹ nhàng. Núi không quá cao mà giữ vẻ linh thiêng, quả thật đây là một vùng non xanh thủy tú đáng tự hào của Hà Tiên.

Sông Giang Thành nối vịnh Đông Hồ và kênh Vĩnh Tế hẳn là vẻ đẹp thiên phú nổi bật của miền biên viễn. Cả một vùng là nơi nước ngập hoang dã, nơi cư trú của chim trời, cá nước, đa dạng, phong phú. Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế, tạo thành tuyến đường thủy quan trọng từ thành phố Châu Đốc đến thành phố Hà Tiên. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau là ngã ba Giang Thành được miêu tả là tuyệt cảnh, sóng gợn lăn tăn, nghe cả tiếng cá quẫy, tiếng ca thương hồ nước chảy thuyền trôi. Tại các vị trí hiểm yếu này thời nào cũng cắt đặt các bốt gác canh phòng biên ải.


Bãi biển Mũi Nai của thị xã Hà Tiên ngày nay. Ảnh: TTH

Tương tự như vậy, núi Thạch Động gắn với truyền thuyết Thạch Sanh đánh trằn tinh. Do núi bao phủ nhiều cây xanh và sừng sững giữa đồng nên vào buổi sớm, ngọn núi như chìm trong sương mây, từ xa nhìn thấy núi có nghĩa là đã đến đất Hà Tiên. Chưa kể, trong núi có động, có thạch nhũ và bao trọn một ngôi chùa cổ. Nhìn bề ngoài, cây lá hiền lành, mà bên trong lòng núi chứa đựng nhiều sự lạ, bất ngờ. Kì quan núi Đá Dựng cũng tương tự, như một tấm bia đá khổng lồ tạc vào đất, như viên ngọc đá mà đất dâng cho trời.

Vì vậy, núi còn gọi là Châu Nham. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đá Dựng là một cơ sở hoạt động che chở các chiến sĩ cách mạng của ta, đây cũng là một tiền đồn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Bãi biển Mũi Nai giờ đây chiếm một vị trí quan trọng để phát triển Hà Tiên trở thành một thành phố biển. Bãi cát dài thoải bên cạnh một mỏm núi như hình con nai nằm hếch mõm ra biển là cảnh đẹp thơ mộng bậc nhất của biển Tây Nam. Nơi này từng được cải tạo nhiều lần, tôn tạo dải cát trắng, trồng cây xanh và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thúy Hằng