Đi siêu thị online qua kính thông minh

3,805

lượt xem

Tại cửa hàng 7-Eleven ở Iizuna, thị trấn với những vườn táo và nho của Nhật Bản, nhân viên đang đeo cặp kính như trong phim khoa học viễn tưởng.

Với chiếc kính tích hợp camera và cảm biến, hình ảnh kệ hàng sẽ được ghi lại và chuyển đến smartphone của người mua theo thời gian thực. Khi người mua chọn món hàng nào, vị trí đó sẽ hiển thị sẵn trên màn hình nhỏ của kính, giúp nhân viên lấy sản phẩm mà khách cần mua. Chúng sau đó được giao tới tận nhà theo địa chỉ đăng ký trước.

Đây là một phần thử nghiệm mua sắm từ xa qua kính thông minh tại Iizuna, tỉnh Nagano từ đầu tháng 6. Với mục đích hướng đến người cao tuổi, dịch vụ đang được sử dụng bởi 13 người ở độ tuổi 60 trở lên trong hai tuần đầu và hàng chục người những tuần sau đó.

“Mọi người có thể nhận được hỗ trợ thông qua đàm thoại, đem lại trải nghiệm mua sắm suôn sẻ và trực quan”, Ryusuke Kasai, người phụ trách mảng đổi mới kỹ thuật số tại Iizuna, cho biết.

Loại kính mà thị trấn Iizuna thử nghiệm có tên RemoPick, được phát triển bởi ICT Kobo, công ty công nghệ thành lập năm 2020 thuộc tập đoàn Toppan. Hiện đội ngũ thực hiện có 9 thành viên chủ chốt, đều là kỹ sư có tay nghề về các giải pháp kỹ thuật số.

Ban đầu, RemoPick ra đời để hỗ trợ việc hái táo. “Chúng tôi có ý tưởng công nghiệp hóa mạnh hơn nữa ngành nông nghiệp. RemoPick giống như một công cụ để người nông dân có thể truyền lại bí quyết trồng táo ngay tại nhà của họ”, Shota Fujikawa, một kỹ sư trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Theo thời gian, RemoPick hoàn thiện dần. Đội ngũ phát triển nhận ra rằng, công nghệ giao tiếp của kính thông minh có thể hỗ trợ người dùng mua sắm từ xa.

Kasai cho biết, thị trấn sẽ tiếp tục quá trình thử nghiệm trong tháng 7 và lần thử nghiệm thứ hai sẽ bắt đầu vào tháng 9. Đến 2023, RemoPick sẽ triển khai đại trà ở những khu vực khác tương tự Iizuna tại Nhật Bản.

Hiện việc sử dụng kính mới vẫn có một số thách thức, như khối lượng công việc của nhân viên cửa hàng tăng lên, trong khi việc đeo kính liên tục kém thoải mái. “Chúng tôi sẽ tìm giải pháp giảm gánh nặng, ví dụ lựa chọn và giao nhận sản phẩm từ bên thứ ba”, Kasai nói thêm.

Theo vnexpress.net